Sáng nay (19/4), Bộ Y tế cho hay Việt Nam vẫn giữ nguyên số ca mắc là 268 bệnh nhân, 3 ngày liên tiếp không ghi nhận thêm ca mắc mới. Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch COVID-19 ở nước ta chuyển sang giai đoạn 2, thời gian chưa ghi nhận ca mắc mới kéo dài lâu như vậy.
Nhận định về tình hình này, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Trưởng khoa Y tế Công cộng và Điều dưỡng, Đại học Quang Trung, cho hay: “3 ngày kỷ lục không có ca mắc mới, các ổ dịch được xét nghiệm cũng không phát hiện thêm ca mắc mới. Đó là một tín hiệu tốt, khả quan”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cũng cho rằng tín hiệu tốt trong 3 ngày qua cũng phần nào nói lên việc lây nhiễm ngoài cộng đồng chưa đáng kể.
|
3 ngày liên tiếp Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc mới. Nguồn: Bộ Y tế. |
Nhiều người nhiễm virus chưa được phát hiện
PGS Hồng Hà lo ngại khi thực tế nhiều người nhiễm COVID-19 có triệu chứng rất nhẹ nên không vào viện để được tiến hành xét nghiệm. Do đó, số lượng người nhiễm này đã bị bỏ qua.
“Chúng ta phải tiếp tục theo dõi trong thời gian tới, khi hết giai đoạn giãn cách xã hội thứ 2, mọi thứ vẫn tốt thì sẽ có các biện pháp điều chỉnh phù hợp”, PGS Hồng Hà nói.
PGS Huy Nga cho rằng có khả năng các ca mắc chưa được phát hiện ra. Do đó, thời điểm này vẫn rất cần sự cảnh giác trong cộng đồng.
“Dù có tín hiệu vui nhưng 3 ngày không ghi nhận ca mắc chưa nói được gì, phải 14 ngày liên tiếp kể từ ngày không ghi nhận thêm ca mắc thì mới có ý nghĩa đánh giá dịch đã lui hay chưa”, PGS Nga nói.
Chuyên gia cũng đặt ra lo ngại về tình hình dịch bệnh ở Hà Nội hiện nay. Hà Nội gặp khó bởi không biết được nguồn phát sinh đầu tiên (F0) và nguồn này vẫn vô hình trong cộng đồng. Đây vẫn là mối nguy lây bệnh cho mọi người dân.
“Vừa rồi, Hà Nội có thuận lợi là đã xét nghiệm hàng chục nghìn người, với kết quả âm tính. Song đó cũng là điều đáng lo vì có nghĩa nhiều người trong cộng đồng chưa có miễn dịch. Những người này khi tiếp xúc với nguồn bệnh, sẽ dễ bị lây nhiễm. Với tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng thấp như vậy, dịch có thể bùng phát rất mạnh theo cấp số nhân nếu chúng ta không kịp thời không chế”, PGS Nga nói.
|
Các chuyên gia cho rằng cần tăng cường xét nghiệm để phát hiện các ca không có dấu hiệu trong cộng đồng. Ảnh: Việt Linh. |
Tuyệt đối không chủ quan
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Sự kiện y tế công cộng, cho rằng hiện, dịch ở nước ta không bùng phát và giãn cách xã hội chính là yếu tố quan trọng mang tới thành công này.
“Việt Nam đã thành công ở giai đoạn hiện nay. Sự thành công đó được hiểu là chúng ta đang kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, phải nhìn nhận đây là một dịch bệnh lớn và phức tạp, không được chủ quan, vẫn cần làm quyết liệt vì có những diễn biến khó lường. Khi lờ là sẽ gây những hậu quả nghiêm trọng”, PGS Phu nói.
Đặc biệt, người mắc COVID-19 có thể có những triệu chứng nhẹ. Nhiều ca bệnh không có triệu chứng nên khó kiểm soát. Dịch COVID-19 chúng ta đang đối mặt rất lớn.
“Trên thế giới, dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và còn kéo dài. Nước ta cũng xác định phải ứng phó lâu dài. Hiện tại, chỉ có thể nói thời điểm này chúng ta đang kiểm soát tốt. Đó là sự thành công của giai đoạn này. Hoàn toàn không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt, đặc biệt là ý thức tham gia của mỗi người dân”, PGS Phu khẳng định.
Theo PGS Nga cũng cho rằng nhiều người dân đã chủ quan khi nhiều ngày không có ca bệnh mới. Điều này rất nguy hiểm. Khi người dân chủ quan, không tiếp tục giãn cách xã hội sẽ tạo điều kiện để virus lây lan.
Về giải pháp, ông cho rằng cả nước, đặc biệt Hà Nội và các vùng lân cận phải tiến hành xét nghiệm rộng kể cả những người không thuộc diện F1, có tiếp xúc gần, xét nghiệm ngẫu nhiên để tìm tỷ lệ kháng thể với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, tức là những người đã và đang nhiễm bệnh trong cộng đồng mà chúng ta không biết. Kết quả xét nghiệm sẽ cho chính quyền thành phố hình dung được bức tranh dịch tễ hiện tại để có các biện pháp xử lý.
“Người dân phải tiếp tục cảnh giác trong thời gian này. Dù chưa ghi nhận ca bệnh mới, người dân vẫn cẫn thực hiện đầy đủ các biện pháp được khuyến cáo như hạn chế ra ngoài, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang, rửa tay...”, PGS Huy Nga khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, COVID-19 vẫn chưa có vắc xin và thuốc điều trị. Dịch trên thế giới đang diễn biến phức tạp. Do đó, nước ta vẫn luôn phải cảnh giác.