Chính quyết định dũng cảm đó đã giúp nhiều người bệnh có cơ hội sống tiếp, để rồi Tết đến Xuân về họ cùng trò chuyện và cảm ơn đời vì đã cho họ có được một chữ duyên gặp gỡ.
Hai bà mẹ nén nỗi đau mất con, mở tấm lòng nhân ái
Trong những ngày cận kề xuân Kỷ Hợi, PV báo Người Đưa Tin đã gặp lại những người mẹ quyết định hiến tạng con trai chết não để cứu người. Hành động của họ khiến không ít người rơi nước mắt vì ngưỡng mộ và cảm động.
Còn nhớ cách đây 2 năm, bà Cấn Thị Ngần (thôn Độ Lân, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai, Hà Nội) đã đưa ra một quyết định vô cùng khó khăn, nhưng chính hành động đó đã mang lại cho bà sự an ủi, động viên khi “5 người con” đã được con trai ruột bà cứu sống. Trò chuyện với PV, bà Ngần cho hay, bà nhớ cụ thể chính xác tên, ngày, tháng, năm sinh, quê quán của “5 người con” như chính bà là người đã sinh ra họ.
Bà đã khóc rất nhiều khi bác sĩ thông báo ca ghép tạng thành công. Sau đó, khi sức khỏe bình phục “5 người con” được con trai bà hiến tạng đã tìm đến, nói lời cảm ơn, khóc trong vòng tay mẹ.
|
Bà Cấn Thị Ngần chia sẻ với PV về cảm xúc khi gặp lại 5 “người con”. |
Giờ đây, mỗi lần nhắc về quyết định hiến tạng con trai, bà Ngần đều rưng rưng nước mắt. Người mẹ ấy chia sẻ: “Từ ngày gặp lại được cả “5 người con”, được thấy các con khỏe mạnh, đó là điều an ủi lớn nhất đối với tôi trong quãng đời còn lại. Vì, các con đã cho tôi động lực rất lớn để vượt qua tất cả. Nếu không gặp lại được các con thì tôi cũng buồn, cũng suy nghĩ, trăn trở...
Khi được gặp lại chúng, cảm xúc vỡ òa, bởi tôi còn được nhìn thấy sự sống của đứa con trai hiện đang ở trên trời”. Nói đến đây, giọng bà Ngần lạc đi, những giọt nước mắt cứ thế lăn dài trên má, có lẽ mỗi lần có ai nhắc đến con trai đã khuất và nhắc đến việc bà làm thì bà đều không kìm nén được cảm xúc.
Người mẹ thứ 2 mà chúng tôi muốn nhắc đến chính là bà Vũ Thị Mừng (đang sinh sống tại Lâm Đồng), người mẹ này cũng đã nén nỗi đau mất con, mở tấm lòng nhân ái, đồng ý hiến tạng con trai để hồi sinh sự sống cho 6 người khác.
Bà Mừng kể, bà không quên được giây phút định mệnh ấy, khi bà nhận được cuộc điện thoại lúc 2h sáng thông báo con trai bà đang nguy kịch tại bệnh viện. Hốt hoảng bà đã vượt mấy trăm cây số đến với con. 5 ngày cùng con trai giành giật sự sống nhưng có lẽ mọi hy vọng đã hết khi bác sĩ thông báo con trai bà đã chết não.
Nghe đến đây, bà lặng người đi, giấu nước mắt vào trong và đưa ra quyết định bất ngờ ngay sau khi nhận được lời tư vấn của các bác sĩ, lương y: Hiến tạng con trai bà để cứu sống người khác. “Ban đầu, tôi đã đấu tranh rất nhiều, tôi không thể làm việc ấy. Bởi, khái niệm hiến tạng đối với tôi còn quá lạ lẫm. Nhưng, sau khi nghe bác sĩ phân tích và hơn một ngày suy nghĩ, tôi đã gạt bỏ mọi cảm giác đau đớn trao những thứ thiêng liêng nhất của con trai mình để hồi sinh sự sống cho những người không hề quen biết”, bà Mừng nói.
Hiến tạng con để cứu những người hoàn toàn xa lạ, bà Mừng không hy vọng sẽ có cơ hội “gặp lại” con mình. Thế nhưng, cách đây không lâu bà đã được nắm chặt tay của người đã nhận tim và gan của con trai. Bà chỉ biết khóc vì nhớ và thương con trai rất nhiều, khóc vì đã được gặp lại con sau nhiều ngày mong ngóng chờ đợi.
Cho đi không cần nhận lại
Từ khi hiến tạng con để tặng sự sống cho 6 người hoàn toàn xa lạ, bà Mừng cho hay, cuộc sống của bà vẫn vậy, không có gì thay đổi nhiều, duy chỉ có điều mọi người tìm đến nhà bà nhiều hơn. Họ muốn được trò chuyện, lắng nghe bà chia sẻ và từ câu chuyện ấy, một số người cũng đã quyết định hiến tạng, coi câu chuyện của bà như động lực để gạt bỏ mọi rào cản.
Bà Mừng chia sẻ: “Tôi cũng nghe rất nhiều câu chuyện những người mẹ quyết định hiến tạng con sau khi chết não, nhất là câu chuyện của bà Ngần ngoài Hà Nội. Có lẽ, tôi và bà Ngần có cùng suy nghĩ như nhau, chỉ mong cho đi mà không cần nhận lại. Với chúng tôi, chỉ nghĩ rằng con còn sống đâu đó là hạnh phúc nhất rồi”.
|
Với bà Ngần, cứ mỗi dịp Tết đến xuân về được nhìn thấy các con khỏe mạnh đó là niềm an ủi lớn nhất. |
Còn với bà Ngần, bà không giấu được sự xúc động khi nhắc đến 5 người con: “Mấy năm nay, cứ đến Tết là “5 người con” của tôi đều gọi điện chúc Tết, các con đều ở xa quá nên thường xuyên hỏi thăm, cách vài ba hôm lại điện thoại nói chuyện cho tôi vơi bớt nỗi buồn. Các con cũng quà cáp, nhưng tôi bảo chẳng cần quà chỉ cần các con khỏe mạnh, nhớ đến mẹ là quý lắm rồi”.
Bà Ngần nhớ lại khoảnh khắc, anh Nguyễn Nam Tiến – đang mang trong mình quả tim của con trai bà Ngần đã tìm đến với bà trong một chiều cuối năm 2017. Đó là giây phút bà hạnh phúc vì được nghe nhịp tim của con trai trong lồng ngực người lính biển. Nước mắt bà lại trào dâng, bà vội vã ôm con trai vào lòng và biết rằng trái tim con mình vẫn đang đập rộn ràng.
“Hạnh phúc đó vô cùng khó tả, có lẽ chỉ những người mẹ như tôi và bà Mừng mới cảm nhận rõ được. Tôi rất mong muốn một lần gặp được bà Mừng để 2 người có thể chia sẻ cùng nhau câu chuyện về con trai mình. Kể cho nhau nghe cả hai đã đón Tết ra sao khi có nhiều thành viên mới bên cạnh. Tôi sẽ kể cho bà Mừng nghe cảm xúc khi được “gặp lại” con, được đón Tết cùng con mình”, bà Ngần bật khóc.
Cùng nói chuyện với PV, 2 người mẹ có tấm lòng nhân hậu này cho biết, năm nay họ chưa thể gặp được nhau nhưng nhất định họ sẽ gọi điện để tâm sự với nhau, cùng gửi đến nhau những lời chúc Tết bình an và hạnh phúc.
Với bà Ngần và bà Mừng, Tết đến, họ chỉ cần nghe được lời chúc, sự động viên từ những người mà con trai họ đã hiến tạng là họ cảm thấy Tết năm ấy thật có ý nghĩa. Vì họ biết, quả thật trên cõi đời hẳn là có chữ duyên, khi cho đi có nghĩa là sự sống vẫn còn tồn tại, vì thế cả 2 người mẹ không hối tiếc bất cứ điều gì.
Kết thúc câu chuyện với 2 người mẹ đầy bao dung, chúng tôi vẫn nhớ như in bài thơ “Cho đi là còn mãi” mà bà Ngần đã đọc:
“Một đôi mắt, một trái tim nhân hậu
Hai lá gan, hai quả thận cứu sống được nhiều người
Sống nhân văn, nghĩa cử trên đời
Con hiến tạng để bao người khỏe mạnh…”.
Thêm một người mẹ
Anh Nguyễn Xuân Hưng (Hoài Đức, Hà Nội) là người được nhận giác mạc từ con trai bà Cấn Thị Ngần bày tỏ sự xúc động: “Tôi được nhận giác mạc của con trai mẹ Ngần và được ghép để một bên mắt nhìn thấy. Từ đôi mắt kém thì giờ đây mắt tôi đã có thể nhìn thấy mọi thứ, cảm giác đó thật tuyệt vời biết bao. Tết năm nay, tôi sẽ đón Tết tại nhà mẹ Ngần, bởi tôi muốn bên mẹ thay cả phần của những anh chị ở xa và cả phần của con trai mẹ đã khuất. Tôi cảm thấy mình thật may mắn, được gặp mẹ, làm con mẹ Ngần là một chữ duyên. Không chỉ có mùa xuân này mà những mùa xuân tiếp theo thật ấm áp, hạnh phúc biết nhường nào, khi tôi có thêm một người mẹ nữa để yêu thương”.