Nguyễn Thị Thanh (29 tuổi, ở Văn Giang, Hưng Yên) ân hận khi không đi sàng lọc ung thư vú từ sớm để có cơ hội điều trị tốt hơn. Chị chưa bao giờ nghĩ ung thư vú có thể tìm đến mình.
Vì sao 29 tuổi đã mắc ung thư vú?
ThS.BS Vũ Anh Tuấn - khoa Phẫu thuật lồng ngực và mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai - cho biết chị Thanh là một trong số bệnh nhân phát hiện ung thư vú (UTV) khi tuổi còn rất trẻ.
Theo lời kể của bệnh nhân, chị vô tình sờ thấy khối u ở vùng ngực, đến bệnh viện để thăm khám thì được chẩn đoán bị UTV giai đoạn 2. Lúc này, khối u ở vùng trung tâm, ngay sau núm vú nên không thể bảo tồn. Chị phải cắt toàn bộ tuyến vú.
Bác sĩ Tuấn nhận định sau khi phẫu thuật ổn định, bệnh nhân sẽ bắt đầu phác đồ điều trị hóa chất. Sau một năm, các bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng toàn thân, cân nhắc thực hiện phẫu thuật tái tạo hình thể vú.
|
Hình ảnh phim chụp khối u của bệnh nhân trước khi phẫu thuật. Ảnh: MT. |
Hiện tại, hai xu hướng tái tạo thường được áp dụng là sử dụng mô tự thân và sử dụng chất liệu thay thế. Phương pháp sử dụng mô tự thân là dùng các tổ chức của cơ thể như vạt cơ lưng rộng, cơ bụng để có thể tái tạo tuyến vú.
Ưu điểm của phương pháp này là thích nghi tốt với cơ thể, có thể thay đổi theo trọng lượng của cơ thể khi tăng hay giảm cân. Tuy nhiên, việc phẫu thuật kéo dài và thường để lại vết sẹo lớn.
Đây là phẫu thuật tương đối phức tạp, có thể phải sử dụng đến vi phẫu và nguy cơ hoại tử mô. Hiện nay, trên thế giới ở các nước phát triển như Mỹ, Đài Loan chỉ có khoảng 10% bệnh nhân lựa chọn phương pháp này.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng các chất liệu thay thế như túi giãn mô thì đầu, sau khi đạt được thể tích nhất định, sẽ sử dụng Gel Implant vĩnh viễn, sau đó, bệnh nhân phải trải qua bước tái tạo núm vú và xăm quầng núm vú. Phẫu thuật thay thế đơn giản hơn và đang là xu hướng ở các nước trên thế giới. 90% bệnh nhân lựa chọn phương pháp này.
Đối với bệnh nhân UTV giai đoạn sớm và vị trí khối u ở vùng rìa tuyến vú hoặc khối u chưa có biểu hiện xâm lấn, các bác sĩ có thể thực hiện kỹ thuật bảo tồn, đặc biệt là với những bệnh nhân trẻ. Bảo tồn luôn đi đôi với xạ trị, dùng hóa chất đúng phác đồ, sau đó phải theo dõi và khám định kỳ tốt. Ưu điểm của phương pháp này là có thể giữ lại hình thể tuyến vú một cách tự nhiên cho bệnh nhân, đảm bảo tính thẩm mỹ, đặc biệt đối với những bệnh nhân còn trẻ tuổi, chưa lập gia đình.
Ung thư vú có thể chữa khỏi hoàn toàn
Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới, với trên một triệu trường hợp mới mắc hàng năm. Tại Việt Nam, tần suất mắc bệnh chuẩn hoá theo tuổi tăng gấp đôi trong vòng 2 thập kỷ gần đây, từ 13,8/100.000 (năm 2000) lên 29,9/100.000 phụ nữ (năm 2010). Tỷ lệ mắc mới hàng năm trên cả nước lên tới 12.533 ca, chiếm trên 20% tổng số ca ung thư ở nữ giới.
Trước đây, hầu hết bệnh nhân phát hiện UTV ở giai đoạn muộn, hoặc ở phụ nữ từ 40 tuổi trở lên, khi các triệu chứng lâm sàng đã rõ ràng, khiến tiên lượng bệnh kém. Việc sàng lọc UTV phát hiện những u nhỏ, tổn thương chưa sờ thấy được bằng tay giúp tăng cơ hội điều trị bảo tồn cũng như giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú.
Các chuyên gia khẳng định UTV nếu được phát hiện ở giai đoạn sớm có thể chữa khỏi hoàn toàn. Chụp X-quang tuyến vú là phương pháp cơ bản nhất trong sàng lọc UTV, đã được chứng minh làm giảm tỷ lệ tử vong do UTV gây ra qua những thử nghiệm lâm sàng có đối chứng.
Chụp X-quang vú được khuyến cáo áp dụng ở tất cả phụ nữ trên 40 tuổi và chụp định kỳ hàng năm. Bệnh nhân phát hiện sớm có thể sống trên 5 năm. Vì thế, các chuyên gia nhấn mạnh việc phụ nữ nên tầm soát UTV định kỳ để phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm.
Nếu gia đình có người thân từng bị mắc UTV, chị em nên đi tầm soát sớm. Hàng tháng, sau khi sạch kinh, nữ giới nên tự khám ngực bằng cách sờ hai tuyến vú của mình, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.
* Tên nhân vật đã được thay đổi