Bệnh viện Việt Đức đang điều trị cho bệnh nhi 13 tuổi, đã mắc sỏi mật từ 4 năm nay. Những bệnh nhi mắc sỏi mật chủ yếu do liên quan đến bệnh rối loạn chuyển hóa hoặc trẻ ở nông thôn, do vệ sinh không bảo đảm nên nhiễm giun chui lên đường mật gây nhiễm trùng, tạo thành sỏi trong mật.
Bé gái đến khám tại Bệnh viện Việt Đức ngày 28/9, da xanh xao. Mẹ bé cho biết bé vẫn uống thuốc điều trị sỏi mật thường xuyên và theo dõi định kỳ. Hiện bệnh nhi đã dùng thuốc trị sỏi mật suốt 4 năm nay từ khi 9 tuổi.
|
Sỏi túi đang có xu hướng gặp nhiều ở trẻ nhỏ. Ảnh: Internet. |
Tiến sĩ Đỗ Tuấn Anh, Trưởng khoa phẫu thuật gan, mật, Bệnh viện Việt Đức cho biết sỏi túi hay gặp ở tuổi trung niên nhưng đang có xu hướng gặp ở người trẻ gần đây. Sỏi túi mật hình thành theo cơ chế phức tạp, chủ yếu liên quan đến chuyển hóa. 90% bệnh lý về sỏi đường mật trong và ngoài gan có liên quan bệnh lý về tụy và gan. Nhiều trường hợp tới viện khám ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị khó khăn.
Hiện mỗi năm Khoa phẫu thuật gan, mật - BV Việt Đức khám cho khoảng 3.000 người bệnh các bệnh lý về gan mật, thực hiện khoảng gần 1.600 ca phẫu thuật. Tuy nhiên, trong đó có tới hơn 1.000 ca liên quan đến bệnh lý sỏi mật.
Với trẻ em, Tiến sĩ Đỗ Tuấn Anh cho hay, nguyên nhân trẻ em mắc sỏi mật chủ yếu liên quan đến rối loạn chuyển hóa do ăn uống không cân đối, ăn quá nhiều chất béo, đạm.
Một nguyên nhân nữa khiến trẻ ở nông thôn bị sỏi mật là do vệ sinh không bảo đảm nên nhiễm giun chui lên đường mật gây nhiễm trùng, tạo thành sỏi trong mật, đặc biệt là giun đũa. Khi giun chui lên đường mật để lại những mảnh vụn của xác giun hay trứng giun làm cho sắc tố mật và can xi bám vào tạo nên sỏi mật.
|
Nếu trẻ vệ sinh không bảo đảm, nhiễm giun có thể khiến giun chui lên đường mật gây nhiễm trùng, tạo thành sỏi trong mật. Ảnh minh họa. |
Sỏi mật có thể ở bất cứ vị trí nào trong đường dẫn mật: Sỏi trong gan, túi mật, ống mật chủ hoặc sỏi trong gan kết hợp với sỏi ống mật chủ... Ở trẻ em, sỏi thường nằm trong ống mật chủ hoặc kết hợp sỏi trong gan và ống mật chủ, rất hiếm thấy sỏi đơn thuần trong túi mật hoặc trong gan và chủ yếu là sỏi sắc tố nâu, ít gặp sỏi cholesterol.
Theo các chuyên gia y tế, tùy theo vị trí của sỏi mật mà những biểu hiện của bệnh sỏi mật ở trẻ em sẽ khác nhau như:
- Đau bụng từng cơn, thường là cơn đau bụng mật. Cơn đau xuất hiện đột ngột, đau nhiều ở vùng hạ sườn phải, có khi lan lên bả vai hoặc ra sau lưng, có khi đau ở vùng thượng vị. Cơn đau có thể kéo dài hàng giờ và thường xuất hiện sau bữa ăn có nhiều chất béo.
- Sốt cao hoặc sốt vừa, sốt nhẹ do phản ứng của cơ thể với tình trạng nhiễm khuẩn đường mật.
- Vàng da tắc mật, phân bạc màu, nước tiểu sẫm màu.
Ở những thể không điển hình có khi chỉ đau và sốt, không có vàng da hoặc biểu hiện những triệu chứng của các biến chứng như viêm đường mật, áp xe đường mật, viêm phúc mạc mật, chảy máu đường mật, viêm tụy cấp, xơ gan...
Khi trẻ bị sỏi mật thì chế độ ăn nên hạn chế chất béo (đặc biệt với những trẻ béo phì), nhưng khẩu phần ăn cần bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu cho sự phát triển của trẻ, đồng thời sử dụng các thuốc điều trị triệu chứng chống đau, chống nhiễm khuẩn.
Nếu trẻ có những dấu hiệu là những biến chứng nặng như viêm phúc mạc mật, chảy máu đường mật... thì cần phải phẫu thuật cấp cứu.
|
Tẩy giun định kỳ mỗi năm 2 lần cho trẻ là phương pháp phòng ngừa bệnh sỏi mật hiệu quả nhất. |
Sỏi mật là bệnh dễ tái phát nên bệnh nhân vào viện điều trị nhiều lần và có khi phải mổ nhiều lần. Nếu chỉ xuất hiện một hòn sỏi ở đường mật chính thì sau phẩu thuật mổ lấy sỏi, rửa sạch các đường mật thì khả năng tái phát rất thấp. Nhưng nếu xuất hiện nhiều sỏi ở đường mật chính và cả các đường mật trong gan thì khó điều trị hơn và khả năng tái phát cao gấp nhiều lần. Trong trường hợp nhiều sỏi, nhiễm khuẩn lâu dài và vùng gan có sỏi bị xơ hóa thì phương pháp điều trị tối ưu nhất là phải cắt bỏ phần gan có sỏi.
Sỏi mật là nguyên nhân gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn đường mật, ảnh hưởng đến tủy, gây viêm tụy cấp hoặc chảy máu đường mật. Chảy máu đường mật là giai đoạn dễ tử vong, vì vậy bệnh nhân cần được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Cần dùng thuốc điều trị đúng triệu chứng, giảm đau, chống nhiễm khuẩn.
Để phòng bệnh sỏi mật cần hướng dẫn và tuyên truyền biện pháp giữ vệ sinh thân thể cho trẻ, tránh nhiễm giun và tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần.