|
Mức cholesterol trong máu của mọi người sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi chất béo bão hòa và các yếu tố lối sống. Ảnh: Livestrong.
|
Eat This Not That cho biết có hai loại cholesterol chính là cholesterol trong chế độ ăn uống (được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật như trứng, cá, sữa, thịt) và cholesterol di chuyển trong cơ thể (còn được gọi là cholesterol trong máu, bao gồm cholesterol LDL và HDL).
Cơ thể của bạn dựa vào một lượng cholesterol nhất định trong máu để xây dựng tế bào. Tuy nhiên, lượng cholesterol quá cao có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về tim.
Chuyên gia dinh dưỡng Lisa Young cho biết: "Cholesterol cao là yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim. Nếu không được điều trị, nó có thể gây ra sự tích tụ mảng bám trong động mạch, cuối cùng dẫn đến xơ vữa động mạch, cục máu đông, đau tim hoặc đột quỵ".
Yếu tố ảnh hưởng mức cholesterol trong cơ thể
Nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến mức cholesterol trong cơ thể bạn, bao gồm tuổi tác, di truyền, tập thể dục, vận động, chế độ ăn uống.
Cholesterol trong chế độ ăn uống không đóng vai trò quan trọng trong tổng mức cholesterol trong máu của cơ thể. Các chuyên gia đã xác định chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là nguyên nhân gây ra lượng cholesterol trong máu cao.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua hoàn toàn lượng cholesterol trong thực phẩm. Theo CDC, sản phẩm chứa nhiều cholesterol cũng chứa nhiều chất béo bão hòa, khiến chúng có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe tim mạch.
Ngoài ra, những người mắc bệnh tiểu đường cũng cần theo dõi chặt chẽ hơn lượng cholesterol trong chế độ ăn uống của họ.
Tất cả thực phẩm ít cholesterol đều tốt?
Không chính xác. Một số thực phẩm có hàm lượng cholesterol thấp lại có hàm lượng chất béo bão hòa và natri cao. Điều này gây ra những hậu quả lớn cho sức khỏe, đặc biệt là đối với sức khỏe tim mạch.
Ngược lại, một số sản phẩm có hàm lượng cholesterol cao như trứng và nội tạng động vật (thận, gan, tim) được coi là tốt cho sức khỏe vì chúng ít chất béo bão hòa và nhiều chất dinh dưỡng.
|
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) đưa ra những khuyến cáo cho người thích ăn thịt nên lựa chọn các loại protein nạc như thịt gia cầm bỏ da, thịt lợn thăn. Ảnh: Serious Eats.
|
Có một số loại thịt hàm lượng cholesterol thấp, ít chất béo bão hòa mà bạn có thể ăn vì chúng không gây hại cho sức khỏe:
- Ức gà là lựa chọn phù hợp vì ít cholesterol và ít chất béo hơn so với các sản phẩm từ thịt bò hoặc thịt lợn. Chỉ có 73 miligram cholesterol trong nửa phần ức gà và ít hơn 1 gram chất béo bão hòa.
- Thịt lợn thăn tốt cho sức khỏe và chứa rất ít chất béo bão hòa. Thực tế, trong một khẩu phần thịt lợn thăn 85 gram chỉ có 62 miligram cholesterol và 1 gram chất béo bão hòa. Các chuyên gia khuyên mọi người nên cắt bỏ lớp mỡ của thịt lợn thăn trước khi nấu.
- Gà tây xay là lựa chọn tuyệt vời vì chỉ có 79 miligram cholesterol và khoảng 2 gram chất béo bão hòa trong mỗi khẩu phần 85 gram thịt. Cách để hạn chế cholesterol không cần thiết trong gà tây là loại bỏ da trước khi ăn, hạn chế dùng dầu ăn để chế biến.
- Bò bít tết: Một số nghiên cứu đã chỉ ra việc hạn chế tiêu thụ thịt và lựa chọn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật có thể giúp ích cho tim. Nếu chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho phép bạn ăn thịt đỏ, hãy thưởng thức bò bít tết vì hàm lượng cholesterol thấp cũng như ít chất béo bão hòa. Theo Eat This Not That, miếng bò bít tết 85 gram chỉ có 65 miligram cholesterol và khoảng 2 gram chất béo bão hòa.
- Thịt bò xay: Trong 115 gram thịt bò xay 95% nạc chỉ có 70 miligram cholesterol và 2,5 gram chất béo bão hòa. Ngoài ra, bạn cũng có thể chọn thịt bò xay 90% nạc với 73 miligram cholesterol và khoảng 4,5 gram chất béo bão hòa.
Muốn ăn uống lành mạnh nhưng hay stress công việc? Muốn tập thể dục đều đặn nhưng hay làm việc trễ? Mục Sức khỏe của Zing giới thiệu một số sách để đồng hành cùng bạn từ phòng gym đến đường chạy, từ văn phòng đến bếp ăn. Tuyển tập này sẽ cung cấp thêm nhiều lựa chọn, và bớt đi một số nỗi lo trên hành trình cân bằng cuộc sống hiện đại.