Gần đây nhất, vào đêm 9/7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn đã tiếp nhận và cấp cứu cho 8 người ở thành phố Bắc Kạn bị ngộ độc thực phẩm.
Vietnamnet dẫn lời ông Đinh Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Kạn, cho hay 3 người trong số 8 trường hợp này bị suy hô hấp nặng phải thở máy tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. Theo ông Cường, có thể nguyên nhân ngộ độc do ăn mật cá trắm.
Liên quan đến vụ ngộ độc thực phẩm này, thông tin trên Vietnam Plus cho biết thêm, vào chiều tối 9/7, gia đình bà N.T.H. tại thôn Khuổi Cuồng, xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn) làm cơm thiết đãi con cháu từ tỉnh Hà Giang về chơi.
|
Ảnh minh họa: DPI. |
Sau đó, hàng xóm phát hiện 8 người tham gia bữa cơm gồm vợ chồng bà H., các con gái, con rể và 2 vị khách trong thôn có dấu hiệu bị ngộ độc nặng, mất ý thức nên đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Kạn. Xác minh sơ bộ ban đầu cho thấy, trong bữa cơm của gia đình hôm đó có món canh lòng cá trắm nấu rau rừng.
Cách đây hơn một tháng, vụ ngộ độc khiến một người tử vong, một người phải điều trị tích cực do ăn thực phẩm "lạ" xảy ra tại xã Lưu Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An).
Thông tin trên báo Sức khỏe và Đời sống cho hay, vào lúc 14h15 ngày 12/6, Bệnh viện đa khoa Đô Lương, tiếp nhận 2 bệnh nhân là B.T.B (64 tuổi) và T.M.H (50 tuổi) vào viện trong tình trạng: Phỏng rộp miệng lưỡi, nôn ra máu, đau bụng, đau tức ngực sau ăn sâu ban miêu 1 giờ.
Kíp trực khoa Hồi sức cấp cứu của bệnh viện đã khẩn trương tiến hành sơ cứu cho 2 bệnh nhân. Nhận thấy đây là một loại sâu có độc tính cực độc nên bệnh viện nhanh chuyển bệnh nhân lên tuyến trên điều trị. Tuy nhiên, bệnh nhân B.T.B đã tử vong.
|
Ảnh minh họa: Sức khỏe và Đời sống. |
Theo các bác sĩ, ngộ độc sâu ban miêu tuy hiếm gặp nhưng nếu gặp sẽ rất nặng nề, tỉ lệ tử vong cao và gây khó khăn cho hầu hết bác sĩ cấp cứu ban đầu khi tiếp xúc với loại ngộ độc này. Được biết, trên thế giới cho tới nay chưa có phác đồ điều trị hiệu quả ngộ độc sâu ban miêu.
Cũng trong tháng 6/2022, một người đàn ông ở Bình Phước tử vong nghi do ngộ độc sau khi ăn cá lóc để lâu không bảo quản.
Cụ thể, thông tin trên VOV cho biết, ngày 6/6, ông Nguyễn Thanh T. (46 tuổi, ngụ xã Bình Minh, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) mua cá lóc về để tổ chức ăn nhậu với bạn. Sau chầu nhậu, số cá lóc còn dư được ông cất trong tủ thường, không bảo quản.
Đến chiều 7/6, ông Tuấn lấy cá lóc ra nướng lại để ăn. Sau khi ăn xong, ông có biểu hiện nôn ói nhiều lần, đi tiêu ra máu và được gia đình đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, do bệnh tình quá nặng, đến trưa 8/6, ông T. tử vong.
Vào tháng 3/2022, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Lào Cai cho biết đã có 10 người tại thôn Bản Sái, xã Thanh Bình, thị xã Sa Pa, Lào Cai phải nhập viện điều trị ngộ độc thực phẩm do ăn phải cây hoa chuông.
Cụ thể, vào khoảng 18h ngày 24/3, tại bếp ăn công trình của Chi nhánh Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoàng Quân 668 có tổ chức bữa ăn tối cho 12 người ăn gồm 5 món: Canh tiết lợn nấu với ngọn cây rau đắng (rau đắng cẩy), ngọn cây rau đắng xào, thịt lợn sốt đậu phụ, cơm trắng và rượu gạo.
Sau ăn khoảng 30 phút, 3 người có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn được đưa lên Trạm Y tế xã Thanh Bình khám và điều trị. Sau đó, 7 công nhân khác cùng ăn bữa ăn trên có biểu hiện tương tự được đưa đến trạm y tế để khám và điều trị. Trong số 12 người ăn có 2 người không ăn món cây rau rừng thì không có biểu hiện gì.
Ngay sau đó, một số người có các triệu chứng trở nặng (có ảo giác, khó thở, môi và tứ chi tím tái) được đưa ngay lên Bệnh viện đa khoa thị xã Sa Pa khám và điều trị. Đến 8h ngày 26/3, 10 bệnh nhân đã ổn định sức khỏe và được xuất viện.
Qua điều tra xác minh, người nấu bữa ăn tối 24/3 là người dân tộc Nùng của huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang sang, do trời tối cộng với cây hoa chuông lúc còn non nhìn giống với cây rau đắng (cây đắng cẩy) nên dẫn đến nhầm lẫn và gây ra sự cố nêu trên.