Thất vọng vì "giật" chỉ được gà vịt, trái cây
Theo quan niệm dân gian, rằm tháng 7 hằng năm - thời điểm cửa âm phủ mở ra, các vong hồn chưa siêu thoát có thể trở về dương gian. Người ta tin rằng vào thời gian này, các vong hồn cần được cúng tế đồ ăn để giảm bớt sự khổ ải. Do đó, người dân sẽ làm lễ cúng cô hồn để chia sẻ thức ăn cho người khuất mặt.
Sau khi nén hương sắp tàn, người qua đường có thể "giật" nhằm tạo sự may mắn cho gia đình. Đồng thời, các hộ gia đình cầu mong vong hồn lang thang, vất vưởng sẽ không quấy phá, công việc kinh doanh thuận buồm xuôi gió.
Ở Sài Gòn cứ đến ngày 15/7 âm lịch, các khu phố lại nhộn nhịp, đông đúc người tham gia giật cô hồn. Đặc biệt, đối với các hộ gia đình kinh doanh hàng hoá, phong tục truyền thống được lưu truyền qua nhiều thế hệ, dần trở thành nét văn hoá độc đáo.
Người ta cho rằng mâm cúng càng được giật nhiều và nhanh thì gia chủ càng có phúc lộc trong năm...
Ghi nhận tại đường Phùng Hưng (Quận 8), các nhóm thanh niên trong độ tuổi từ 20-30 đã đứng chờ từ sớm, háo hức tham gia vào lễ giật cô hồn. Hằng năm, con đường này là tụ điểm không thể bỏ qua đối với những người muốn tham gia “bộ môn" giành giật đồ cúng.
Tuy nhiên, năm nay các hộ gia đình quyết định không chọn hình thức rải tiền hay cúng kiếng những món đồ có giá trị. Trái lại, trên mâm cúng các gia chủ chỉ chọn các loại bánh với chi phí thấp, giấy tiền vàng mã, trái cây để bày biện và dâng hương, thực hiện nghi thức tâm linh.
Theo anh Thành Nhân với thâm niên hơn 7 năm tham gia nghi thức giật cô hồn cho biết năm nay do kinh tế khó khăn nên các hộ kinh doanh cúng rất ít, hầu như không rải tiền cho “cô hồn sống”. “Năm ngoái, tôi giật được rất nhiều bánh kẹo, trái cây hay cả thịt gà, thịt vịt. Tôi may mắn kiếm được nửa chỉ vàng, nhiều gia đình sẵn sàng chi chục triệu để thực hiện phần giật cô hồn nhưng năm nay thì không được vậy” - nam thanh niên rầu rĩ tâm sự.
Anh Thành Nhân tiết lộ phong tục này đã tồn tại ở khu Chợ Lớn hơn chục năm nay, nhiều thanh niên trai tráng đến đây để giành giật đồ cúng, chủ yếu để vui trong mùa trăng tròn tháng 7. Tuy nhiên, năm ngoái có những sự cố nghiêm trọng xảy ra nên gia chủ rút kinh nghiệm, không ném tiền từ trên cao, tránh gây mất trật tự công cộng.
Nhiều nhóm thanh niên giật đồ cúng cô hồn chuẩn bị rổ, cây vợt được nối với cây dài đưa lên cao để hứng tiền. Thế nhưng, năm nay họ phải chịu cảnh thất thu vì người dân không còn chọn cách rải tiền để cúng cô hồn.
Còn anh Văn Bi (sống tại Quận 8) cho biết từ sáng đã di chuyển khắp các con đường trong khu Chợ Lớn, thành quả là rất nhiều bánh ngọt và hai con gà: “Lần đầu tiên chứng kiến cảnh tượng các gia đình không hào phóng như mọi năm. Sáng giờ rong ruổi khắp mấy quận khác thì chỉ giật được thức ăn với khoảng 30,000 đồng”.
Nhóm thanh niên hào hứng khoe chiến công sau 1 buổi sáng rong ruổi khắp các đường phố Sài Gòn vào ngày rằm tháng 7.
Người dân lắc đầu ngao ngán, chọn cách khác để cúng bái
Tại một cửa hàng lớn ngay góc đường Phùng Hưng, gia chủ phải nhờ đến sự can thiệp, hỗ trợ của lực lượng chức năng. Khi chủ nhà chỉ vừa đem hoa, đèn và bày biện mâm cúng, một nhóm đông ùn ùn kéo đến bao vây cả ngôi nhà.
Mặc dù, lực lượng chức năng đã cố gắng can ngăn nhưng một số thanh niên vẫn tiến vào bên trong khiến gia chủ bất lực. Tuy nhiên, chỉ vài giây sau đó, họ cũng phải "quay xe" vì gia đình này chọn cách cúng đơn giản, không chuẩn bị tiền mặt để cúng. "Năm nay, gia đình tôi không thực hiện nghi thức như mọi năm vì đám đông náo loạn gây mất trật tự và an ninh. Vì thế, gia đình này chỉ phát quà bao gồm gạo, bánh cho những hoàn cảnh khó khăn" - chủ hộ tâm sự.
Khi thấy gia chủ rục rịch chuẩn bị vật dụng để cúng bái, các thanh niên đã dô thế sẵn sàng, chuẩn bị giật cô hồn.
“Năm nay nhà tôi chỉ cúng trái cây, không rải tiền vì tình hình mọi năm náo loạn, khó kiểm soát nên bản thân gia đình cũng gói gọn nghi thức cúng kiếng. Việc buôn bán kinh doanh ế ẩm nên thực hiện chủ trương tiết kiệm là trên hết", ông Thanh nói.
Người dân sống tại con đường Phùng Hưng khép kín cửa vì cảnh tượng hỗn loạn, ồn ào.
Những gương mặt thất vọng khi chứng kiến một năm thất thu, trắng tay phải ra về sớm hơn mọi năm.
Sau hơn 1 tiếng đứng chờ đợi, đám đông cũng dần thưa thớt. Nhiều thanh niên thể hiện rõ gương mặt thất vọng, chấp nhận ra về vì một năm trắng tay. Trước đây, giật cô hồn thường là trò chơi của trẻ con. Vì vậy, trẻ con thường đợi khi gia chủ cúng xong, sẽ đến tranh giành đồ ăn. Theo quan niệm dân gian, nếu mâm cúng bị "giật" sạch được xem là điều may mắn.
Tuy nhiên, theo thời gian, tục giật cô hồn dần “biến chất”, tình trạng chen lấn, xô đẩy, bất chấp tất cả chỉ để giành những tờ tiền đủ loại mệnh giá “từ trên trời rơi xuống” đã khiến nét văn hoá trở nên thiếu thẩm mỹ và nhận phải nhiều ý kiến trái chiều.