Cách phòng tránh sốc nhiệt cho trẻ khi chơi thể thao ngoài trời

Google News

Dưới đây là một số cách phòng tránh sốc nhiệt cho trẻ mà phụ huynh cần lưu ý.

Sốc nhiệt là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (40 - 41 độ C) khi nhiệt môi trường gia tăng, cơ thể không có khả năng tiêu tan, tản mát nhiệt nội sinh, hoặc sự kết hợp của hai yếu tố này, dẫn đến có thể nhanh chóng tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Khác với sốc nhiệt là sốt. Sốt là phản ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng hoặc viêm; được gây ra bởi sự kích hoạt cytokine, tác động lên trung tâm điều nhiệt ở vùng hạ đồi không liên quan đến nhiệt độ môi trường và đáp ứng với thuốc hạ sốt, trong khi sốc nhiệt không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
Sốc nhiệt được chia thành 2 nhóm: sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt do gắng sức, hai thể này khác nhau về cơ chế nhưng biểu hiện lâm sàng giống nhau.
Cach phong tranh soc nhiet cho tre khi choi the thao ngoai troi
Cách phòng tránh sốc nhiệt khi trẻ chơi thể thao ngoài trời, phụ huynh cần biết. Ảnh minh họa
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị sốc nhiệt
Khi bị sốc nhiệt, trẻ có thể gặp các triệu chứng bao gồm:
Chuột rút: Vận động, chơi thể thao ngoài trời nắng nóng khiến cơ thể trẻ mất khoáng chất và nước do ra mồ hôi quá nhiều. Điều này có thể gây ra chuột rút nghiêm trọng ở chân tay và bụng.
Ngất xỉu: Việc tập luyện, chơi thể thao gắng sức dưới ánh nắng gắt có thể khiến cơ thể mệt mỏi và dễ ngất xỉu.
Kiệt sức: Làn da nhợt nhạt, đau đầu, buồn nôn, ớn lạnh, suy nhược, đứng không vững, chóng mặt, mạch nhanh, khát nước quá mức và chuột rút cơ bắp.
Đột quỵ: Các dấu hiệu bao gồm nói lắp hoặc không mạch lạc, mất phương hướng, mạch nhanh/không đều, co giật, bất tỉnh, thậm chí hôn mê. Khi đột quỵ do nhiệt bắt đầu, cơ chế kiểm soát nhiệt của cơ thể bắt đầu suy yếu và có thể dẫn đến suy nội tạng.
Phòng tránh sốc nhiệt ở trẻ khi chơi thể thao ngoài trời
Dưới đây là một số cách phòng tránh sốc nhiệt cho trẻ mà phụ huynh cần lưu ý:
Uống đủ nước: Dặn trẻ uống đủ nước, uống khi khát và bù nước giữa các buổi tập thể thao.
Chế độ ăn uống cân bằng: Cơ thể trẻ mất khoáng chất khi tập luyện gắng sức dưới trời nóng bức. Do đó, cho trẻ ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh để có thể đối phó tốt hơn với thời tiết nắng nóng.
Tránh tập luyện vào những giờ nóng nhất: Nên luyện tập vào buổi sáng hoặc chiều muộn/tối. Thời điểm từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều thường là những giờ nắng nóng nhất. Nên nghỉ giải lao 10 phút giữa giờ tập. Vào những ngày nóng nhất nên hủy các hoạt động ngoài trời.
Nếu buộc phải tập luyện ngoài trời nắng nóng, trước đó vài ngày cần để trẻ làm quen dần với mức nhiệt cao.
Tránh tập liên tục quá 1 tiếng dưới ánh nắng. Nên ngừng tập ngay nếu trẻ khó chịu và đưa trẻ vào chỗ có bóng mát để nghỉ ngơi.
Tránh mặc quần áo tối màu: Quần áo tối màu giữ nhiệt nên càng làm tăng thân nhiệt khi tập luyện ngoài trời. Do đó, nên cho trẻ mặc quần áo màu trắng hoặc sáng màu, thoáng mát, thấm hút mồ hôi.
Nghỉ ngơi hợp lý: Nên nghỉ giải lao sau mỗi 15 phút luyện tập. Điều này giúp cơ thể trẻ có thời gian tản nhiệt và hấp thụ nước.
Hướng dẫn trẻ vận động đúng cách vào mùa hè
Những ngày nắng nóng không nên ngăn cấm trẻ hoạt động, trẻ nhỏ vẫn cần hoạt động thể lực để phát triển hệ cơ xương và tăng cường sức khoẻ, sức đề kháng. Những lo ngại vận động trong thời tiết nắng nóng có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe do nhiệt gây ra.
Không cho trẻ vận động ở cường độ cao.
Hướng dẫn trẻ vận động theo hướng tăng dần cường độ theo ngày để trẻ thích nghi với môi trường, thời tiết nắng nóng của mùa hè.
Dừng vận động ngay khi trẻ có các dấu hiệu mệt, xây xẩm, mờ mắt, buồn nôn, nôn ói,... Lập tức đưa trẻ vào chỗ mát, cho trẻ uống đủ nước.
Nếu trẻ có biểu hiện bị sốc nhiệt, nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở cấp cứu và xử lý kịp thời.
Sốc nhiệt vào mùa hè ở trẻ không thể chủ quan. Vì vậy, phụ huynh có thể tham khảo những cách phòng tránh sốc nhiệt cho trẻ khi trời nắng nóng ở trên để bảo vệ sức khỏe trẻ tốt nhất trong mùa hè.
Giang Thu

>> xem thêm

Bình luận(0)