Bài viết này tôi muốn dành cho người phụ nữ suốt 10 năm qua luôn ở bên cạnh, cùng bố con tôi vượt qua bao nhiêu sóng gió. Thế nhưng tôi chưa một lần đón nhận bà ấy, cũng chưa bao giờ gọi một tiếng mẹ. Bởi vì bà ấy là vợ hai của bố, không phải người đã sinh ra tôi.
Trong kí ức, tôi vẫn còn nhớ về thời nhỏ, gia đình tôi từng hạnh phúc. Khi đó bố mẹ chưa ly hôn. Dưới tôi còn có một thằng em nữa, ít hơn hai tuổi.
Bố tôi hồi đó làm thợ xây, ban ngày hầu như ông ấy đều không ở nhà. Tôi nhớ có một dạo bố mẹ rất hay cãi vã, bố đi khỏi nhà thì thôi nhưng ông về là kiểu gì hai người cũng cãi vã. Mỗi lần thấy như vậy mẹ lại quát tôi: “Đưa em sang bà nội”.
Tôi lại lóc cóc dắt em đi sang bà nội, mách chuyện bố mẹ cãi nhau thì bà chỉ bênh bố thôi, chẳng bao giờ đứng về phía mẹ cả. Không ít lần tôi nhìn thấy bố đánh mẹ, rồi mẹ khóc, khuôn mặt vẫn còn in hằn vết tay của chồng.
Có lúc mẹ ôm hai chị em tôi khóc. Lúc đó tôi cũng còn ngây thơ lắm, chẳng biết an ủi bà thế nào. Thế rồi năm tôi lên 14 tuổi thì bố mẹ chính thức ly hôn. Điều buồn nhất là hai chị em tôi phải tách nhau ra, em trai theo mẹ, còn tôi vẫn ở với bố.
Tôi nhớ thỉnh thoảng mẹ về đưa tôi sang bà ngoại chơi, nhưng hôm sau lại đưa về với ông bà nội. Bố thì vẫn đi làm ngày về ngày không, hôm nào bố không về thì tôi sang ngủ với bà.
Nhiều lúc chán quá, nhớ mẹ nhớ em tôi chỉ biết khóc thôi chẳng làm gì được. Rồi sau đó mẹ cũng chẳng về nữa, vì bà đưa em trai vào tít trong miền Nam làm ăn.
Bỏ nhau được một thời gian thì bố đưa một người đàn bà khác về nhà bắt tôi gọi là mẹ. Vậy nhưng tôi bảo: “Cô có đẻ ra cháu đâu mà làm mẹ cháu”.
Dì ấy mặt đỏ bừng lên rồi bảo: “Không sao, con muốn gọi thế nào cũng được”.
Dì ấy luôn tỏ ra hiền lành, chiều theo mọi ý thích của tôi. Thế nhưng trong mắt tôi thì đó là người đàn bà đã khiến bố mẹ mình phải ra toà, 2 chị em tôi mỗi người một nơi. Vậy nên tôi luôn tỏ ra là đứa cứng đầu cứng cổ, thích chống đối.
Sống chung nhà nhưng tôi chẳng chào hỏi gì bà ấy, buổi tối sang nhà ông bà ăn cơm. Bữa nào phải ngồi ăn cơm chung thì tôi chẳng thèm mời. Có lần bố về, thấy tôi không thèm mời dì ghẻ, ông trừng mắt bảo:
“Ngồi trước mặt người lớn ăn cơm mà mồm mày cất đi đâu đấy”.
Tôi lầm lì không trả lời, thế là bị bố ném nguyên cả bát cơm vào mặt. Lúc đấy mẹ kế vội đứng dậy bảo: “Sao anh lại làm thế với con”.
“Em tránh ra, hôm nay anh phải dạy lại con này”. Bố xông vào định tát tôi nhưng mẹ kế lại cứ chắn đòn, mãi sau ông ấy mới thôi. Sau lần đó tôi chẳng yêu thương mẹ kế hơn mà càng ghét bà ấy.
Bao nhiêu lần bố về, thấy tôi vẫn chống đối vợ mới của ông ấy ra mặt nên cứ bắt tôi phải gọi bà ấy là mẹ. Thế nhưng đối với tôi, chỉ có người sinh ra mình mới là mẹ thôi.
Hôm đó bố chỉ vào mặt tôi bảo: “Mày có biết mở mồm ra gọi một câu mẹ không?”
“Bà đấy không phải mẹ của con, bố đừng có mơ”.
Hôm đấy tôi xác định không thể để bố đánh nữa nên nói xong thì bỏ đi, không để bố bắt được mình. Sau đó tôi chẳng dám về nhà, cũng không về chỗ ông bà nội mà ngồi ngoài quán net, định bụng ngủ qua đêm luôn ngoài quán.
Bao nhiêu lần tôi có ý định bỏ nhà đi, vào trong Nam tìm mẹ với em. Thế nhưng gọi điện thì mẹ đã bỏ số đó rồi, tôi không thể liên lạc được. Có lẽ mẹ cũng muốn bỏ rơi luôn tôi, bắt tôi sống cùng người bố máu lạnh và dì ghẻ suốt đời.
Sau lần thức đêm ngoài quán net, tôi càng thấy hận bố và mẹ hơn. Một người thì bỏ tôi đi, cắt đứt liên lạc, không lời hỏi thăm, một người thì ác cứ về đến nhà là nói chuyện với con gái bằng roi.
Có lần tôi chán quá, nhảy luôn xuống con sông gần nhà, may là nước không siết, các bác các chú đi qua hò nhau xuống vớt tôi lên bờ.
Lúc mẹ kế đến bệnh viện đón, bà nhào vào ôm tôi khóc nức nở. Suốt mấy ngày đó tôi sốt, mệt vì uống nước quá nhiều. Bà ấy nấu cháo giải cảm đút từng miếng cho tôi ăn.
Hôm đó bố cũng về, ông lừ lừ nhìn tôi nói mỗi câu: “Ranh con, vớ va vớ vẩn”.
Sau lần ra viện đó mẹ kế đưa cả con riêng của bà đến sống chung với chúng tôi. Thằng bé trạc tuổi em trai tôi, cũng hiền lành, ngoan ngoãn, nói gì cũng nghe lời. Không nghĩ sau khi đứa em đó xuất hiện, chuyện giữa tôi và mẹ kế lại dần dần được tháo gỡ.
Sau đó tôi mới biết chồng trước của bà ấy bài bạc rồi nghiện hút, phá không biết bao nhiêu tiền của gia đình. Rồi ông ấy bị đi tù 20 năm vì tội buôn đồ cấm. Mẹ kế tôi trông như vậy nhưng rất biết làm ăn, bà buôn bán đất, giúp bố tôi nhiều việc ở công trình.
Sau khi hai người giải quyết hết nợ nần thì xây căn nhà khang trang lên. Có một điều là bố tôi lại rất hợp với bà ấy. Cứ mỗi lần nhìn hai người nhẹ nhàng, thủ thỉ bàn bạc với nhau mọi chuyện mà tôi cảm giác ấm ức, ngứa mắt kinh khủng.
Thế nhưng dần dần tôi cũng quen với cảnh đó. Tôi không chống đối mẹ kế thì bố lại dịu hơn, cũng chăm lo cho tôi với thằng em kia ngang ngửa nhau.
Suốt bao năm sống chung, tôi chưa bao giờ gọi vợ mới của bố là mẹ, lúc thân lắm thì gọi dì thôi. Bà cũng không câu nệ gì hết, thậm chí còn tỏ ra yêu thương tôi. Mỗi lần có việc gì bà đều thủ thỉ, động viên tôi cố gắng vượt qua.
Tôi phải thừa nhận rằng, tôi được như ngày hôm nay, học hết đại học, xin vào làm ở cơ quan đàng hoàng là nhờ công của mẹ kế. Suốt hơn 10 năm nay bà thay bố mẹ tôi, làm tròn bổn phận của bậc phụ huynh đối với con cái mà không đòi hỏi được đền đáp lại.
3 năm trước bố tôi bị biến chứng tiểu đường rồi mất. Thằng em con riêng của dì thì đi du học nước ngoài, chỉ còn tôi với bà ở nhà.
Thỉnh thoảng nhìn mẹ kế đứng bên di ảnh bố, tóc đã điểm sợi bạc, mặt hốc hác mà tôi thấy thương thương. Thế nhưng tôi chưa bao giờ đủ can đảm để gọi bà ấy một tiếng mẹ.
Rồi ngày tôi nói chuyện với bà rằng người yêu ngỏ ý muốn đến nhà nói xin cưới. Bố thì mất rồi, xem bà có đại diện đằng gái được không. Mẹ kế tôi rưng rưng nước mắt bảo: “Được chứ, con cứ hẹn nhà người ta đi, để mẹ sắp xếp”.
Hôm nhà trai lên đặt trầu, mẹ cũng làm 2 mâm cơm thân mật mời mọi người, rồi đứng ra lo liệu mọi việc, bàn bạc về đám cưới của chúng tôi với nhà trai đâu ra đấy.
Chồng tôi còn bảo: “Mẹ anh cứ khen mẹ em hiền, đảm đang lại mến khách”.
Tôi chỉ biết cười thôi, dù sao đó cũng không phải mẹ ruột của mình.
Cho đến hôm cưới, tất cả cỗ bàn, các thứ đều do một tay mẹ kế tôi lo liệu. Các chú thím, anh em bên nội cũng chỉ phụ giúp thôi. Hôm đó, mẹ kế cũng theo xe hoa về đến tận nhà chồng tôi. Lúc tổ chức lễ thành hôn, bà đại diện nhà gái lên sân khấu.
Rồi mẹ run run phát biểu: “Hôm nay con gái lấy chồng, mẹ chẳng có gì nhiều đâu. Mẹ tặng 1 tỷ tiết kiệm với căn nhà mặt đường đã chuẩn bị sẵn cho con để làm hồi môn rồi. Mẹ chỉ mong con gái thật hạnh phúc”.
Nghe mẹ kế nói vậy mà mà tôi nghẹn ngào, nước mắc cứ ứa ra vì cảm động. Hơn 10 năm qua tôi chưa từng gọi một tiếng mẹ. Giữa tôi với bà ấy cũng chẳng có mối liên hệ huyết thống nào, thế nhưng mẹ kế vẫn yêu thương, chăm sóc, coi tôi giống như con ruột của mình vậy.
Món quà hồi môn này chắc bà cũng chuẩn bị sẵn, coi như thay bố trao cho con gái trước khi về nhà chồng. Lúc đó tôi cũng ôm bà ấy thật chặt, nhưng miệng vẫn không thể thốt lên được một lời cảm ơn mẹ bởi vì cái tôi trong lòng vẫn còn lớn quá.
Giờ tôi về nhà chồng rồi, nhưng ngày nào mẹ kế cũng gọi điện xem con gái về đây có được thoải mái không, gia đình chồng đối xử thế nào? Bà còn dặn dò rất cẩn thận: “Nếu buồn, nhớ nhà thì cứ về đây, mẹ đấu đồ ăn ngon cho nhé. Thiếu thốn gì thì cứ nói, cái gì mẹ lo được sẽ lo”.
Nghe giọng nói ấm áp của bà, tôi lại cứ ngỡ đây mới là mẹ ruột của mình. Rất nhiều lần tôi muốn gọi một tiếng mẹ, thế nhưng không hiểu sao lưỡi cứ nhíu lại, chẳng thốt nên lời.
Thôi thì giữa tôi với mẹ kế, không cần cứ phải nói thành lời, mà chúng tôi đã giống như mẹ con ruột thịt rồi, chỉ cần cử chỉ, ánh mắt cũng hiểu nhau.