Cuộc hôn nhân kỳ lạ của người đàn ông kỳ quặc

Google News

Hơn nửa năm sau khi cưới, người vợ có thai trong niềm vui của cả gia đình, thì anh chồng bực tức ra mặt. Anh bảo rằng anh đã không muốn có con với vợ.

Anh là chàng trai Hà Nội, cao ráo, sáng sủa, cô là cô gái tốt nghiệp đại học, quê ở tỉnh lẻ. Họ đến với nhau nhanh chóng qua tác động của mẹ chàng trai. Họ cưới nhau năm cô gái 24 tuổi, còn chàng trai đã 31.
Gia đình nhà chàng trai khá giả, có hai anh em trai. Cậu em trai đã lấy vợ và rất được lòng bố mẹ, nên được bố mẹ đầu tư cho xe ô tô, tiền bạc để mở xưởng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, được bố mẹ rất tự hào. Còn chàng trai, từ hồi nhỏ đã ngại học, hay ăn diện, đỏm dáng.
Ngoài ba mươi tuổi rồi mà vẫn lông bông, lang bang, không đâu vào đâu, chưa có cái gì gọi là ổn định, trưởng thành, nên chàng là nỗi lo của cha mẹ. Không thấy con trai có bạn gái, bố mẹ lo lắng về giới tính của con, nên bố mẹ chàng trai tích cực tìm bạn gái, giới thiệu, gán ghép cho con trai mình, ông bà hy vọng nếu con trai lấy vợ, nó sẽ sống có trách nhiệm hơn, vợ chồng bảo ban, quán xuyến lẫn nhau, nên con trai sẽ trưởng thành.
Cuoc hon nhan ky la cua nguoi dan ong ky quac
Ảnh minh họa. 
Hàng chục mối do bố mẹ dẫn về nhà giới thiệu, đều không thành công. Lần cuối cùng, mẹ chàng trai dẫn cô gái về và giao hẹn “nếu lần này mà còn không đồng ý thì thôi, bố mẹ mặc kệ, không quan tâm nữa, anh muốn sống thế nào thì sống, bố mẹ mệt mỏi vì anh lắm rồi”. Ngoài ra, bố chàng trai còn hứa hẹn: “Nếu lấy vợ, bố cho vài trăm, vợ chồng thuê nhà ở riêng, rồi muốn mở cửa hàng, cửa hiệu kinh doanh cái gì đó thì tùy”. Tuy không có cảm tình gì với cô gái, nhưng thấy bố mẹ thúc giục quá nhiều, lại hứa hẹn cho tiền khởi nghiệp, nên chàng đồng ý, cũng bởi đã từ lâu chàng mơ ước trở thành ông chủ của một quán net, kinh doanh game online.
Về phía cô gái, là người tỉnh lẻ, tuy tốt nghiệp đại học, nhưng không xin được việc đúng ngành nghề được đào tạo, mà tạm thời cô đang làm công nhân cho một khu công nghiệp, đang trọ gần nhà chàng trai. Được bố mẹ chàng quý mến, lại thấy chàng là trai đẹp, nên cô không đắn đo nhiều trong việc đồng ý kết hôn, dù cô nhận ra sự nhạt nhẽo, ghẻ lạnh của chàng trai mỗi khi hai người gần nhau. Chàng không ngại ngần tấn công thẳng vào những điểm yếu của nàng. Chàng bảo cô hình thức xấu, mặt lại còn ác, nhà nghèo, bố mẹ ít học, dân nhà quê. Mặc kệ, cô nghĩ chê gì thì chê, vẫn cưới là “ô kê”.
Mâu thuẫn giữa hai người bùng phát trận đầu đúng vào ngày cả hai đi chụp ảnh cưới. Nhân sự việc này, chàng đã tuyên bố “không cưới xin gì nữa”. Tuy nhiên, buổi tối, bố mẹ chàng và cả gia đình họp lại, gây sức ép, bắt chàng “không được xử sự như trẻ con”, nên đám cưới vẫn diễn ra. 
Sau khi cưới, bố mẹ chàng trai hỗ trợ tài chính như đã hứa. Họ thuê một căn nhà 4 tầng trong ngõ rộng của quận Cầu Giấy, vừa để ở, vừa để kinh doanh. Tầng một và hai là hai phòng games, tầng 3 và 4 là phòng ở. Người chồng thuê một vài nhân viên về phụ trách kỹ thuật và trông coi quán net, còn anh chỉ là “ông chủ” thôi. Vợ đi làm, tối về hai vợ chồng ăn ngoài quán, hoặc gọi đồ về ăn. Người vợ phàn nàn rằng họ sống không giống một gia đình, chỉ như hai người thuê nhà trọ ở chung, nhưng người chồng nói không sao, anh còn nhiều việc phải lo.
Vì không yêu vợ, nên cuộc sống chăn gối của hai người cũng nhạt nhẽo ngay từ khi cưới. Người chồng chưa bao giờ nói một lời tử tế hay có hành động âu yếm, tình cảm với vợ. Anh còn tuyên bố với vợ rằng anh không muốn có con với cô, nên cô lưu ý, đừng để có thai, nếu có thai là anh không chịu trách nhiệm đâu. Nói là làm, mỗi lần gần gũi vợ, anh chồng chủ động dừng lại ngay khi chưa đạt được thỏa mãn, anh cho rằng đây là cách tránh thai hay. Người vợ thì nghĩ chồng chỉ nói thế thôi, chứ nếu không yêu vợ thì cưới làm gì, nếu không thích thì làm sao có thể quan hệ với nhau, còn chuyện có thai hay không là do cô chủ động chứ đàn ông thì sao mà biết cách. Nghĩ thế, nên cô cũng chẳng đắn đo, lo lắng.
Không hiểu do anh chồng áp dụng biện pháp quan hệ kiểu “nửa chừng xuân” hay họ có khó khăn trong việc có con mà cưới nhau gần hai năm, họ vẫn chưa có gì. Công việc làm ăn cũng tàm tạm vì khu vực họ thuê nhà chưa có nhiều quán net, nên chưa phải cạnh tranh. Tuy nhiên, người chồng càng ngày càng xa lánh vợ. Thỉnh thoảng anh ấy lại nghỉ vài ngày, khi thì vào Đà Nẵng, khi ra Hạ Long, nói là giao lưu nhóm bạn, bỏ hết cả công việc. Lo lắng cho việc quản lý quán, bố mẹ chồng đã nói con dâu nghỉ làm ở công ty, về nhà quán xuyến, quản lý gia đình và cửa hàng, cửa hiệu, đồng thời bồi dưỡng sức khỏe để … chóng có em bé.
Hơn nửa năm sau nữa, người vợ có thai trong niềm vui của cả gia đình, thì anh chồng bực tức ra mặt. Anh bảo rằng anh đã không muốn có con với vợ, vì anh nghĩ sẽ không thể yêu quý đứa con khi không có tình cảm với vợ. Từ hôm biết vợ có thai, người chồng đã hai lần định làm cho vợ sẩy thai, nhưng không thành công. Anh ta không ngại cả việc nhân vợ chồng có chút cãi cọ, xích mích, liền lao vào đấm đá, chủ động đạp vào bụng vợ, nhưng kết quả là cái thai “vẫn không sao”. 
… Câu chuyện này do chính người chồng kể lại cho chúng tôi nghe khi anh đến văn phòng tư vấn. Anh nói rằng giờ đây anh căm ghét người vợ và cái thai trong bụng vợ, chỉ muốn họ biến khỏi cuộc đời mình, không muốn nhìn thấy họ nữa. Anh nói anh muốn ly hôn, dù hiện nay cái thai đã được bốn tháng tuổi. Anh nói sẵn sàng chấp nhận chu cấp cho cả vợ và đứa con, miễn là vợ anh chấp nhận ly hôn. Anh cũng nói, anh sợ nếu kéo dài thế này, biết đâu có lúc anh làm hại vợ và cái thai để… giải thoát cho bản thân.
Chuyên viên tư vấn khéo léo hỏi xem hiện tại anh có mối quan hệ nào khác ngoài người vợ mình, dù là mối quan hệ với phụ nữ hay người đồng giới không, anh thề là không có ai và nói ly hôn xong cũng sẽ sống một mình.
Điều 51 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai hoặc vợ sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Nếu người chồng này quyết tâm ly hôn vợ thì phải đợi vợ sinh con và con đã ngoài 12 tháng tuổi. Tuy nhiên, không có trường hợp nào bị cấm nếu người phụ nữ là người chủ động ly hôn.
Chúng tôi đã cung cấp thông tin này cho vị khách của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận ra đây không chỉ là một ca tư vấn về thủ tục ly hôn thông thường, mà vị khách của chúng tôi có những vấn đề rối nhiễu tâm lý nặng nề, nếu không được giải quyết tận gốc, có thể dẫn anh ấy tới tình huống phạm tội. Một vài việc anh ấy đã làm với vợ đã là biểu hiện của “tội ác” rồi. Anh ấy nhận ra điều đó là sai trái, nhưng vẫn thực hiện, chứng tỏ đầu óc đã “có vấn đề”, không làm chủ được hành vi nữa rồi.
Chính vì thế, chúng tôi động viên người đàn ông trẻ này cho chúng tôi được gặp gỡ, trò chuyện với vợ và bố mẹ anh ấy. Vấn đề của anh ấy liên quan tới nhiều người trong gia đình, họ cần được biết thực trạng vấn đề, lường trước những hậu quả, phối hợp cùng nhau để tháo gỡ khó khăn. Trong chuyên môn của lĩnh vực tham vấn, tư vấn tâm lý, chúng tôi gọi đây là “tư vấn gia đình”, “trị liệu gia đình”. Đặc biệt chúng tôi cũng “dụ dỗ” anh ấy đi gặp các “bác sĩ tâm lý” ở các khoa thần kinh, tâm bệnh học… của các bệnh viện để được họ giúp đỡ nhiều hơn.
Theo Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn/ Báo Phụ nữ Thủ đô

>> xem thêm

Bình luận(0)