HIV (Human Immunodeficiency Virus) gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người. Khi xâm nhập vào cơ thể, virus HIV nhân lên, tấn công hệ miễn dịch làm suy giảm chức năng miễn dịch, tạo điều kiện cho các vi sinh vật gây hại xâm nhập và phát triển gây ra tình trạng nhiễm trùng cơ hội.
Có 3 con đường lây nhiễm HIV, gồm:
- Đường máu: Dùng chung bơm kim tiêm, dụng cụ y tế có dính máu của người nhiễm HIV; các vết thương hở tiếp xúc với máu người bị nhiễm HIV; dùng chung dao cạo, kim xăm, kim châm cứu,…
- Lây qua đường tình dục: Quan hệ tình dục không an toàn với người nhiễm HIV. Quan hệ tình dục không an toàn qua đường hậu môn có nguy cơ nhiễm HIV cao nhất, sau đó đến đường âm đạo và quan hệ qua đường miệng.
- Lây từ mẹ sang con: Virus HIV có thể xâm nhập vào cơ thể trẻ sơ sinh qua các con đường: nhau thai, nước ối, dịch âm đạo hoặc máu mẹ dính vào vết thương hở của trẻ, sữa mẹ. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp mẹ bị nhiễm HIV nhưng em bé sinh ra âm tính với HIV.
Trong khi đó, COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp. Đây là một căn bệnh nghiêm trọng mà người nhiễm HIV cần thực hiện tất cả các biện pháp được khuyến nghị phòng ngừa nói chung để giảm thiểu nguy cơ phơi nhiễm và phòng ngừa lây nhiễm virus gây ra COVID-19.
|
Ảnh minh họa. Ảnh: CDC.GOV. |
Người nhiễm HIV/AIDS mắc COVID-19 dễ trở nặng?
Theo bác sĩ, người bị nhiễm HIV có hệ miễn dịch kém nên dễ bị nhiễm vi khuẩn, virus và các tác nhân gây hại khác.
Đối với những người có bệnh nền hoặc sức đề kháng yếu nói chung và người nhiễm HIV/AIDS suy giảm miễn dịch nói riêng khi nhiễm COVID-19 dễ có nguy cơ khiến bệnh nặng hơn. Nếu người nhiễm HIV cao tuổi, có các bệnh nền kèm theo như tăng huyết áp, tim mạch, tiểu đường… thì nguy cơ tử vong càng cao khi nhiễm COVID-19.
Theo dữ liệu khoa học, kết quả lâm sàng của COVID-19 trên những người nhiễm HIV và người không nhiễm HIV ở châu Âu và Hoa Kỳ cho thấy không có sự khác biệt về triệu chứng so với người bình thường nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập viện và tử vong ở bệnh nhân COVID-19 nhiễm HIV cao hơn người không nhiễm.
Người nhiễm HIV nên tiêm vắc xin phòng COVID-19?
Một thử nghiệm lâm sàng đối với ba loại vắc xin COVID-19 cho thấy người nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus ARV có phản ứng tốt, trong khi đó người nhiễm HIV ở giai đoạn nặng thì không đáp ứng tốt.
Như vậy, chỉ có người nhiễm HIV không bị suy giảm miễn dịch nặng, đang điều trị thuốc ARV ổn định mới được tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Sau khi tiêm mũi ban đầu, người nhiễm HIV cũng nên tiêm thêm các liều vắc xin nhắc lại để tăng phản ứng miễn dịch. Ngoài ra, bệnh nhân HIV cũng cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa COVID-19; không tiếp xúc với người đang có biểu hiện của bệnh đường hô hấp, vệ sinh nhà cửa, nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát. Nếu có các biểu hiện sốt, ho, khó thở cần liên hệ ngay với cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý phù hợp.
Có thể dùng Evusheld phòng COVID-19 cho bệnh nhân HIV không?
Evusheld là kháng thể đơn dòng của hãng dược AstraZeneca được cấp phép đầu tiên trên thế giới để bảo vệ nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao (nhiễm HIV nặng hoặc không điều trị, ung thư, ghép tạng,…) trước COVID-19.
Evusheld có tên định danh là AZD7442, được tạo thành từ hỗn hợp 2 kháng thể đơn dòng có tác dụng kéo dài tixagevimab (AZD8895) và cilgavimab (AZD1061), tối ưu hóa bằng công nghệ độc quyền hiện đại của AstraZeneca giúp kéo dài thời gian bán hủy hơn gấp 3 lần và có khả năng bảo vệ ít nhất 6 tháng chỉ sau 1 lần tiêm bắp.
Người nhiễm HIV nặng hoặc không điều trị có thể tiêm Evusheld để bảo vệ sức khỏe trước COVID-19. Trước khi tiêm, các bác sĩ sẽ khám các bệnh lý và sàng lọc tiêm, sau đó thực hiện tiêm bắp. Sau tiêm, bệnh nhân được theo dõi sức khỏe nhằm phát hiện và xử trí những dấu hiệu bất thường.
Kháng thể Evusheld được tạo ra bằng công nghệ hiện đại bậc nhất, đã được kiểm nghiệm an toàn trên hơn 7.000 người qua 3 thử nghiệm pha 3, trong đó, chỉ có 1/3461 người có phản ứng. Do đó, việc sử dụng kháng thể đơn dòng Evusheld là rất an toàn, chỉ có các các tác dụng phụ thường gặp là đau đầu, mệt mỏi và ho.
Phòng ngừa COVID-19 ở bệnh nhân HIV
Theo khuyến cáo của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), người nhiễm HIV nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa để khỏi bị mắc COVID-19 tương tự như dân số nói chung. Cụ thể:
- Tránh xa người đang ho, ốm
- Rửa/vệ sinh tay thường xuyên và không chạm vào mặt
- Hàng ngày vệ sinh nhà cửa và nơi làm việc
- Đeo khẩu trang nếu bạn bị ốm, chăm sóc người ốm hoặc đến nơi công cộng
- Che mồm khi ho hoặc hắt hơi
- Nếu bị ốm hãy ở nhà.
- Giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi phải tiếp xúc với người khác
- Liên hệ ngay với cơ sở y tế khi có các biểu hiện (sốt, ho, đau người/mệt mỏi, khó thở) và làm theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài những khuyến cáo chung cho tất cả cộng đồng, người nhiễm HIV có thể thực hiện để bảo vệ bản thân theo một số bước sau:
- Hãy chắc chắn bạn có đủ ít nhất 30 ngày thuốc ARV, cùng các loại thuốc và vật tư y tế khác bạn cần để kiểm soát HIV.
- Xây dựng một kế hoạch chăm sóc bản thân nếu bạn phải ở nhà trong một vài tuần. Cố gắng tối đa liên lạc trực tuyến với phòng khám cấp thuốc điều trị HIV cho bạn (điện thoại, tư vấn online).
- Người sống chung với HIV đôi khi cần sự giúp đỡ thêm từ bạn bè, gia đình, hàng xóm, nhân viên y tế cộng đồng,…Nếu bạn bệnh, hãy chắc chắn rằng bạn giữ liên lạc qua điện thoại hoặc email với những người có thể giúp bạn.
Theo báo cáo của Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV và AIDS (UNAIDS), tính đến năm 2020, số người nhiễm HIV trên thế giới hiện đang sống chung với HIV là khoảng 37,7 triệu người, trong đó có khoảng 1,8 triệu là trẻ em dưới 15 tuổi. Trong năm 2020, cả thế giới phát hiện mới 1,5 triệu người nhiễm HIV, trong đó có khoảng 150.000 trẻ em nhiễm HIV. Trong năm có khoảng 680.000 người nhiễm HIV tử vong.
Tại Việt Nam, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, số người nhiễm HIV hiện đang còn sống được báo cáo đến thời điểm 30/9/2021 là 212.769 trường hợp. Số người nhiễm HIV tử vong lũy tích tính từ đầu vụ dịch đến tháng 11/2021 là 108.849 trường hợp.
Lây truyền qua đường quan hệ tình dục không an toàn tiếp tục là đường lây chính trong lây nhiễm HIV và tỷ lệ này ngày càng tăng. Trong đó, nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) bị cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV.