Túi mật, sỏi mật
Túi mật là cơ quan nhỏ, hình quả lê nằm ngay dưới gan, bên phải bụng, dưới sườn, là nơi dự trữ mật. Gan sản xuất dịch mật, đi qua đường dẫn mật (ống gan) đến ống mật chủ đổ xuống ruột để hỗ trợ cho quá trình tiêu hóa thức ăn. Sỏi túi mật là tinh thể rắn hình thành do mất cân bằng giữa cholesterol và muối mật trong dịch mật.
Phần lớn sỏi mật lành tính, nhưng khi không phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể gây tắc mật, dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng hoặc ung thư túi mật về sau.
Khi nào thì cần cắt túi mật
Tùy vào kích thước, vị trí của sỏi mà triệu chứng ở mỗi người bệnh khác nhau. Trường hợp sỏi nhỏ dưới 0,4-0,6 cm không có triệu chứng và không gây hại sức khỏe, bác sĩ điều trị nội khoa kết hợp với điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, với phương pháp này, người bệnh phải điều trị thời gian dài, tỷ lệ khỏi hoàn toàn thấp. Sỏi có khả năng tái phát nếu ngưng điều trị.
Một số trường hợp, sỏi có thể lọt xuống đường mật gây tắc ống mật chủ dẫn đến viêm đường mật, viêm tụy cấp.
Sỏi có kích thước 0,6-1 cm, biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Bác sĩ thường khuyến nghị phẫu thuật cho những trường hợp có sỏi lớn 1 cm, sỏi chiếm hơn 2/3 tổng thể tích của túi mật.
Sỏi lớn không được xử lý có nguy cơ gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật, nhiễm khuẩn đường mật. Lúc này, người bệnh thường có các triệu chứng sốt cao, nôn mửa, chướng bụng, đầy hơi...
Phẫu thuật có thể bao gồm cắt túi mật bằng nội soi hoặc mổ hở, đồng thời thực hiện thủ thuật nội soi mật tụy ngược dòng để lấy sỏi, tán sỏi qua đường hầm kehr (ống dẫn lưu đường mật).
Sỏi túi mật - Ảnh minh họa
Tiêu hóa sau cắt túi mật
Sau cắt túi mật, vấn đề tiêu hóa của người bệnh không thay đổi. Người bệnh không cần uống thuốc hoặc dùng các thực phẩm thay thế khi không còn túi mật. Người bệnh vẫn có thể sinh hoạt và làm việc bình thường.
Bởi sau khi cắt túi mật, quá trình sản xuất mật vẫn diễn ra, thay vì chảy vào túi mật thì chảy trực tiếp từ gan qua đường mật vào tá tràng (phần đầu tiên của ruột non) và duy trì chức năng hoạt động của nó.
Lời khuyên về dinh dưỡng cho người bị sỏi mật và phòng sỏi mật
Người sỏi mật cần có chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, lành mạnh, tránh để cơ thể nhịn đói quá lâu. Dưới đây là một số thực phẩm người bệnh có thể tham khảo:
Chất béo không bão hòa: Chế độ ăn cho người bệnh sỏi mật cần tiêu thụ chất béo không bão hòa, giàu omega 3 từ cá hồi, dầu thực vật như dầu oliu, dầu đậu nành, bơ hoặc các loại hạt như mè, óc chó, hạnh nhân,....Hạn chế ăn các chất béo bão hòa: phủ tạng động vật, đồ chiên, xào rán, thức ăn nhanh,...
Thực phẩm giàu chất xơ và các loại vitamin ( Vitamin C, vitamin tan trong dầu A,D,E,K): Người bệnh sỏi mật nên ăn nhiều rau xanh các loại ( duy trì khoảng 400 – 500g/ngày là hợp lý), ăn, hoa quả tươi, ngũ cốc nguyên hạt như bánh mì đen, yến mạch, gạo nâu,....
Đây là nhóm thức ăn cung cấp nguồn chất xơ dồi dào cùng các loại vitamin, khoáng chất dễ hòa tan giúp cho cơ thể phòng ngừa hình thành sỏi cholesterol hoặc sỏi bùn trong cơ thể.
Sữa ít béo: Những loại sữa ít béo và các chế phẩm từ sữa ít béo sẽ đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh sỏi mật mà không làm tăng cholesterol. Một số sản phẩm điển hình được khuyên nên sử dụng như sữa tươi tách kem, sữa bột tách béo, sữa tách bơ (rất giàu choline) và sữa chua. Ngoài ra, sữa đậu nành, sữa gạo cũng được rất nhiều chuyên gia khuyên người sỏi mật nên dùng.
Đạm thực vật: Người bệnh sỏi mật tốt nhất nên ưu tiên ăn các loại đạm thực vật thay vì đạm động vật. Bổ sung đạm thực vật từ các loại hạt như: hạt mè, hạt hướng dương; các loại rau có màu xanh thẫm, các loại đậu,...
Trường hợp người bệnh có nhu cầu ăn đạm thịt, thì nên lựa chọn các loại cá hoặc các loại thịt nạc, thịt trắng từ gia cầm, tuy nhiên cần loại bỏ phần da và không tiêu thụ nước luộc thịt vì trong nước luộc này chứa nhiều chất béo bão hòa, khó tiêu.
BS Nguyễn Xuân Tuấn (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt)