Sản phụ là Phạm Thị T. 32 tuổi trú tại Kinh Môn, Hải Dương nhập viện vì đau bụng chuyển dạ lần 3, thai 37 tuần trên vết mổ đẻ cũ. Sau khi tiến hành thăm khám, sản phụ được chỉ định phẫu thuật mổ lấy thai.
Đáng ngạc nhiên trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ rất bất ngờ khi phát hiện dây rốn của trẻ bị thắt nút. Đây là một trường hợp hiếm gặp trong sản khoa có thể gây tử vong thai nhi cao nếu không được can thiệp kịp thời. Một bé trai cân nặng 3.100 gram hồng hào, khóc to đã chào đời khỏe mạnh. Cuộc phẫu thuật thành công đã mang lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình sản phụ và êkip phẫu thuật.
|
Cứu sống một thai nhi có nút thắt dây rốn hiếm gặp ở sản phụ mang thai lần 3 |
Theo Ths.BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hường - Trưởng khoa Sản Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, dây rốn bị thắt nút hình thành khi em bé vận động và di chuyển bên trong bụng mẹ qua các vòng cung dây rốn. Một số tác nhân làm tăng nguy cơ dây rốn thắt nút bao gồm: Dây rốn dài, kích thước thai nhỏ, đa ối, thai nhi là bé trai, thai hoạt động nhiều, đa thai, mẹ tiểu đường thai kỳ, mẹ trải qua nhiều lần sinh nở, có sử dụng chất kích thích…
Theo Ths.BSCKII. Nguyễn Thị Thu Hường, việc xác định thời điểm hình thành dây rốn thắt nút là rất khó. Việc chẩn đoán dây rốn thắt nút chủ yếu dựa vào siêu âm thai nhi Doppler màu và siêu âm 4D, phát hiện thường vào tuần thứ 9 - 12 của thai kỳ.
Sản phụ cần theo dõi nghiêm ngặt bằng monitoring tim thai để phát hiện sớm dấu hiệu thai suy và mổ lấy thai kịp thời. Hiện nay, không có biện pháp phòng ngừa dây rốn thắt nút vì vậy các bà mẹ mang thai nên: khám thai định kỳ ít nhất ba lần trong quá trình mang thai, tầm soát trước sinh và siêu âm đánh giá tình trạng thai, rau, dây rốn trong suốt thời kỳ mang thai ở cơ sở y tế tin cậy mới giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa biến chứng trước, trong và sau sinh.
Dây rốn thắt nút: “Nỗi sợ vô hình” của mẹ bầu
Dây rốn thắt nút - một trong những trường hợp hiếm gặp trong mang thai và sinh nở nhưng cũng là mối nguy hiểm “đe dọa” hàng triệu mẹ bầu ở nước ta và khắp thế giới. Theo nghiên cứu, tỷ lệ dây rốn thắt nút chiếm 0,3 - 2,2% các ca sinh và tỷ lệ tử vong của các thai nhi gặp phải tình trạng này cao hơn gấp 4 lần so với thai bình thường.
Dây rốn thắt nút là gì?
Dây rốn là đường dẫn khí oxy và các chất dinh dưỡng từ mẹ sang con và nó là “nguồn sống”, đảm bảo em bé phát triển khỏe mạnh khi còn trong bụng mẹ.
Dây rốn thắt nút sẽ ảnh hưởng đến quá trình mang thai và chuyển dạ bởi khi ấy các chất dinh dưỡng sẽ bị “ngừng trệ”, thai nhi không được cung cấp các dưỡng chất cần thiết.
Dây rốn thắt nút nguy hiểm thế nào?
Dây rốn thắt nút có các trường hợp như: dây rốn thắt lỏng và dây rốn thắt chặt, mức độ nguy hiểm sẽ tùy thuộc vào tùy tình trạng thắt nút của dây rốn. Nếu thắt lỏng thì thai sẽ ít bị ảnh hưởng hơn, ngược lại, nếu dây rốn thắt chặt thì tuần hoàn của thai nhi sẽ bị cản trở, em bé không được cung cấp khí oxy và chất dinh dưỡng và có thể tử vong ngay trong bụng mẹ.
Tuy nhiên, khi còn trong bụng mẹ em bé luôn chuyển động thông qua việc nghịch, xoay đầu,...sẽ khiến các nút thắt dây rốn bị chặt. Và điều này sẽ gây khó khăn cho quá trình chuyển dạ, khi đầu em bé được đẩy ra ngoài, dây rốn cũng kéo xuống và nút thắt trở nên chặt hơn và rất có thể em bé sẽ tử vong khi chuyển dạ.