Phát minh độc đáo của các nhà khoa học thuộc Đại học Texas (Mỹ) và một số đơn vị đối tác khác là một thiết bị cầm tay có hình dạng không khác một cây bút thử điện, mang tên MasSpec. Chỉ có điều, thứ mà bút thử được chính là các mô ung thư!
|
Bút MasSpec sẽ giúp cải thiện tính chính xác của phẫu trị ung thư - ảnh: ĐẠI HỌC TEXAS |
Hoạt động của công nghệ chẩn đoán ung thư khá đơn giản. Các bác sĩ sẽ chạm bút vào khối u mà họ cần xác định là lành tính hay ác tính. Một giọt dung dịch nhỏ sẽ được bơm ra từ bút. Các hóa chất bên trong tế bào sống sẽ tự di chuyển vào giọt này, sau đó bút sẽ hút lại giọt dung dịch và tiến hành phân tích.
Sau đó, bút được cắm vào một máy quang phổi khối – một dụng cụ có khả năng phân tích hàng ngàn hóa chất mỗi giây. Nó tạo ra một dấu tích hóa học có thể nói lên các mô được thử là lành tính hay mô ung thư.
Theo các báo cáo vừa được công bố trên tạp chí khoa học Science Translational Medicine, công nghệ này đã xác định đúng 96% trong số 253 mẫu thử nghiệm, và chỉ mất khoảng 10 giây cho một lần thử.
Công nghệ mới được kỳ vọng sẽ giúp các bác sĩ phẫu thuật giải quyết rắc rối muôn thuở: phân biệt rạch ròi giữa mô bệnh và mô lành khi mổ. Trong phẫu trị ung thư, ranh giới giữa các mô lành và mô bệnh đôi khi khá mờ nhạt. Nếu loại bỏ quá ít mô, bất cứ tế bào ung thư nào còn sót lại cũng có thể phát triển thành khối u mới. Ngược lại, cắt lọc quá nhiều sẽ gây thiệt hại cho cơ quan đang được phẫu thuật, khiến sức khỏe bệnh nhân xấu đi và càng khó khăn trong việc phục hồi.
Tiến sĩ James Suliburk, thành viên nhóm nghiên cứu, người đứng đầu nhóm phẫu thuật nội tiết Đại học y Baylor, cho biết: "Điều chúng tôi muốn là đem đến cho bệnh nhân một cuộc phẫu thuật chính xác hơn, nhanh hơn và an toàn hơn".
Hiện bút MasSpec vẫn đang được tiếp tục nghiên cứu và cải tiến để độ chính xác cao hơn, tiện dụng hơn và có giá thành thấp hơn.