Silica là chất được tìm thấy tự nhiên trong một số loại đá, cát và đất sét. Người làm việc với những vật liệu này có thể dễ dàng hít phải bụi silica.
Khi vào trong phổi, nó sẽ gây sưng tấy (viêm) và dần dần dẫn đến các vùng mô phổi cứng và có sẹo (xơ hóa). Mô phổi bị sẹo theo cách này không hoạt động bình thường.
Bụi phổi silic thường là bệnh phổi mãn tính do hít phải một lượng lớn bụi silica tinh thể kéo dài nhiều năm.
Các triệu chứng chính của bệnh bụi phổi silic:
- Ho dai dẳng
- Khó thở dai dẳng
- Yếu và mệt mỏi
|
Ảnh: SVH. |
Các triệu chứng của bệnh bụi phổi silic thường mất nhiều năm mới phát triển, và có thể trở nên tồi tệ hơn, ngay cả khi bạn không còn tiếp xúc với bụi silic.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh, bệnh bụi phổi silic thường phát triển sau khi tiếp xúc với silica trong 10 đến 20 năm, cũng có thể sau 5 đến 10 năm. Đôi khi, bệnh có thể xảy ra chỉ sau vài tháng tiếp xúc lượng lớn bụi silic.
Bệnh nhân có thể nhận thấy các hoạt động đơn giản như đi bộ hoặc leo cầu thang rất khó khăn. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh bụi phổi silic gây tử vong khi phổi ngừng hoạt động bình thường (suy hô hấp) hoặc phát triển các biến chứng nguy hiểm.
Bệnh bụi phổi silic có thể làm tăng nguy cơ mắc các tình trạng nghiêm trọng khác và có khả năng đe dọa tính mạng, bao gồm:
- Bệnh lao
- Tăng áp động mạch phổi
- Suy tim
- Viêm khớp
- Bệnh thận
- Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
- Ung thư phổi
Những người làm việc trong các ngành sau đây đặc biệt có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi silic cao hơn:
- Xây cất bằng đá và cắt đá, đặc biệt là đá sa thạch
- Xây dựng và phá dỡ - do tiếp xúc với bê tông và vật liệu lát đường
- Sản xuất gốm sứ, thủy tinh
- Khai thác mỏ, đá
- Phun cát
Nếu nghi ngờ mắc bệnh bụi phổi silic, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán chính xác và điều trị phù hợp.
>>> Mời độc giả xem thêm video: 70% bệnh nhân ung thư gan được phát hiện muộn