Chị Hồ Như Quyên (sinh năm 1995, đang làm việc tại Cty Ashahi, KCN Bắc Thăng Long) tâm sự: “Đợt này Hà Nội mưa nhiều và to quá, khiến tôi và nhiều công nhân khốn khổ. Tệ nhất là mưa đúng vào thời gian chúng tôi đi làm và về phòng, đường sá nhớp nhúa bùn đất. Nhiều hôm, về phòng trọ, gió to giật tung chốt cửa sổ, mưa hắt vào ướt hết đồ dùng và quần áo. Chưa kể phòng trọ cấp 4 bị thấm, dột thì chúng tôi sống chung với mưa”.
|
Công nhân dọn vệ sinh trước phòng trọ sau trận mưa to đêm 22.7. Ảnh: N.C |
Đang làm việc tại Cty TNHH Daiwa, KCN Bắc Thăng Long, anh Vũ Văn Thế (sinh năm 1992, quê Yên Bái) chia sẻ: “Cả tuần vừa rồi, sau giờ làm việc tại Cty tôi không ra ngoài ăn cơm bình dân hay nấu nướng gì mà chỉ ở trong phòng tránh mưa úp mì tôm ăn cho nhanh gọn”. Còn Nguyễn Thanh Tùng (sinh năm 1993, quê Nam Định) - đang làm việc tại Cty TNHH Showa - bày tỏ: “Nhiều lúc muốn gặp gỡ bạn bè, trà đá nói chuyện cũng không được vì mưa. Cuộc sống công nhân nhàm chán càng thêm buồn. Cả tuần ngồi bó gối, quanh quẩn cũng chỉ từ Cty về phòng trọ rồi ôm điện thoại vào mạng “chém gió”. Tôi định về quê trong mấy ngày nghỉ phép mà cũng không về được vì mưa lớn quá, đường thì ngập lụt”.
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điều CNLĐ lo lắng nhất. Công nhân Hoàng Văn Luật (thuê trọ tại thôn Đông Bầu, xã Kim Chung, Đông Anh) chia sẻ: “Đi làm về, cơ thể thì rệu rã, tinh thần thì căng thẳng, mệt mỏi… vừa bước vào phòng trọ thì hàng đàn muỗi từ những góc tối ùa ra, châm chích. Lúc này ra khỏi phòng thì dính mưa, ở trong phòng thì muỗi đốt. Đời công nhân càng thêm cơ cực”.
Theo Luật, do xung quanh phòng trọ công nhân có nhiều cống rãnh thoát nước thải của các dãy nhà trọ, vườn, ao, chuồng của chủ nhà nên khi mưa nhiều, có nhiều chỗ tụ nước là điều kiện lý tưởng để muỗi sinh sôi, nảy nở. “Để chống muỗi, công nhân cũng mua và cho nhau mượn vợt điện để diệt muỗi, nhưng không ăn thua. Sau khi cơm nước xong, chúng em phải chui ngay vào màn. Hiện công nhân sống tại các phòng trọ đang phát hoảng vì muỗi và rất lo sợ bởi dịch sốt xuất huyết đang bùng phát” - Luật chia sẻ.
Nguyễn Phương Thanh (quê Phú Thọ, sinh năm 1994, đang làm việc tại CTy TNHH Linh kiện điện tử SEI Việt Nam) cho biết: “Mỗi khi đi làm về, tôi đều phải quét dọn các vũng nước, rác quanh nhà trọ. Đi làm đêm về đã mệt, còn phải quét dọn, tôi đến kiệt sức mất thôi. Nhưng nếu không dọn thì bẩn, rác cứ dồn hết trước cửa phòng, rồi mùi ẩm mốc vì mưa nhiều. Có ẩm là muỗi nhiều. Tôi lên than với anh em công nhân trên diễn đàn thì được biết là tình trạng chung”.
Trao đổi với PV Báo Lao Động ngày 23.7, bà Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch LĐLĐ TP.Hà Nội - cho biết, hiện tại dịch sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát trên địa bàn Hà Nội, để chủ động phòng, chống dịch trong công nhân, đặt biệt là các công nhân đang thuê nhà trọ gần các KCN-KCX tại các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn và Chương Mỹ, LĐLĐ TP.Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các cấp CĐ tập trung tuyên truyền các phương pháp phòng, chống dịch tới NLĐ.
Sau khi nhận được phản ánh của Báo Lao Động, LĐLĐ TP.Hà Nội tiếp tục yêu cầu, các đơn vị trực thuộc phải thực hiện ngay các biện pháp phòng chống dịch như: Phối hợp với các trung tâm y tế cùng cấp thành lập các đoàn kiểm tra khu trọ công nhân; tổ chức cho công nhân thau rửa các bể chứa nước; tổng vệ sinh môi trường trong khu trọ; xử lý nước thải, khơi thông cống rãnh không để nước bẩn tồn đọng, phát quang bụi rậm; nhắc nhở công nhân mắc màn khi ngủ, mặc quần áo dài tay, sử dụng kem bôi và các biện pháp diệt muỗi như bình xịt, hương muỗi; thu gọn đồ đạc quần áo tại phòng ở, quét dọn phòng, khu vệ sinh, đổ rác thải sinh hoạt hằng ngày. Đặc biệt là kiến nghị với các trung tâm y tế lập kế hoạch phun hoá chất diệt muỗi trong các khu trọ nhằm bảo đảm sức khỏe CNLĐ và người dân.