Bỏng cồn do nướng mực: Cách sơ cứu hiệu quả nhất

Google News

Khi bị bỏng cồn, cần thực hiện biện pháp sơ cứu nhanh chóng để hạn chế tối đa tổn thương.

Theo thông tin từ Khoa Điều trị bỏng người lớn, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, tai nạn bỏng cồn rải rác quanh năm, nhưng thường hay gặp nhiều nhất vào mùa hè, chủ yếu là do nướng mực, cá khô.
Nhiều vụ bỏng cồn do nướng mực
Tháng 3/2023, một cháu bé bị bỏng nặng do bà nướng mực bằng cồn. Thông tin trên Zingnews.vn cho biết, bé T.N.T.V. (6 tháng tuổi, ngụ ở Đồng Nai) bị bỏng do bà ngoại vừa bế cháu, vừa nướng mực bằng cồn. Trong quá trình người bà châm thêm cồn để nướng mực, lửa phụt khiến bé V. cháy vào mặt, ngực và tứ chi.
Bong con do nuong muc: Cach so cuu hieu qua nhat
Ảnh minh họa: Giáo dục và Thời đại. 
Trước đó, vào tháng 2/2023, 3 người trong một gia đình ở Kiên Giang bị bỏng nặng, trong đó một bé gái tử vong.
Vietnamnet thông tin về vụ việc, tối 12/2, con gái anh T.V.N muốn ăn khô mực nên anh N. lấy chai cồn sát khuẩn đổ vào chảo và nướng. Vô tình, anh N. quơ tay khiến chai cồn đổ vào ngọn lửa và gây nổ. Hai cha con bị bỏng nặng. Người vợ nghe tiếng hét chạy vào cứu con cũng bị bỏng theo. Hàng xóm phát hiện sự việc và đưa 3 người đi cấp cứu.
Vào tháng 3/2020, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam nhập viện vì bỏng do nướng mực bằng cồn.
VTV đưa tin, theo người nhà bệnh nhân, trước đó gia đình có tổ chức sinh nhật cho con trai, trong lúc nướng mực bằng cồn, không may chai cồn cầm trên tay bị đổ làm ngọn lửa bùng lên khiến bệnh nhân bị bỏng.
Tổn thương bỏng do cồn gây ra thường bỏng nông, bỏng sâu xen kẽ phụ thuộc vào nhiệt độ và thời gian tiếp xúc với da. 
Người bệnh bị bỏng cồn có thể gặp tình trạng tổn thương các giác quan và tổn thương đường hô hấp. Tùy theo mức độ, diện tích bỏng khi khỏi thường để lại sẹo co rúm trên da, với thời gian điều trị khá lâu. Ngoài ra, bệnh nhân bỏng lửa cồn có thể bị nhiễm độc, bỏng hô hấp gây nguy hiểm tới tính mạng.
Cách sơ cứu khi bị bỏng 
Theo Bệnh viện Bỏng Quốc gia, trong trường hợp bị bỏng, cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng; tiếp đó cắt bỏ quần áo ở vùng vết thương bị bỏng; ngâm vùng bị thương trong nước mát từ 15 - 20 phút; sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến ngay cơ sở y tế gần nhất hoặc cơ sở y tế chuyên khoa bỏng càng sớm càng tốt.
Tuyệt đối không làm theo các mẹo chữa bỏng được lan truyền như bôi nước mắm, kem đánh răng, mỡ trăn... hoặc sử dụng các loại lá cây, thuốc đông y không rõ nguồn gốc đắp lên vết bỏng, điều này sẽ khiến tổn thương nặng thêm, nhiều trường hợp biến chứng dẫn tới tử vong khi dùng thuốc lá không rõ nguồn gốc.
Bỏng cồn rất nguy hiểm, người dân nên bỏ thói quen sử dụng cồn để nướng thức ăn, chỉ sơ suất trong phút chốc có thể khiến bản thân và những người xung quanh bị bỏng. Có thể dùng các biện pháp nướng an toàn hơn, như nướng ở lò vi sóng, bếp than, bếp ga.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Phẫu thuật lấy búi tóc nặng gần 1kg trong dạ dày bệnh nhi 11 tuổi

Nguồn video: THĐT

P.V (Tổng hợp)

>> xem thêm

Bình luận(0)