Cô Thanh Tâm kính mến!
Quê cháu ở Sài Gòn, cháu lấy rồi theo chồng về Cà Mau. Buổi tối đầu tiên sau đám cưới, mẹ chồng đã gọi chúng cháu vào hỏi han, yêu cầu đưa nữ trang và số tiền đám cưới cho bà “giữ hộ”. Lúc đó tình huống quá đột ngột và không nghĩ ra cách nào từ chối nên cháu đã làm theo lời bà. Vợ chồng cháu bắt đầu sống với nhau từ hai bàn tay trắng. Cháu bỏ việc ở thành phố về đây nên chỉ biết loanh quanh làm thuê làm mướn, chồng cũng không có thu nhập ổn định, cuộc sống hết sức khó khăn.
Một năm sau cháu lại sinh con. Nhà bớt đi một người làm, thêm lên một miệng ăn. Đã thế thằng bé lại quấy khóc, ốm đau quặt quẹo suốt, tiền thuốc thang chạy chữa cho con cũng không có. Cực chẳng đã, cháu đành quyết định bế bé về gửi nhà ngoại, còn bản thân xin vào làm ở một công ty giày da ở TPHCM.
Thời gian đầu, cháu và chồng vẫn giữ liên lạc bình thường, ngày lễ, ngày Tết anh vẫn lên Sài Gòn đón mẹ con cháu về thăm ông bà nội. Nhưng mới đây, anh lại nghe lời mẹ đi cưới một người vợ khác về. Thậm chí vợ chồng cháu còn chưa ly hôn, anh không nói năng nửa lời, lẳng lặng đem người khác về chung sống. Khi cháu lên tiếng về vấn đề này, anh ấy không những không nói chuyện tử tế với cháu còn tuyên bố “vợ anh” đã có bầu.
Hiện tại, con trai cháu đã 5 tuổi và sắp đi học nhưng chồng cháu nhất định không cho cắt khẩu ở Cà Mau. Phía bên nhà chồng cháu thẳng thừng ra điều kiện: “Thằng bé mà không để bên nội nuôi thì không cần đi học!!!”. Cháu thực sự rất lo lắng. Xin cô tư vấn giúp cháu: Có cách nào để mẹ con cháu tự tách hộ khẩu mà không cần chủ hộ đồng ý không? Và giờ nếu như xảy ra ly hôn thì cháu phải làm thế nào để giành quyền nuôi con ạ?
Đào Thị Thanh (Quận 8, TPHCM)
|
Chồng cô tuyên bố có người khác và "vợ anh ta" đã có bầu (Ảnh minh họa) |
Cháu Đào Thanh thân mến!
Về mặt pháp lý, cháu đang là vợ hợp pháp, việc chồng cháu cưới thêm vợ là làm trái quy định pháp luật. Cô ủng hộ cháu suy nghĩ nghiêm túc đến chuyện ly hôn. Vấn đề cháu băn khoăn là quyền nuôi con. Về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi quyền nuôi thuộc về người mẹ, con trên 9 tuổi phải theo ý kiến của con. Trong trường của cháu, hai vợ chồng nên tự thỏa thuận với nhau về việc con ở với ai. Cháu hãy cố gắng ngồi lại với chồng, thuyết phục cho anh ta thấy cái đúng cái sai của cả hai người, lợi ích của con khi được sống cùng cháu và anh ta vẫn có quyền thăm nom con... Nếu như việc thỏa thuận của vợ chồng cháu không thành, tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi tốt nhất của trẻ để quyết định việc ai là người nuôi bé. Cháu phải chứng minh khả năng kinh tế, điều kiện chăm sóc con... của mình.
Đối với việc chồng cháu và gia đình nhà chồng không đồng ý tách khẩu cho con. Cháu có thể làm đơn gửi công an xã/phường, đề nghị mời chủ hộ đến làm việc về việc xin tách hộ khẩu. Nếu như chủ hộ vẫn không đồng ý thì chuyển đơn, biên bản làm việc về công an quận/huyện. Nếu chủ hộ vẫn không hợp tác, không xuất trình sổ hộ khẩu, công an quận ra quyết định xử phạt theo điểm c, khoản 1, điều 8, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 và tiến hành các thủ tục tách sổ hộ khẩu cho người xin tách sổ, đồng thời nhập khẩu làm thủ tục chuyển hộ khẩu về quê cháu hoặc ở nơi khác mà cháu muốn chuyển.
Cháu cần mạnh mẽ và cư xử thấu tình đạt lý để bảo vệ con khỏi cơn “sóng dữ” đổ vỡ gia đình.
Chúc mẹ con cháu an bình và thuận lợi!