Đó là tâm sự của cô dâu mới Phan Thanh Huyền (23 tuổi, Phú Thọ). Chân ướt chân ráo về nhà chồng khi còn trẻ người non dạ, Huyền vỡ mộng khi gặp đủ thứ chuyện trên đời.
Huyền cho biết, nhiều người khuyên lấy chồng tránh dịp Tết ra nhưng cô không nghĩ nó khủng khiếp đến vậy. Cứ nghĩ ngày tết là dịp để nghỉ ngơi sau những ngày làm việc cực nhọc, vất vả nhưng sự thật lại hoàn toàn khác. Với Huyền, mấy ngày tết thực chất là công cuộc hành xác và khổ như bị đày.
|
Ảnh minh họa. |
Tất bật dọn dẹp, lau chùi nhà cửa từ 26 tết đến hết ngày 29. Bận tối mắt từ tờ mờ sáng đến tận đêm khuya. Ngày tết phải dậy sớm hơn cả ngày thường. Dù cả ngày làm liền tay, liền chân có muốn nằm thêm một chút cũng không yên khi tiếng chổi quèn quẹt lê trên sân của mẹ chồng là đồng hồ báo thức.
“Tôi cảm giác nhà chồng chỉ đợi tôi về để dồn hết mọi việc lên vai dâu mới. Đi chợ cũng dâu mới, gói bánh, trông nồi bánh chưng, làm cơm, rửa bát… cái gì cũng dâu mới. Việc gì cũng đến tay nhưng vẫn bị chê trách, lời ra tiếng vào ấy mới là dâu mới.
Đến khi lấy chồng tôi mới thấm thía bộ quy tắc con gái là phải thức khuya dậy sớm và nhất định chỉ được dậy sau con gà, trước mẹ chồng. Dù đêm 30 thức đến 4h sáng để dọn dẹp bữa cơm sang canh thì sáng mùng 1 vẫn đúng 6h dậy làm cỗ. Chẳng khác nào cực hình”- Huyền nói.
Lấy chồng vào dịp giáp tết, cái tết đầu tiên ở nhà chồng khiến Trần Thanh Ngân (24 tuổi, Thái Bình) khiếp đảm.
Ở nhà được bố mẹ chiều chuộng, ngày tết có động tay động chân cũng chỉ lăng xăng là chân giúp việc, đến khi có gia đình phải lo liệu từ A đến Z, Ngân mới ngã ngửa khi động đến cái gì cũng mù tịt.
“Cái bánh chưng đầu tiên tôi gói đến 3 lần mới đúng ý mẹ chồng. Gạo, thịt vương vãi khắp nơi. Nhìn ánh mắt thất vọng của mẹ chồng, tôi chỉ muốn độn thổ.
Đến chuyện sắp cỗ, tôi phải hỏi đi hỏi lại đến cả chục lần rồi ghi hẳn ra tờ giấy dán ở góc bếp thực đơn đầy đủ của mâm cỗ thắp hương để không quên.
Đến ngày lấy chồng, tôi mới biết là không được để bàn thờ thiếu khói hương, phải luôn luôn chú ý và thắp hương tiếp nối.
Lấy chồng cũng đồng nghĩa với việc nói lời giã từ bạn bè và những cuộc vui họp lớp.
Không kể chỉ nguyên việc nấu ăn, dọn dẹp, rửa bát cũng đã hết ngày, sau ngày mùng 1 tôi lóc cóc theo chồng đi thăm hỏi họ hàng hai bên nội ngoại.
Đâu chỉ đến thăm là xong, tôi phải ghi nhớ tên, tuổi, vai vế để ra đường có gặp chào hỏi cho đúng. Đó là lời căn dặn cũng được xem như mệnh lệnh tối cao của mẹ chồng tôi. Thêm nữa, dù lương của cả hai vợ chồng chỉ đủ nuôi miệng ăn nhưng vẫn phải lì xì. Cứ như lấy vợ, lấy chồng rồi thì có nghĩa vụ mừng tuổi cho mọi người vậy. Mừng nhiều thì không có, mừng ít thì bị chê trách nên cắn răng mà chi. Thực tình, tôi chỉ mong qua nhanh mấy ngày tết để thoát kiếp nạn”- Ngân tâm sự.
Có hai năm kinh nghiệm ở nhà chồng, khá tự tin trong vai con dâu ngày tết, chị Huyền Linh chia sẻ: “Chưa biết gói bánh chưng, chưa tự làm được một mâm cỗ thì tốt nhất chớ vội lấy chồng. Hoặc không muốn tránh tết nên lấy chồng đầu năm, sinh con cuối năm sẽ thoát được những vất vả, rắc rối không mong muốn trong ngày tết”.