|
Ảnh: Internet. |
Dưới đây là 7 lợi ích dinh dưỡng nổi trội của đậu bắp đối với sức khoẻ.
1. Cung cấp nguồn canxi dồi dào
Đậu bắp cung cấp nhiều canxi và magiê, giúp ngăn ngừa hiệu quả tình trạng thiếu hụt hai dưỡng chất trong cơ thể. Ngoài giúp xương khỏe mạnh, canxi còn giúp điều hòa nhịp tim, huyết áp và mức cholesterol, cũng như hỗ trợ chức năng cơ và chức năng báo hiệu của thần kinh.
Với những người bị các triệu chứng không dung nạp lactose (một loại đường được tìm thấy trong sữa) hoặc ăn thuần chay, đậu bắp có thể giúp cung cấp đủ canxi để bù đắp sự thiếu hụt này.
2. Cải thiện sức khoẻ tim mạch
Theo Tạp chí Thực phẩm Chế biến & Công nghệ Hoa Kỳ (Journal of Food Processing & Technology), việc tiêu thụ đậu bắp là một phương pháp hiệu quả để quản lý mức cholesterol của cơ thể, từ đó làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
3. Cải thiện thị lực
Vỏ đậu bắp là nguồn cung cấp vitamin A và beta-carotene (tiền chất của vitamin A) dồi dào – dưỡng chất quan trọng để duy trì thị lực tốt và làn da khỏe mạnh. Ngoài ra, dưỡng chất này có thể giúp ngăn ngừa các bệnh liên quan về mắt.
4. Nguồn protein tốt
Đậu bắp cung cấp protein, cụ thể trong hạt đậu bắp chứa cả axit amin lysine (ngăn ngừa chứng loãng xương) và tryptophan (xây dựng cơ bắp và giúp cải thiện tâm trạng). Thành phần axit amin của protein trong hạt đậu bắp cao hơn so với đậu tương, giúp bổ sung đầy đủ hàm lượng protein cho chế độ ăn kiêng dựa trên ngũ cốc hoặc rau đậu.
5. Giúp giảm lượng cholesterol
Một bài đánh giá khoa học được công bố vào năm 2018 trên Tạp chí Quốc tế về dinh dưỡng và khoa học thực phẩm, chỉ ra rằng, gần một nửa hàm lượng của quả đậu bắp là chất xơ hòa tan dưới dạng gum và pectin, giúp giảm cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Ngoài ra, chất nhầy của đậu bắp liên kết với lượng cholesterol dư thừa và chất độc tìm thấy trong các axit mật sẽ giúp gan dễ dàng loại bỏ chúng hơn.
6. Giúp ổn định đường huyết
Đậu bắp giúp ổn định lượng đường trong máu bằng cách điều chỉnh tốc độ đường được hấp thụ từ ruột. Hạt đậu bắp có chứa lượng đường huyết chuyển hoá ổn định, bao gồm lipid, có thể giúp điều trị bệnh tiểu đường một cách tự nhiên.
Cùng với các nghiên cứu khoa học, nhiều bệnh nhân tiểu đường đã thấy lượng đường trong máu giảm xuống sau khi ngâm các lát đậu bắp cắt trong nước qua đêm và sau đó uống nước này vào buổi sáng hôm sau.
7. Hỗ trợ tiêu hoá
Đậu bắp chứa chất xơ không hòa tan, giữ cho đường ruột khỏe mạnh bằng cách giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Trong cuốn sách “Lợi ích sức khỏe: từ thực phẩm và gia vị” của John P. Hunter III giải thích rằng đậu bắp giúp bôi trơn ruột già, từ đó, giúp ngăn ngừa táo bón và hoạt động như thuốc nhuận tràng tự nhiên mà không gây kích ứng đường ruột.
Dinh dưỡng của đậu bắp: Đậu bắp là loại thực phẩm giàu dưỡng chất, đặc biệt là chất xơ. Khoảng 75g chín chứa khoảng: 25 calo; 2g chất xơ; 1,5g protein; 5,8g carbohydrate; 13 mg vitamin C (22% giá trị hàng ngày); 46 mg magiê (11.5% giá trị hàng ngày); 460 IU; vitamin A (9,2% giá trị hàng ngày); 50 mg canxi (5% giá trị hàng ngày) và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác.
Một số lưu ý khi ăn đậu bắp
Đậu bắp có chứa solanine giống một số loại trái cây và rau quả khác như cà chua, khoai tây và cà tím. Những người mắc bệnh khớp thường phải tránh ăn thực phẩm chứa solanine này. Ngoài ra, người mắc chứng loãng máu nên tránh ăn đậu bắp bởi nó có nhiều vitamin K.
Đậu bắp chứa một lượng lớn fructan, một loại carbohydrate có thể dẫn đến chuột rút, tiêu chảy và đầy hơi với một số người có vấn đề về ruột như hội chứng ruột kích thích (IBS). Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêu thụ đậu bắp nếu bạn bị hội chứng IBS.
Đậu bắp cũng có hàm lượng oxalat cao nên những ai bị sỏi thận cũng cần thông báo với bác sĩ trước khi đưa đậu bắp vào chế độ ăn.