Các bác sĩ khoa Hô hấp, bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã thực hiện nội soi gắp con vắt dài 5 cm cho một thai phụ 21 tuổi (đang mang thai tuần thứ 18) trú tại Bắc Sơn, Lạng Sơn.
Thai phụ nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, ho nhiều, khàn tiếng và khó thở nhẹ. Thông tin từ gia đình người bệnh cho biết, khoảng 1 tháng nay, người bệnh xuất hiện ngứa họng, ho khạc đờm, thỉnh thoảng lẫn máu, khàn tiếng tăng dần.
Ban đầu thai phụ có đi khám tại phòng khám tư nhân trên địa bàn, được chẩn đoán: Viêm họng và kê thuốc về nhà uống. Tuy nhiên sau một thời gian dùng thuốc, tình trạng bệnh không giảm, cảm giác có vật lạ di động trong vùng họng nên đã đến Bệnh viện Trung Ương Thái Nguyên để khám và điều trị.
Nội soi phát hiện vắt trong lòng khí quản bệnh nhân.
Tại đây qua nội soi, các bác sĩ đã phát hiện trong lòng khí quản thai phụ có “Dị vật sống” và gắp ra con vắt dài 5 cm. Sau khi thực hiện thủ thuật gắp dị vật ra khỏi khí quản, tình trạng sức khỏe của thai phụ và thai nhi hoàn toàn ổn định. Sau 3 ngày theo dõi tại khoa Nội Hô hấp, thai phụ đã được xuất viện.
Trường hợp bị vắt chui vào đường thở khá thường gặp. Vì vậy, người bệnh ngay khi có các dấu hiệu như nhột, ngứa, chảy nước mũi, đau đớn, khó thở, chảy máu… cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám, phát hiện kịp thời.
Phát hiện chậm trễ sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu mãn tính do bị vắt hút. Đặc biệt, trong quá trình vắt hút máu tiết ra chất chống đông máu nên sẽ gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh.
Con vắt được lấy ra khỏi đường hô hấp của thai phụ.
Vắt là loài vật thường xuất hiện ở các vùng núi, có trong nước ở suối, rừng. Thời gian đầu vắt có kích thước rất bé, mắt thường khó phát hiện. Vì vậy, người dân khi đi rừng, suối không nên rửa mặt, uống nước suối, cẩn thận tắm suối.
Lưu ý, khi thấy mũi, họng có biểu hiện bất thường chúng ta cần nhanh chóng đến bệnh viện để được thăm khám, phát hiện tình trạng của bản thân.
𝐁𝐒𝐂𝐊𝐈𝐈. 𝐂𝐡𝐮 𝐓𝐡𝐢̣ 𝐓𝐡𝐮 𝐋𝐚𝐧 (Trưởng khoa Hô hấp, bệnh viện Trung ương Thái Nguyên)