Đầu năm 2016 tới nay, Chi cục Thú y TP HCM đã phát hiện 18/59 lô heo nhiễm chất cấm có nguồn gốc từ các tỉnh đưa vào TP HCM giết mổ, chiếm hơn 50% so với năm 2015. Thực trạng trên rất đáng báo động. Thông tin trên được ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra Chi cục Thú y TP HCM, đưa ra ngày 19/1.
Tìm mua heo nhiễm chất cấm
Trong số 194 mẫu nước tiểu của 59 lô heo được lấy ngẫu nhiên, có tới 52 mẫu (của 18 lô heo) nhiễm tồn dư chất cấm. “Cụ thể, Bình Thuận có tám lô, Tiền Giang năm lô. Kế đến Đồng Nai, Long An mỗi tỉnh hai lô và Bà Rịa-Vũng Tàu một lô” - ông Nguyên nói.
Đáng chú ý, thương lái Trần Lê Thị Thu Hồng liên tiếp đưa hai lô heo nhiễm chất cấm vào TP HCM giết mổ. Cụ thể ngày 14-1, bà Hồng đưa hơn 30 con heo nhiễm chất cấm từ Tiền Giang vào cơ sở 213 (quận 8, TP HCM) giết mổ. Đến ngày 17/1, bà Hồng tiếp tục đưa 60 con heo nhiễm chất cấm từ Tiền Giang và Long An vào cơ sở 213 giết mổ. Theo Chi cục Thú y TP HCM, tất cả trường hợp tái phạm đều sẽ bị phạt 15 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này không đủ sức răn đe.
Để tránh bị phạt hành vi tái phạm (vi phạm lần đầu phạt 12,5 triệu đồng, tái phạm phạt 15 triệu đồng), thương lái để người khác đứng tên chủ lô heo. Chẳng hạn, trước đây ông Trần Vĩnh Long bị phạt lần đầu. Sau đó, ngày 13-1, ông Long để bà Lê Thị Bích Liễu đứng tên chủ hai lô heo có tồn dư chất cấm từ Bình Thuận đưa vào cơ sở ở huyện Nhà Bè (TP HCM) giết mổ.
Tìm hiểu thêm thông tin từ giới chăn nuôi heo, PV được biết gần đây một số thương lái còn thích tìm mua heo nhiễm chất cấm. Khi đi thu mua, họ thường mang theo dụng cụ test nhanh. Nếu heo nhiễm chất cấm, họ sẽ ép giá buộc người chăn nuôi phải bán rẻ. Trong trường hợp người chăn nuôi không bán, thương lái dọa sẽ tố với cơ quan chức năng để gây sức ép, mua heo giá rẻ.
|
Heo nhiễm chất cấm bị tạm giữ, chờ xử lý. Ảnh: TRẦN NGỌC |
Truy nguồn gốc heo bẩn
Chi cục Thú y TP HCM đã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh Bình Thuận kiểm tra, xác minh nguồn gốc một số lô heo. Qua đó, cơ quan thú y biết được lô 150 con heo đưa vào TP HCM giết mổ tồn dư chất cấm vượt ngưỡng 2 ppb có xuất xứ là trại chăn nuôi Thắng Hải (xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân). Lô khác gồm 170 con heo nhiễm chất cấm của trại Tân Xuân (xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân) và trại Tân Hà (xã Tân Hà, huyện Hàm Tân). Cả ba cơ sở này đang bị cơ quan chức năng xử lý.
“Ngoài ra, Chi cục Thú y TP.HCM cũng đề nghị Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh Đồng Nai kiểm tra việc sử dụng chất cấm trong nuôi heo tại hộ Nguyễn Thị Lệ Thủy (huyện Vĩnh Cửu) và hộ Phạm Thị Lâm Dung (xã Gia Tân 3, huyện Thống Nhất) do 165 con heo từ hai hộ nói trên được đưa vào các cơ sở ở TP.HCM để giết mổ phát hiện còn tồn dư chất cấm” - ông Nguyên thông tin.
Trước đây, khi phát hiện heo còn tồn dư chất cấm, Chi cục Thú y TP HCM cho phép thương lái tiếp tục nuôi 3-15 ngày. Sau khi kiểm tra, nếu không phát hiện chất cấm thì cho phép giết mổ.
Từ 20/12/2015, Chi cục Thú y TP HCM đã kiến nghị lên UBND TP HCM các trường hợp tái phạm có liên quan sử dụng chất cấm (salbutamol, clenbutarol, ractopamin, chất vàng ô…) trong chăn nuôi thì chủ lô hàng hoặc người đại diện sẽ bị phạt tiền theo Nghị định 119/2013. Ngoài ra còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc tiêu hủy tang vật. Do vậy, 18 lô heo (trên 860 con) nhiễm chất cấm nói trên hiện vẫn đang tạm nhốt, chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP HCM.
Trong tuần vừa qua, các trạm kiểm dịch động vật (KDĐV) tại các quận/huyện TP.HCM đã phát hiện, bắt giữ hàng chục vụ vận chuyển thịt, phụ phẩm từ trâu, bò, heo, gia cầm… không có nguồn gốc, không qua kiểm dịch, bị hư thối. Các cơ quan đã xử phạt số tiền tổng cộng hàng trăm triệu đồng, tiêu hủy hàng ngàn tấn thịt gia súc, gia cầm. Cụ thể, trạm KDĐV Thủ Đức phát hiện chín trường hợp, xử phạt 24 triệu đồng; trạm KDĐV Xuân Hiệp phát hiện năm trường hợp, xử phạt hơn 22,7 triệu đồng, tiêu hủy gần hai tấn thịt heo; trạm KDĐV Củ Chi phát hiện tám trường hợp, xử phạt hơn 21 triệu đồng…