Covid-19 được xếp vào nhóm bệnh truyền nhiễm nhóm A, do đó người mắc Covid-19 (F0) khi điều trị đều được ngân sách nhà nước chi trả 100% (nếu không có bệnh nền kèm theo).
Trường hợp có bệnh lý nền, BHYT sẽ chi trả theo quy định (nếu tham gia BHYT), người bệnh đồng chi trả một phần chi phí không quá lớn (khoảng 20% trong tổng số chi phí BHYT).
Ngân sách phải chi trả cho một ca F0 tùy mức độ nặng nhẹ của ca bệnh?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một chuyên gia y tế cho hay điều đó còn tùy mức độ nặng nhẹ của ca bệnh. Thông thường, các ca F0 tầng 2, 3 (có tất cả 3 tầng điều trị) sẽ cần hỗ trợ thở máy theo các mức độ, bao gồm thở không xâm lấn, có xâm lấn và nặng phải cần đến lọc máu hoặc can thiệp ECMO (tim phổi nhân tạo).
Chỉ tính riêng thuốc men, vật tư y tế tiêu hao điều trị, tốn ít nhất từ 1-1,5 triệu đồng/ngày cho ca bệnh thở máy không xâm lấn; ít nhất từ 3-3,5 triệu/ngày thở máy có xâm lấn.
Với ca phải lọc máu liên tục hoặc can thiệp ECMO tốn ít nhất từ 20-30 triệu/ngày, tùy thuộc vào bệnh trạng, số ngày điều trị dài hay ngắn sẽ kéo theo chi phí phát sinh. Thông thường, các bệnh nhân can thiệp ECMO phải điều trị tối thiểu từ 15/30 ngày.
Với bệnh nhân phải hồi sức chuyên sâu, thở máy, lọc máu liên tục và chạy ECMO (tim phổi nhân tạo)... chi phí điều trị rơi vào khoảng từ 1,2 - 1,5 tỉ đồng/người. Tùy thuộc vào thời gian điều trị, các bệnh nhân nặng có thở máy, chưa can thiệp ECMO chi phí khoảng từ 100-200 triệu/người. Còn đối với các bệnh nhân nhẹ và vừa trung bình (có triệu chứng), chi phí dao động từ 1-20 triệu đồng/người.
Các bệnh viện tư nhân gặp vướng mắc khi phải bỏ ra số tiền đầu tư lớn cho hạ tầng, nhân lực điều trị mà không được cho phép thu phí dịch vụ tương ứng
Thông tin trên báo Lao Động, ngày 8/9, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc chi trả chi phí cho các cơ sở y tế tư nhân tham gia điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Theo nội dung công văn, tại TP.HCM thời gian qua có nhiều đơn vị y tế tư nhân đã tình nguyện đăng ký tham gia điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên, việc mua sắm thuốc, vật tư y tế... cũng như định mức sử dụng, chi phí cho công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 giữa hệ thống y tế công lập và tư nhân rất khác biệt. Do đó, việc ngân sách nhà nước chi trả theo chi phí thực tế phát sinh cho bệnh nhân Covid-19 điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân gặp vướng mắc.
Cụ thể, nếu chi trả theo mức chi phí phát sinh như tại cơ sở y tế công lập thì cơ sở y tế tư nhân không duy trì được. Trong khi đó, nếu chi trả theo mức chi phí thực tế phát sinh tại cơ sở y tế tư nhân sẽ dẫn đến nhiều tác động tiêu cực và cũng không có cơ sở để thực hiện khi cùng sử dụng ngân sách nhà nước để chi trả cho công tác điều trị những chi phí khác nhau giữa cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân.
Để giải quyết kinh phí điều trị bệnh nhân Covid-19, đảm bảo nguồn lực để các cơ sở y tế tư nhân tiếp tục công tác điều trị, giảm áp lực cho hệ thống y tế công lập, UBND TPHCM kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế khẩn trương thực hiện ý kiến của Bộ Tài chính; sớm tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.