Nho là loại trái cây quen thuộc và được yêu thích bởi những công dụng thần kỳ mang lại cho sức khỏe. Theo nghiên cứu năm 2015 trên tờ Journal of the Science of Food and Agriculture, nho có tác dụng tốt đối với mỡ máu, giảm viêm và giảm huyết áp. Nho cũng là nguồn kali tuyệt vời, giúp ngăn ngừa chuột rút.
Nhưng đến nay nhiều người vẫn còn phân vân không biết có nên ăn nho cả vỏ và cả hạt không?
Theo nghiên cứu, nho có chứa chất chống oxy hóa (các flavonoid) đặc biệt là resveratrol được tập trung ở vỏ, hạt, và thân cây nho.
Các chuyên gia đã chứng minh rằng trong vỏ nho, lượng resveratrol chiếm nhiều hơn cả so với phần thịt. Nhờ hàm lượng cao resveratrol trong vỏ nho, giúp cơ thể ngăn chặn được những căn bệnh về tim, đặc biệt là nhồi máu cơ tim. Hoạt chất này giúp ngăn cản hình thành các mảng xơ vữa động mạch, hạn chế tối đa lượng cholesterol xấu và tăng lên lượng cholesterol tốt.
Ngoài ra, với việc ăn nho cả vỏ sẽ làm máu lưu thông tốt hơn, ngừa sự ngưng kết tiểu cầu, giúp giãn nở động mạch. Nhiều kết quả nghiên cứu cũng đưa ra kết quả rằng khi ăn nho cả vỏ sẽ tận dụng tối đa hàm lượng resveratrol, rất tốt cho huyết áp và làm giảm đến 40% nguy cơ tử vong liên quan đến bệnh tim mạch.
Trong hạt nho chứa chất chống oxy hóa mạnh là proanthocyanidins. Hiện nay, trên thế giới người ta dùng chiết xuất hạt nho để làm cholesterol máu, hạ đường huyết, hạ huyết áp và điều trị các bệnh lý về tim mạch như bệnh động mạch vành, suy tĩnh mạch mãn tính.
Ngoài ra, chiết xuất hạt nho còn giúp tăng cường miễn dịch, chống dị ứng và hen suyễn. Các hợp chất trong rượu vang đỏ cũng đã được chứng minh có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch, ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn, virus.
Vì vậy, để ăn nho cả hạt, các chuyên gia khuyến cáo việc đầu tiên cần chọn nho có xuất xứ rõ ràng và đảm bảo chất lượng. Nên chọn những quả nho to, mọng nước, những chùm nho với quả đều nhau.
Lưu ý khi chọn nho cần quan sát phần cuống nho phải tươi không bị héo; chọn những chùm nho không bị dập, vỏ mịn, mượt. Màu sắc tươi đều cũng là điểm cần lưu ý để có được những quả nho ngon.
Khi rửa nho, bạn nên cho nho vào chậu nước pha muối sau đó ngâm khoảng 10 - 15 phút để những chất bẩn trong vỏ được loại bỏ. Lưu ý nên ngâm nho bằng nước vừa ấm và nước phải ngập hết phần nho. Sau đó vớt ra rửa lại bằng nước sạch 2 lần, vậy là có thể ăn cả vỏ.
Lưu ý, 4 nhóm người nên hạn chế ăn nho
Người béo phì
Nho chứa tương đối ít calo, nhưng khoảng 30 quả nho chứa chưa đến 105 calo. Nếu bạn thấy ngon miệng mà ăn hết cả túi thì lượng calo nạp vào cơ thể tương đương với cả một bữa ăn. Nếu bạn thường xuyên ăn nho mà không định trước suất ăn của mình thì số calo thêm vào này sẽ khiến bạn tăng cân.
Người bị bệnh đường ruột
Nho có nhiều chất xơ, lượng chất xơ này không ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của đường ruột. Song khi ăn quá nhiều nho, lượng chất xơ sẽ tăng lên. Nếu không thường xuyên ăn nhiều chất xơ, bạn sẽ thấy khó chịu trong bụng khi nạp vào một lượng lớn chất xơ từ nho. Khi cơ thể không tiêu hóa được hết chất xơ, lượng chất xơ ứ đọng lại khó thải ra ngoài, đó là một dấu hiệu của táo bón. Đôi khi, chất xơ lại có tác dụng ngược lại, gây tiêu chảy vì cơ thể cố gắng để thải chất xơ ra ngoài.
Người bị tiểu đường
Trong 100 gam thịt quả nho sẽ chứa 10 đến 12 gam đường gluco và fructose dễ hấp thụ. Vì thế, khi ăn loại quả này, lượng đường huyết trong máu sẽ tăng cao. Do đó, nếu bạn mắc phải căn bệnh tiểu đường thì nên hạn chế sử dụng loại quả này, ăn càng ít càng tốt và nên tham khảo thêm ý kiến từ bác sĩ điều trị.
Người đang điều trị bệnh tăng huyết áp
Nho với thuốc ức chế calcium làm chậm chuyển hóa thuốc. Cho nên đang điều trị bệnh tăng huyết áp nên kiêng hoặc ăn ít, uống ít nước nho để tránh gây tăng hiệu lực của thuốc không kiểm soát được (Diltiagem, Verapamil). Các thuốc ức chế men chuyển (Benzapril, captopril) để chữa tăng huyết áp cũng tương tác với kali trong nho, cho nên khi dùng thuốc đó tránh hoặc ăn ít nho.