Về lý thuyết, những cơ co thắt cơ hoành tác động lên dây thanh, làm đóng mở nhanh tạo ra các tiếng đặc thù được gọi là nấc. Tình trạng này nếu kéo dài trên 48 giờ sẽ được định nghĩa là nấc mạn tính.
Liên quan vấn đề này, PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nhận định dù hiếm gặp, nấc mạn tính có thể ảnh hưởng lớn tới chất lượng cuộc sống. Đồng thời, tình trạng này cũng thể hiện vấn đề về sức khỏe của người bệnh.
Biểu hiện của bệnh nguy hiểm
PGS Đào cho biết nấc thường chỉ xảy ra thoáng qua và chấm dứt sau vài phút. Đôi khi, tình trạng này có thể kéo dài trong nhiều giờ. Tuy nhiên, nấc, nếu kéo dài tới hơn 48 giờ, sẽ được xem là tình trạng bệnh lý nặng.
“Ngoài việc bị kích thích do nấc, nấc mạn tính thường làm gián đoạn giấc ngủ và có thể gây khó khăn trong ăn uống. Tình trạng này trong một số trường hợp còn gây ra hậu quả nghiêm trọng như kiệt sức, mất nước và giảm cân”, vị chuyên gia nói.
Trên thực tế, không có nguyên nhân rõ ràng cho tình trạng nấc. Tuy nhiên, sự phấn khích, căng thẳng hoặc ăn, uống một số thực phẩm đặc biệt như soda có thể dẫn đến nấc. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng có thể gây nấc là các loại thuốc đang sử dụng, tình trạng sức khỏe không tốt.
|
Nấc kéo dài có thể là dấu hiệu cho bệnh lý nguy hiểm. Ảnh minh họa: towfiqu_barbhuiya.
|
“Nguyên nhân gây nấc hiếm khi được tìm ra. Tuy nhiên, nấc mạn tính thường liên quan tới biểu hiện của bệnh lý”, PGS Đào khẳng định.
Cụ thể, nấc do một phần cơ hoành co thắt, tạo kích thích bởi những bệnh lý như viêm phổi, viêm màng phổi.
Thần kinh điều khiển động tác thở bị tác động có thể bị phá hủy hoặc kích thích, gây áp lực đè vào vùng dây thần kinh đi qua như có thai hoặc sự phát triển của các khối u.
Mặt khác, phần não kiểm soát hành động vô thức (như thở) có thể ngừng hoạt động bình thường sau khi bị đột quỵ hoặc chấn thương ở đầu. Ngoài ra, các bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương như chứng đa xơ cứng… có thể tác động tương tự.
Vị chuyên gia nói thêm: “Nấc mạn tính có thể là triệu chứng của bệnh dạ dày - ruột, từ đó ảnh hưởng đến dạ dày, ruột, ruột thừa, ruột non, gan, túi mật và tụy”.
PGS Đào nêu một số ví dụ về bệnh dạ dày - ruột là bệnh Crohn’s, loét dạ dày, viêm gan, viêm ruột thừa.
Một số người cũng có thể biểu hiện nấc mạn tính sau phẫu thuật sọ não, dạ dày ruột (phẫu thuật nội soi dạ dày). Một số thuốc có thể gây ra nấc như truyền hóa chất, uống corticoid để điều trị những bệnh dị ứng nặng và viêm da.
Nấc mạn tính thậm chí có thể dẫn đến một số biến chứng nguy hiểm. Theo PGS Đào, sự gián đoạn giấc ngủ do nấc gây ra có thể dẫn đến kiệt sức.
“Nấc có thể tác động nghiêm trọng tới cuộc sống hàng ngày. Tình trạng này diễn ra thường xuyên gây ra cảm giác căng thẳng, lo lắng và phá vỡ các thói quen thông thường”, vị chuyên gia nhận định.
Nấc mạn tính cũng khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác đắng trong miệng hoặc đau khi nuốt. Đây có thể là biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản (ngoài ra còn các triệu chứng như ợ nóng, mùi vị khó chịu trong miệng, đau khi nuốt, đầy hơi, hơi thở hôi).
Một biến chứng khác của nấc mạn tính là tình trạng này làm chậm quá trình hồi phục sau phẫu thuật ở một số bệnh nhân.
Hướng điều trị và phòng tránh
Theo PGS Phạm Thị Bích Đào, để điều trị nấc mạn tính, các bác sĩ sẽ có 2 hướng gồm nội khoa và ngoại khoa.
Với điều trị nội khoa, bệnh nhân sẽ được chỉ định sử dụng thuốc và tìm ra nguyên nhân nhằm xử lý triệt để.
Cụ thể, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã chấp thuận chlorpromazine điều trị chứng nấc. Thuốc giãn cơ và thuốc an thần cũng có thể được sử dụng để phá vỡ co thắt gây ra nấc.
Ngoài ra, các loại thuốc chống trào ngược dạ dày thực quản bao gồm thuốc giảm đau - một loại thuốc bán tự do giúp giảm lượng acid dạ dày; các loại thuốc theo toa mạnh hơn như thuốc ức chế bơm proton (PPI)...
|
Người bệnh nấc mạn tính có thể được điều trị bằng thuốc hoặc thậm chí phẫu thuật. Ảnh minh họa: towfiqu_barbhuiya.
|
Với điều trị ngoại khoa, trong các trường hợp sử dụng thuốc không hiệu quả, các bác sĩ đôi khi sẽ cần phẫu thuật thần kinh điều khiển vận động cơ hoành.
Để phòng tránh nấc mạn tính, PGS Đào nhận định việc duy trì sức khỏe tinh thần và thể chất tốt là điều cần thiết.
“Các bệnh nhân cũng nên chủ động giải thích về tác động của tình trạng nấc với đồng nghiệp, bạn bè và gia đình, đồng thời tìm kiếm sự hỗ trợ của họ. Những người này có thể giúp chúng ta đối phó với căng thẳng, từ đó hỗ trợ việc điều trị”, vị chuyên gia khuyên.
Nấc mạn tính có thể gây khó ngủ hoặc phải thức dậy vào ban đêm. Trong khi đó, việc thiếu ngủ có thể dẫn đến tình trạng thiếu năng lượng trong ngày, gây ra kiệt sức nếu tình trạng này kéo dài.
Từ đây, PGS Đào khuyến cáo các bệnh nhân nên nghỉ ngơi nhiều hơn và ngủ trưa trong ngày nếu hành động này có thể giúp ngăn ngừa kiệt sức.
Ngoài ra, người dân nên cố gắng tập thể dục thường xuyên. Thói quen này rất quan trọng cho lối sống lành mạnh nhưng nên tránh các hoạt động làm cơ thể gắng sức.
Chúng ta cũng nên chia nhỏ và ăn nhiều bữa hơn trong ngày thay vì ăn các bữa ăn lớn vào những khung giờ bình thường.
PGS Đào lưu ý thức ăn nóng, nhiều gia vị và thức uống có ga có thể làm cho tình trạng nấc trở nên nặng hơn. Vì vậy mọi người nên tránh các loại thực phẩm này.
Thay vào đó, chúng ta nên thường xuyên mang theo nước lọc và uống một lượng nhỏ thường xuyên trong suốt cả ngày. Việc này sẽ giúp cơ thể đảm bảo giữ đủ nước.
Chúng ta cũng có thể sử dụng thêm gối để nâng đầu khi ngủ. Vị chuyên gia cũng khuyến cáo cần tránh các đồ ăn và thức uống gây ra chứng ợ nóng.