Với nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ y bác sĩ, điều kỳ diệu đã đến với bệnh nhân 91 (phi công người Anh mắc COVID-19). Trải qua gần 80 ngày điều trị, đến nay bệnh nhân đã hoàn toàn tỉnh táo, khả năng phục hồi tốt. Nhiều người cho rằng, điều này là một kỳ tích của y khoa Việt Nam.
Bệnh nhân 91 là ca mắc COVID-19 trong tình trạng nặng, nguy kịch duy nhất ở nước ta hiện nay. Nam phi công này có yếu tố béo phì, bị phản ứng miễn dịch dữ dội, rối loạn đông máu nặng, các bác sĩ đã phải đặt mua thuốc từ nước ngoài về điều trị. Bệnh nhân cũng từng được Hội đồng chuyên môn dự định cho ghép phổi. Bệnh nhân đã trải qua quá trình điều trị tại Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới TP HCM bắt đầu từ ngày 18/3- 22/5; sau đó chuyển qua Khoa Hồi sức tích cực –BV Chợ Rẫy từ chiều muộn ngày 22/5 đến nay.
|
Sau quá trình "thập tử nhất sinh" chiến đấu với COVID-19, đến nay bệnh nhân 91 đã hoàn toàn tỉnh táo, khả năng phục hồi tốt. Nhiều người cho rằng, điều này là một kỳ tích của y khoa Việt Nam. |
Bác sĩ chuyên khoa II (BSCKII) Nguyễn Thanh Trường- Phó Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM chia sẻ: Bệnh nhân rối loạn đông máu, tràn khí màng phổi, kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 lúc âm tính, lúc dương tính, đảo chiều liên tục. Không ít đêm các y bác sĩ phải thức trắng. Chưa có bệnh nhân nào, bệnh viện phải 3 lần thay màng ECMO…
BS Nguyễn Thanh Phong- Trưởng Khoa Nhiễm D, BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM nhớ lại, trong quá trình điều trị, có quá nhiều tình huống xảy ra liên tiếp trên cùng một bệnh nhân ở một khoảng thời gian ngắn khiến các y, bác sĩ không ít lần “đứng tim”.
“Tất cả những kỹ thuật hiện đại nhất, tối tân nhất của hồi sức cấp cứu đều được áp dụng cho bệnh nhân này chỉ với một mục đích duy nhất: Không để bệnh nhân tử vong”, BS Nguyễn Thanh Phong cho hay.
Khi nguy hiểm nhất, phổi của bệnh nhân 91 từng bị tổn thương tới 90% và phải tính đến phương án ghép phổi.
Tuy nhiên, với sự nỗ lực hết sức mình của các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM và BV Chợ Rẫy, đến nay, sức khoẻ bệnh nhân 91 được cải thiện một cách không ngờ với các dấu hiệu sinh tồn ổn định, phổi được hồi phục đạt khoảng hơn 50%.
Đến ngày 8/6, bệnh nhân 91 đã có những hồi phục đáng kinh ngạc như có thể ngồi dậy được, thực hiện được y lệnh của nhân viên y tế, tự viết vào bảng và bấm điều chỉnh được độ cao của giường bệnh.
Sau 5 ngày ngừng ECMO - thiết bị tim phổi ngoài cơ thể, bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sức cơ tay tăng lên 4/5 (cách đây vài ngày là 3/5), sức cơ chân chưa thay đổi được nhiều, hiện đạt 2/5.
Kiểm tra cũng cho thấy loại vi khuẩn gây viêm phổi khó điều trị hiện đã âm tính, chức năng thận đã hồi phục tính từ 27/5 đến nay.
Ca ghép cánh tay kỳ diệu từ người hiến còn sống
Đứt rời tay trái cách đây 4 năm, anh Phạm Văn Vương (SN 1989, ở Thanh Trì, Hà Nội) không nghĩ rằng có một ngày mình có một cánh tay mới. Bệnh viện TWQĐ 108 đã làm được điều kỳ diệu này, trở thành Bệnh viện đầu tiên trên thế giới ghép thành công chi thể từ người cho sống.
Người hiến tay bị tai nạn ngày 3/1/2020, dẫn đến giập nát ở vùng cánh tay đến cẳng tay, các bác sĩ đã hết sức cố gắng, điều trị trong 18 ngày nhưng không thể bảo tồn được cánh tay cho bệnh nhân (do mức độ thương tổn nghiêm trọng, có nguy cơ nhiễm trùng), buộc phải chỉ định cắt cụt cánh tay.
Tuy nhiên cánh tay bị cắt cụt có một phần còn lành, có thể sử dụng để nối cho những trường hợp có chỉ định phù hợp.
Sau khi xem xét về chỉ số miễn dịch và các chỉ số liên quan, anh Vương đã được chọn. Ca ghép được thực hiện vào sát Tết và trong vòng 1 tuần sau đó các bác sĩ đã trực 24/24 để xem xét kết quả ca ghép, nguy cơ chống thải ghép...
"Ghép chi thể khác với ghép các nội tạng đơn độc, do chi thể có nhiều bộ phận như da, cơ, xương, dịch, thần kinh, trong đó riêng cánh tay và bàn tay có tới 43 cơ... Anh Vương cũng đã bị cắt cụt tay từ 2016, các cơ đã bị khâu nối vào nhau và các cơ đã không được hoạt động trong 4 năm qua", GS Hoàng cho biết.
Qua theo dõi hơn 1 tháng sau ghép, hiệu quả phục hồi của anh Vương khá rõ rệt, anh đang trải qua một quá trình tập phục hồi chức năng, tiến tới có thể phục hồi được chức năng của bàn tay và cẳng tay.
Đây là kỹ thuật ghép tạng khó và phức tạp nhất trong các kỹ thuật ghép mô, tạng hiện nay, hoàn toàn do các giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện TWQĐ 108 (BV 108) thực hiện thành công.
|
Bàn tay ghép của anh Vương đã cầm được nắm được một số đồ vật thô. Ảnh: CAND. |
Hơn 30 ngày sau ghép chi thể, bệnh nhân Phạm Văn Vương đã khỏe mạnh và được các bác sĩ cho tới phòng họp báo công bố ca ghép chi thể đầu tiên thành công vào sáng 24/2/2020 do BV 108 tổ chức. Anh Vương giơ cánh tay được ghép lên cho chúng tôi xem, bàn tay sống, được tưới máu tốt và tất cả các vết thương đều đã liền. Các ngón tay đã có thể vận động được và có thể sử dụng bàn tay ghép để cầm nắm một số đồ vật thô.
Hai ca ghép tạng đặc biệt lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam
Ngày 25/12/2019, Bệnh viện (BV) Hữu nghị Việt Đức cho biết, bệnh viện đã thực hiện thành công một loạt ca mổ lấy - ghép đa tạng từ người hiến chết não gồm tim, 2 phổi, gan, 2 thận, trong đó có 2 ca ghép rất đặc biệt, lần đầu tiên thực hiện tại Việt Nam: Ca thứ nhất là ghép 2 phổi đồng thời với mổ tim hở sửa chữa bệnh tim bẩm sinh (sửa tim - ghép phổi); Ca thứ hai là ghép gan và thận đồng thời (ghép một thì).
Về ca ghép phổi, nữ bệnh nhân được ghép là P.T.H, khoảng 30 tuổi, mắc bệnh tim bẩm sinh thông liên nhĩ lỗ lớn, phát hiện muộn nên bệnh đã chuyển sang giai đoạn cuối từ hơn 3 năm nay, không còn giải pháp điều trị và chắc chắn sẽ sớm tử vong do suy chức năng tim – phổi, nếu không được ghép phổi.
Theo GS.TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, ca ghép phổi này sẽ phải thực hiện trên người bệnh đang mổ tim hở sửa dị tật tim bẩm sinh (vá thông liên nhĩ, sửa van ba lá), nên qui trình mổ phức tạp hơn và chứa đựng khá nhiều rủi ro, diễn ra trong 12 giờ. Ngay sau khi đưa phổi ghép hoạt động trở lại, các thông số huyết động và hô hấp đã lập tức trở lại kỳ diệu như người có phổi bình thường.
|
Các bác sĩ thực hiện ca ghép hai phổi đồng thì với mổ tim. |
Thành công của ca ghép phổi đặc biệt này có ý nghĩa rất lớn, mở ra cơ hội cho nhiều người bệnh còn trẻ ở Việt Nam. Việc điều trị bằng phương pháp “sửa dị tật tim và ghép phổi đồng thì” sẽ có kết quả sớm cũng như lâu dài tốt hơn nhiều so với phương pháp “ghép tim và phổi đồng thì”.
Về ca ghép đồng thời gan – thận cho người bệnh suy gan – suy thận: Người bệnh M.S (59 tuổi, quốc tịch Lào) đã điều trị đái tháo đường, cao huyết áp nhiều năm. Tháng 4/2019 phát hiện suy thận mãn kèm theo xơ gan do rượu, đã được điều trị bảo tồn sau đó chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức để xét ghép gan và thận.
Khi vào viện người bệnh đã suy cả gan và thận, phải chạy thận chu kỳ, xuất huyết tiêu hóa 2 lần và được điều trị nội khoa. Chẩn đoán của người bệnh khi vào Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: suy thận độ IV, xơ gan tăng áp lực tĩnh mạch cửa.
Người bệnh có chỉ định ghép gan và thận. Có thể ghép từng tạng hoặc đồng thời. Ông đã được hội chẩn toàn viện đã quyết định sẽ ghép đồng thời (1 thì) cả gan và thận cho người bệnh từ người cho chết não để thay thế 2 tạng đã suy của người bệnh bằng 2 tạng mới (từ bệnh nhân chết não), như vậy sẽ tránh các nguy cơ của 2 cuộc mổ liên tiếp.
Mời độc giả theo dõi video "Bệnh nhân 91 ngồi dậy, đung đưa chân theo yêu cầu của bác sĩ". Nguồn: Thông tin Chính phủ.
Các chuyên gia của bệnh viện trong lĩnh vực ghép tạng, phẫu thuật tim mạch, gây mê hồi sức, thận lọc máu, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… đã họp bàn quy trình kỹ thuật thực hiện ghép đồng thời 2 tạng lớn trên cùng người bệnh. Các ý kiến dựa vào kinh nghiệm thực tế qua 840 trường hợp ghép thận và 74 trường hợp ghép gan.
“Ngày 17/12, bệnh viện đã tiến hành lấy đa tạng từ một thanh niên 19 tuổi bị chết não do chấn thương sọ não nặng. Bệnh viện đã tiến hành ghép phổi, ghép tim, ghép thận cho các người bệnh nhận tim, nhận phổi, nhận thận. Riêng M.S được nhận đồng thời gan và thận. Đây là lần đầu tiên bệnh viện , cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam triển khai kỹ thuật này và đặc biệt trong mổ phải tiến hành lọc máu liên tục để thay thế thận đã bị suy”, Giáo sư Giang chia sẻ.
Sau 12h (từ 9h đến 21h), với sự tham gia của gần 100 chuyên gia trong lĩnh vực ghép tạng, ca mổ đã thành công: gan và thận mới ghép đã hoạt động. Sau mổ không cần lọc máu, người bệnh tỉnh táo, rút nội khí quản sau 3 ngày. Sau đó, người bệnh tự thở, các chức năng gan và thận đã dần phục hồi.
Lần đầu ghép phổi thành công từ người hiến chết não
Sáng 16/3/2018, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội) đã công bố thực hiện thành công ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên tại Việt Nam. Đây được đánh giá là ca ghép tạng khó nhất từ trước đến nay.
Theo GS-TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV và cũng là tổng chỉ huy điều hành tổ chức thực hiện ca ghép, cho biết người nhận là bệnh nhân Trần Ngọc Hanh, 53 tuổi, quê Nam Định, được chẩn đoán suy hô hấp do bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, thường xuyên suy hô hấp, ngất xỉu và phải nhập viện 108 thường xuyên.
Sau khi nhận được thông tin có người cho phổi tình nguyện, ngày 26/2, với sự hỗ trợ của hai chuyên gia nước ngoài, ê kíp mổ hơn 20 người và gần 60 người phụ giúp đã mổ lấy tạng và ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên. Trải qua 8 giờ căng thẳng, ca ghép phổi đã được thực hiện thành công.
Sau ghép, bệnh nhân được chuyển về phòng hồi sức, theo dõi và điều trị cách ly. Hiện bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, tự thở, huyết động ổn định, hai phổi sáng. Bệnh nhân đã có thể tự đi lại trong phòng.
|
Ông Trần Ngọc Hanh, 53 tuổi, người được ghép phổi đã hồi phục rất tốt. Ảnh: PLO. |
Theo đánh giá của BS Bàng, đây là ca ghép phổi từ người cho chết não đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam. Ca ghép cũng đánh dấu thành công ban đầu của kỹ thuật ghép phổi trên thế giới.
“Ghép phổi được đánh giá là kỹ thuật khó nhất bởi tính phức tạp, khẩn trương, đòi hỏi sự điều phối từ nhiều phong ban. Bắt buộc BV phải đảm bảo tuyệt đối từ kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực. Đặc biệt là khó khăn rất nhiều từ việc bảo quản phổi sau khi lấy từ người cho, làm sao để các chỉ số luôn tuyệt đối 100%” - BS Bàng cho biết thêm.
Kỳ tích kéo thẳng đôi chân dị dạng cho chàng trai Nam Định
BV Trung ương Quân đội 108 cũng chính là nơi đã kéo thẳng đôi chân dị dạng cho chàng trai Nam Định trong năm 2018.
Từ khi sinh ra, Nguyễn Mạnh Hùng (28 tuổi ở Nam Định) đã có một đôi chân đặc biệt, nhiều người ví chân cậu “rễ cây” vì uốn cong, vẹo vọ. Với đôi chân này, Hùng đã bỏ qua tất cả giai đoạn tập đi của một đứa trẻ hay đi lại được của một người trưởng thành.
|
Đôi chân của bệnh nhân trước khi được phẫu thuật. Ảnh: BS cung cấp. |
Bị từ bẩm sinh, Hùng cũng được gia đình đưa đi khám nhiều nơi nhưng các bác sĩ cũng không hiểu sao cậu lại có một đôi chân dị dạng đến… không thể hiểu nổi. Cậu được ví như một “Hoàng tử ếch” vì cậu di chuyển như một chú ếch.
Đến khi bị gãy chân, Hùng vào BV Trung ương Quân đội 108 điều trị. Đại tá, GS.TS Nguyễn Thế Hoàng, Phó Giám đốc BV trung ương Quân đội 108 chia sẻ, khi nhìn thấy đôi chân của Hùng, các bác sĩ đều rất kinh ngạc vì một dị dạng đến khó tin khiến chân của chàng thanh niên này cong queo như rễ cây.
Các bác sĩ đã cùng thảo luận, mong muốn tìm ra một phương pháp điều trị để có thể kéo thẳng cặp chân cong đó.
“Tuy nhiên, hình ảnh X- quang cho thấy đôi chân bệnh nhân bị biến dạng rất phức tạp. Do chân cong queo nên ngay cả cấu trúc phần mềm cũng chỗ căng, chỗ trùng, mạch máu thần kinh chỗ dài, chỗ ngắn. Nếu nắn chỉnh, đây sẽ là thách thức rất lớn về trục xương, phần mềm. Nếu như nắn chỉnh không tốt, mạch máu thần kinh căng có thể dẫn đến hoại tử, thậm chí không thể đi lại được”, GS Hoàng nói.
Nhưng với quyết tâm giúp chàng thanh niên thực hiện bằng được giấc mơ đi được những bước đầu tiên ở tuổi 28, Trung tướng, GS.TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV Trung ương Quân đội 108 đã động viên, khuyến khích các bác sĩ làm hết sức có thể để giúp bệnh nhân.
|
Đôi chân của bệnh nhân đã được kéo thẳng, bằng nhau giúp bệnh nhân có thể tự đi lại. |
Với quyết tâm của cả bệnh nhân, thầy thuốc, cuối cùng các bác sĩ cũng đã tìm ra được phương pháp hiện đại để có thể chỉnh, kéo thẳng chân cho Hùng. Các bác sĩ đã chỉnh trục, vi phẫu, tái tạo mạch máu… để chỉnh đôi chân cho Hùng. Nhưng sau khi chỉnh xong chân trái, các bác sĩ phát hiện chân phải ngắn hơn chân phải đến 20cm. Với độ chênh quá lớn như thế này, bệnh nhân sẽ không thể tự đi lại trên đôi chân của mình.
GS Hoàng và các bác sĩ đã hội chẩn và quyết định sử dụng kỹ thuật kéo dài chi thể. Sau 8 tháng, trải qua 3 lần phẫu thuật, hiện giờ hai chân bệnh nhân bằng nhau hoàn toàn, có cảm giác, co duỗi hai chân tốt và bệnh nhân sẽ được tập hồi phục chức năng để có thể đi lại được.
Các bác sĩ cho biết, khoảng 4-6 tháng tập hồi phục chức năng thì bệnh nhân không những đi lại bình thường mà còn có thể chạy nhảy.