Liên quan đến vụ tai nạn cầu Ghềnh, các bị cáo Trần Văn Thời, Bùi Văn Thuấn, Nguyễn Văn Lương (đều là nhân viên gác chắn cầu Ghềnh), mỗi bị cáo nhận 5 năm 6 tháng tù giam về tội "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Trần Viết Hải nhận 3 năm tù giam cùng về tội trên.
Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Sài Gòn và bị cáo Trần Minh Châu phải liên đới bồi thường cho nguyên đơn dân sự và những người bị hại tổng số tiền gần 1,8 tỉ đồng. Trong đó ông Châu chịu 20%, Công ty TNHH MTV quản lý đường sắt Sài Gòn chịu 80%.
|
Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: A Lộc. |
Theo Hội đồng xét xử, vụ tai nạn đường sắt tại cầu Ghềnh đêm 6-2-2011 làm 2 người chết, 22 người bị thương, hư hỏng một đầu máy xe lửa và 6 ôtô.
Với mức độ như trên, vụ án được xác định là đặc biệt nghiêm trọng. Từ đó, đủ căn cứ kết luận các bị cáo Thời, Thuấn, Lương, Hải đã phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Châu phạm tội cản trở giao thông đường sắt.
Trong vụ án, mặc dù đã được trả hồ sơ nhiều lần, tuy nhiên đến nay cơ quan điều tra vẫn chưa xác định được tình trạng cụ thể của đèn tín hiệu phòng vệ, đèn báo trước vào thời điểm tàu SE2 vào cầu Ghềnh. Do đó, chưa thể xác định tổ lái tàu SE2 có lỗi hay không trong việc điều khiển tàu vào cầu.
Mặc dù Viện KSND TP Biên Hòa đã đình chỉ vụ án đối với các bị can Nguyễn Văn Túy, Nguyễn Xuân Phú và Tô Quang Toán, nhưng HĐXX kiến nghị cơ quan cảnh sát điều tra tiếp tục điều tra làm rõ, tránh bỏ lọt tội phạm.
Bị cáo Trần Minh Châu không thừa nhận hành vi phạm tội và cho rằng bị cáo đã chấp hành yêu cầu lùi xe của nhân viên gác chắn, hậu quả tai nạn không liên quan đến mình. Tuy nhiên, đối chứng các lời khai, HĐXX thấy đủ căn cứ để kết luận bị cáo đã tiếp nhận yêu cầu của nhân viên ngành đường sắt về việc phải lùi xe cho các ôtô đi chiều ngược nhanh chóng qua cầu nhưng không chấp hành ngay, kéo dài thời gian kẹt xe trong lòng cầu làm mức độ thiệt hại của tai nạn trầm trọng hơn.
Các bị cáo Thời, Thuấn, Lương được phân công gác tại hai đầu cầu đã không thực hiện đúng chức trách được giao.
Cụ thể, Thời tự ý bỏ vị trí gác tại chắn số 4, bỏ mặc cho các xe lưu thông theo hướng từ phường Bửu Hòa vào cầu Ghềnh mà không điều tiết. Bị cáo Lương gác tại chắn số 3 không nhận được tín hiệu trả lời từ chắn số 4 do Thời đã bỏ vị trí vẫn cho 5 ô tô đi vào lòng cầu, dẫn đến việc các xe này đối đầu với ôtô đi chiều ngược lại gây kẹt xe trong lòng cầu.
Bị cáo Thuấn trực bên trong nhà chắn số 3 biết rõ Thời bỏ vị trí vào trong nhà chắn là vi phạm quy chế, có thể dẫn tới lòng cầu Ghềnh không thông thoáng nhưng không có biện pháp ngăn cản.
Cả ba bị cáo biết rõ lòng cầu chưa thoáng trong khi tàu SE2 sắp vào và nguy cơ tai nạn rất lớn nhưng không thực hiện các biện pháp khẩn cấp để làm giảm nguy cơ tai nạn.
Hành vi của ba bị cáo là nguyên nhân chính làm cầu không thông thoáng, không đảm bảo an toàn dẫn tới tai nạn thảm khốc khi tàu SE2 vào cầu Ghềnh. Do đó, các bị cáo phải chịu hình phạt ngang nhau.
Bị cáo Trần Viết Hải trực bên trong gác chắn số 3, không thực hiện các biện pháp khẩn cấp theo quy định của ngành đường sắt. Tuy nhiên, mức độ nguy hiểm trong hành vi phạm tội của Hải hạn chế hơn so với ba bị cáo Thời, Lương và Thuấn. Do đó, hình phạt áp dụng cho bị cáo này cũng nhẹ hơn.
Trong khi nghe hội đồng xét xử tuyên án, bị cáo Hải đã ngất tại phiên tòa và được HĐXX cho ngồi nghe án. Các bị cáo bị bắt ngay tại tòa để đảm bảo thi hành án.