Ngày 29/2, bé gái nặng 2,6 kg đã chào đời an toàn bằng phương pháp sinh mổ tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM). Đây là em bé thứ 2 ở Việt Nam được thông tim bào thai.
Hình ảnh hạnh phúc của gia đình sản phụ 27 tuổi. Đây là ca thông tim cho bào thai thành công thứ hai tại Việt Nam. Ảnh: BVCC.
Khoảnh khắc hạnh phúc
Bé gái chào đời lúc 8h15, tự thở khí trời, da không tím tái, được da kề da với mẹ. Người mẹ cũng khỏe mạnh. Bé được siêu âm đánh giá lại thì chưa cần can thiệp gì trong thời điểm này, kể cả hỗ trợ hô hấp hay hồi sức cấp cứu. Sức bơm máu của tim đủ cho trẻ.
Hiện trẻ được chuyển tới Bệnh viện Nhi đồng 1 để được theo dõi chuyên sâu về tim mạch.
Trước đó, giữa tháng 1, sản phụ 27 tuổi, ngụ TP.HCM, được phát hiện có tim thai bất thường ở tuần 21. Thai nhi được chẩn đoán hẹp van động mạch chủ tiến triển.
Khi thai được 29 tuần, diễn tiến hẹp van động mạch chủ nặng. Nhận định về trường hợp này, các chuyên gia đều thống nhất nếu không can thiệp khẩn hoặc can thiệp trễ sau 30 tuần tuổi, khả năng rất cao bào thai sẽ mất trong bụng mẹ.
Hai ê-kíp của Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Nhi đồng 1 nhanh chóng thực hiện phẫu thuật. Sau 2 giờ, dòng chảy qua van động mạch chủ của thai nhi khôi phục. Tình trạng tràn dịch màng ngoài tim thai cũng được kiểm soát tốt, nhịp tim thai bình thường.
Ê-kíp Bệnh viện Từ Dũ làm công tác chuẩn bị để mổ lấy thai cho sản phụ 27 tuổi. Ảnh: BVCC.
Gần 2 tháng sau, khi thai nhi được 37 tuần, tim của bào thai được cải thiện, sức khoẻ sản phụ ổn đinh, các bác sĩ quyết định mổ bắt con.
Bé rồng vàng đặc biệt
“Con rồng vàng này rất đặc biệt”, bác sĩ Trần Ngọc Hải, Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, nói.
Lý giải vì sao phải mổ đúng vào tuần thứ 37, bác sĩ Trần Ngọc Hải cho biết em bé phát triển tốt trong quá trình theo dõi gần 37 tuần qua là một sự thành công ngoài mong đợi.
Nếu để lâu hơn nữa, khi em bé 38, 39 tuần, sự phát triển thể chất của trẻ có thể đạt được 10 điểm. Tuy nhiên, điều này lại không an toàn cho sức khỏe trẻ.
Lúc thông tim bào thai ở thời điểm 29 tuần, thai chưa tới 1 kg, kích thước trái tim còn tương thích. Nếu đợi đủ 10 điểm phát triển thể chất, trái tim trẻ không phù hợp với kích thước, sẽ không chịu áp lực của cân nặng, như thiếu máu bơm có thể tổn thương tim nặng hơn. Do đó, ở tuần 37, khi thai được 2,6 kg, khả năng sống cao, là thời điểm phẫu thuật tốt nhất.
Trong quá trình mổ, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng đã trực tiếp duyệt lại tất cả phương án mổ, hồi sức sơ sinh, đánh giá tình trạng quả tim cho em bé.
PGS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, động viên sản phụ trước khi vào phòng mổ. Ảnh: BVCC.
Cùng lúc đó, ca xuyên kim qua tử cung sửa tim cho bào thai thứ 3 được ê-kíp 2 bệnh viện thực hiện. Thai nhi được chẩn đoán bị tim bẩm sinh nặng lúc được 17 tuần tuổi.
Các bác sĩ cho hay thông thường, khi tim của thai nhi có bất thường sẽ phát hiện vào tuần thứ 22 của thai kỳ. Việc phát hiện sớm bất thường, cho thấy ca này rất nặng, nên việc thông tim sẽ khó hơn hai ca trước.
Trong năm 2023, Bệnh viện Từ Dũ phải đình chỉ thai kỳ cho 3.000 ca vì có những khiếm khuyết, bị tật bẩm sinh, bất thường. Ngoài ra, có 450 ca được can thiệp bào thai mắc các bệnh lý khác nhau.
Thông tim xuyên tử cung cứu sống bào thai dị tật tim nặng không lỗ van động mạch phổi được vinh danh tại giải thưởng Thành tựu y khoa Việt Nam 2023. Đây là kỹ thuật chuyên môn sâu, lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam và mở lại cơ hội điều trị cho nhiều thai nhi mắc dị tật tim.
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại