Nỗi giằng xé của người mẹ muốn đứa con gái duy nhất phải đền tội

Google News

Bà Vũ Thị Dự dù đau đớn tột cùng, vẫn giữ nguyên quan điểm mong tòa xử phạt mức kịch khung với hai kẻ phạm tội, trong đó có con gái bà. 

Noi giang xe cua nguoi me muon dua con gai duy nhat phai den toi
Đối tượng Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh
Hơn nửa năm sau ngày cháu Minh Minh (3 tuổi) tử vong vì bị mẹ đẻ và bố dượng hành hạ, bà Vũ Thị Dự (trú xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội, bà ngoại cháu Minh) dù đau đớn tột cùng, vẫn giữ nguyên quan điểm mong tòa xử phạt mức kịch khung với hai kẻ phạm tội.
Giằng xé nỗi đau
 Ngày 28/10 tới đây, TAND TP Hà Nội sẽ đưa ra xét xử vụ án Giết người, Tàng trữ trái phép chất ma túy, đối với hai bị cáo là Nguyễn Thị Lan Anh (SN 1991, mẹ ruột cháu Minh Minh) và Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989, trú tại Lê Đại Hành, Hai Bà Trưng, Hà Nội, chồng của Lan Anh).
Cả tháng nay, bà Dự mất ngủ, đôi mắt thâm quầng, mái tóc bạc nhiều hơn. Bà bỏ buôn bán, chẳng thiết tha làm gì ngoài việc thi thoảng lại thắp hương cho cháu ngoại Nguyễn Ngọc Minh Minh (SN 2017), hoặc ra mộ cháu rồi khóc nức nở.
Nỗi đau càng giằng xé khi ở phiên tòa sắp tới, bà là đại diện hợp pháp của Minh Minh - cháu bé 3 tuổi đã bị mẹ đẻ và bố dượng hành hạ đến chết.
Trong khi đó, đứng ở vị trí bị cáo chính là Lan Anh - đứa con duy nhất bà dứt ruột sinh ra, đứa con mà bà từng yêu thương, hy sinh hơn cả bản thân mình. Để quyết định viết và ký vào đơn đề nghị xử lý nghiêm minh nhất con gái và con rể - những đối tượng sát hại dã man cháu ngoại mình, bà đã biết bao đêm thức trắng, khóc tưởng cạn khô dòng nước mắt.
Tự nhận mình là người phụ nữ bất hạnh, bà Dự kể, bà đơn thân nuôi con và do chỉ có mình Lan Anh nên bao nhiêu tình yêu thương, chăm chút, hy sinh, bà dành hết cho con.
Nhưng không thấu hiểu nỗi lòng người mẹ hoặc cũng có thể do bà có phần nuông chiều, Lan Anh sớm vượt khỏi vòng tay mẹ, sa đà yêu đương, không chăm chỉ học hành. Bốn năm trước, Lan Anh về nhà và thông báo với bà đã có thai 6 tháng với một người đàn ông ở Hải Dương nên sẽ làm thủ tục kết hôn.
Nhưng sát ngày rước dâu, Lan Anh bỏ đi khiến họ mạc hai bên tá hỏa đi tìm mà không thấy. Chán nản, chú rể hụt cũng bỏ đi biệt tích. Gần một tuần sau, bà Dự tìm được Lan Anh khi đó đang chuẩn bị phá thai.
“Tôi đã khuyên Lan Anh giữ đứa trẻ lại vì bụng bầu lúc đó đã rất to. Tôi cũng nói con không nuôi được thì để mẹ nuôi. Nhờ đó, cháu Minh Minh chào đời và tôi chăm nuôi cháu từ đó đến gần sát ngày cháu gặp nạn”, bà Dự ầng ậc nước mắt nhớ lại.
Sau đó, Lan Anh lấy người chồng thứ hai là Nguyễn Minh Tuấn (SN 1989) và cùng sống với nhà chồng tại phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Vốn mối quan hệ mẹ con không tốt đẹp nên hầu như Lan Anh và bà Dự không liên lạc gì, Lan Anh cũng không hề có trách nhiệm hay hỏi han gì bé Minh Minh.
Bà Dự là bà ngoại, nhưng đã như mẹ đẻ của Minh Minh từ thủa lọt lòng. Bà coi cháu như điểm tựa tinh thần, như niềm hy vọng sống. Cháu Minh thì cũng chỉ biết có bà, quấn quýt không rời…
Ngày 5/3, Lan Anh xin phép bà Dự đón bé Minh Minh sang nhà chồng chơi. Nghĩ cháu ngoại luôn thèm hơi ấm người mẹ và tin rằng Lan Anh ở cùng gia đình chồng, bà Dự đồng ý.
Ai ngờ, hai tuần ở với mẹ đẻ, cháu bé bị hành hạ liên tục và đỉnh điểm là ngày 29/3, cặp mẹ đẻ - bố dượng này đã bỏ đói, liên tục đánh bằng tay, bằng cán chổi kim loại, lấy kim châm vào người cháu bé dẫn đến sáng 30/3, cháu đã tử vong.
Sáng 22/10, trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Dự vừa khóc vừa trải lòng: “Con gái tôi ác quá, không những giết con gái mình, nó còn vu khống cho tôi rất nhiều để ảnh hưởng đến nhân phẩm đạo đức con người. Hành hạ chết cháu Minh Minh rồi mà nó vẫn không biết ăn năn hối lỗi. Tôi đau đớn tận cùng khi quyết định đề nghị tòa xử mức án nghiêm khắc nhất với con gái ruột của mình. Nhưng chỉ có mức án nghiêm khắc thì mới răn đe được những kẻ bạo hành hay có ý định bạo hành trẻ nhỏ, mới có thể ngăn ngừa những cái chết oan uổng xảy ra với các con”.
Tìm cách đổi đại diện người bị hại
Noi giang xe cua nguoi me muon dua con gai duy nhat phai den toi-Hinh-2
Từ ngày cháu ngoại mất, thỉnh thoảng bà Dự lại mua quần áo, bánh kẹo đem ra mộ bé Minh Minh
Bà Dự cho biết, theo thông báo của TAND TP Hà Nội, tại phiên tòa sắp tới, phía bị cáo thuê 7 luật sư, còn phía bảo vệ quyền lợi bé Minh có hai luật sư tình nguyện, miễn phí là luật sư Nguyễn Anh Thơm và luật sư Nguyễn Thị Hường (Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội).
Không chỉ lo ngại số lượng luật sư của phía bị cáo rất đông, bà Dự cho biết, họ còn tìm cách đổi đại diện người bị hại, đẩy bà ra khỏi vụ án.
Theo đó, phía bị cáo đã tìm được và tiếp cận bố bé Minh Minh, thuyết phục người đàn ông này viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt. Đặc biệt, phía người nhà bị cáo còn đề nghị bố cháu bé rút lại Giấy ủy quyền cho bà ngoại tham gia tố tụng với tư cách đại diện bị hại cháu Minh Minh. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bố cháu Minh Minh không đồng ý.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm xác nhận việc phía bị cáo thuê nhiều luật sư, tìm cách đổi người đại diện hợp pháp cho bị hại. Theo luật sư Thơm, hành vi phạm tội của 2 đối tượng vô cùng tàn ác, mất nhân tính và chắc chắn phải đối mặt án tử hình. Do đó, việc các bị cáo mong muốn thoát án cao nhất là tâm lý bình thường của tội phạm.
“Để có thể bao che, biện luận về hành vi phạm tội nhằm giảm tội thì các tình huống phía bị cáo có thể làm như: Đổ lỗi cho bà ngoại, cháu bé không nghe lời, ảnh hưởng ma túy, không đúng tội Giết người... Ngoài ra, một căn cứ xin giảm nhẹ hình phạt án tử hình có thể được xem xét là có Đơn xin giảm nhẹ hình phạt của đại diện bị hại. Tuy nhiên, ngay từ đầu bà Dự đã có quan điểm xử lý nghiêm các đối tượng, vì vậy phía bị cáo đã tiếp cận bố cháu bé, thuyết phục viết đơn xin giảm nhẹ hình phạt, đề nghị rút lại Giấy ủy quyền cho bà Dự tham gia tố tụng với tư cách đại diện bị hại... Nhưng việc này cũng không thành công bởi bố cháu Minh đã từ chối những yêu cầu trái lương tâm”, luật sư Thơm cho hay.
“Hành vi phạm tội của các đối tượng sẽ phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, luật sư Thơm khẳng định.
Theo Văn Huế/Báo Giao thông

>> xem thêm

Bình luận(0)