Những năm gần đây, khoảng tháng 9 đến tháng 10 hàng năm, trên chợ mạng có nhiều địa chỉ rao bán quả nho rừng.
Cây nho rừng thuộc họ dây leo, mọc nhiều ở khu vực rừng ở huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Chúng mọc thành từng chùm, vẻ ngoài rất giống với nho thường nhưng kích thước nhỏ hơn, lúc chín chuyển sang mùa tím rất đẹp mắt.

Quả nho rừng vào mùa khoảng tháng 9 đến tháng 10 hàng năm, được người thành phố tìm mua trong những năm gần đây
Anh Ngọc (ở ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) cho biết quả nho rừng khi chín có vị chua ngọt nhưng vị chua nhiều hơn. Thứ quả này có thể ngâm rượu, ngâm siro hoặc ăn trực tiếp như một loại hoa quả.
"Hoa của cây nho rừng thường nở vào tháng 5, tháng 6, đến tháng 7 là cây bắt đầu cho ra trái và thời gian thu hoạch những quả nho rừng chín mọng là vào tháng 9 đến tháng 10. Ngày trước người dân địa phương vào rừng hái quả nho xanh về làm gia vị cho món canh chua như cá nấu canh chua. Còn quả chín thì ngâm rượu, ngậm giấm.
Chục năm gần đây, nho rừng được người thành phố biết đến, trở thành đặc sản lạ. Nên mỗi khi đến mùa, người dân vào rừng hái nho rừng về bán ở các tuyến đường hoặc bán cho thương lái để chuyển về thành phố. Mỗi ngày có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng", anh Ngọc nói thêm.
Cũng có kinh nghiệm đi hái nho rừng, chị Thương (ở Tri Tôn) chia sẻ: "Nho rừng trước đây có nhiều ở bìa rừng nhưng bây giờ phải đi vào rừng sâu, leo qua mấy ngọn đồi, lội qua vài khe suối sâu mới tìm được. Gặp những dây nho nào còn non xanh thì tuyệt đối không được hái, mà chỉ chọn nho chín có màu tím lịm như sim. Hái làm sao phải giữ nguyên được gốc và thân của dây để cho chúng tiếp tục sinh trưởng, năm sau còn cho ra quả ngọt.

Muốn hái được nho rừng phải đi vào rừng sâu, leo qua mấy ngọn đồi, lội qua vài khe suối sâu mới tìm được.
Những năm được mùa, nho rừng được thương lái thu mua tận nơi với giá 40.000 đồng/kg nhưng cũng không đủ hàng để bán. Công việc hái nho rừng vất vả nhưng vì có thêm thu nhập nên người dân trong làng rủ nhau đi hái mỗi khi đến mùa".
Trên chợ mạng, nho rừng được bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg. Người bán cho biết quả nho rừng nếu mua tận nơi giá khá rẻ nhưng do khó bảo quản và vận chuyển xa nên giá cả tăng lên. Thứ quả này mỏng vỏ, rất dễ bị giập nát nên sau khi hái xong phải đóng gói cẩn thận và cũng chỉ để được trong vòng vài ngày.

So với nho thường, nho rừng có kích thước bé hơn và vị chua hơn nhiều
Với rượi nho rừng, để ngâm ủ nho rừng, thông thường cần khoảng 1kg nho, 250g đường phèn và hơn 1 lít rượu chất lượng. Trước khi ngâm, nho cần được rửa thật sạch và ngâm trong nước muối khoảng 2-3 tiếng để giảm vị chát, sau đó phơi khô trước khi cho vào bình. Nếu bảo quản đúng cách, siro nho rừng có thể giữ được trong cả năm.
Ngoài bán quả tươi, các sản phẩm từ nho rừng như siro hay rượu nho cũng có nhiều địa chỉ rao bán sẵn.