Thời gian qua, nhiều phật tử, du khách khi đến khu di tích cấp quốc gia chùa Lôi Âm – hồ Yên Lập (phường Đại Yên, TP. Hạ Long) tỏ ra bất ngờ vì nơi đây xuất hiện một công trình kiến trúc tâm linh mới được gắn biển “Chùa Trình”. Bên trong chùa là những ban thờ đã được đặt tượng và đồ lễ cúng bái.
|
Công trình được cho là "Chùa Trình" tại khu chùa Lôi Âm mọc lên khi không có phép xây dựng. |
Theo những người bán hàng nước khu vực chùa Lôi Âm – hồ Yên Lập, năm 2021- 2022, “Chùa Trình” được xây dựng ở một khu đất dưới tán rừng thông trong khu di tích. Công trình được xây dựng với nền móng kiên cố với kiến trúc rất đẹp.
“Khi chùa đặt tượng và mở cửa, khá nhiều du khách và phật tử đến cúng bái. Nhưng gần đây, không hiểu vì sao mà chùa khóa cửa. Có thể do chùa vẫn chưa hoàn thiện”, người bán nước chia sẻ.
Theo ghi nhận của PV Báo Tri thức và Cuộc sống, nằm cách bến thuyền hồ Yên Lập chừng 80m, men theo con đường bê tông nhỏ sẽ bắt gặp tấm biển “Chùa Trình”. Theo hướng chỉ dẫn, tiếp tục đi vào con đường đất khoảng 10m là thấy rõ ngôi chùa mới “ẩn mình” dưới tán rừng thông rậm rạp, mát mẻ.
Quan sát bằng mắt thường, chùa Trình rộng khoảng 90m2 với mái ngói vuốt cao đậm kiến trúc phật giáo. Tường được xây bằng gạch đỏ, cửa chính được làm bằng gỗ ước chừng dài 8m. Đế và cột chùa được làm bằng đá có tạc hoa văn tinh xảo, đẹp mắt. Phía trước chùa là khoảnh sân đất khá rộng, còn phía sau là khu vực sắp lễ được dựng bằng tôn sắt.
Đặc biệt, bên trong chùa có hai ban thờ và đã được đặt tượng cùng các mâm lễ.
|
Bên trong chùa được lập ban thờ. |
Thời điểm PV Báo Tri thức và Cuộc sống ghi nhận, tìm hiểu về ngôi chùa mới này tại khu di tích cấp quốc gia chùa Lôi Âm – hồ Yên Lập là vào tháng 4/2024. Lúc này, chùa đã trong tình trạng “cửa đóng, then cài” và xung quanh bên ngoài vẫn còn ngổn ngang vật liệu xây dựng.
Ngày 5/4, trao đổi với PV, ông Huynh, Phó Chủ tịch UBND phường Đại Yên cho biết, công trình có tên “Chùa Trình” trong quần thể di tích chùa Lôi Âm xây dựng không phép. Công trình được xây dựng từ năm 2021, đến khoảng tháng 8/2022 thì hoàn thành. Chùa Trình được xây bằng tiền công đức chứ không phải tiền ngân sách nhà nước.
Ông Huynh cũng thông tin, chùa Trình được xây dựng trên nền móng cũ đã có sẵn.
“Sau khi phát hiện tình trạng này, UBND phường đã báo cáo với chính quyền thành phố Hạ Long. Đoàn liên ngành thành phố đã kiểm tra và lập hồ sơ xem xét hướng xử lý”, ông Huynh thông tin.
Tuy nhiên, sư trụ trì chùa Lôi Âm lại cho rằng công trình mới này không do chùa xây và chùa không quản lý.
Theo đó, ngày 8/4, trao đổi qua điện thoại với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, sư trụ trì chùa Lôi Âm Thích Bản Tường cho biết: “Công trình không nằm trong di tích và không nằm trong sổ đỏ của chùa quản lý. Nằm ở ngoài và chắc là do nhân dân xây dựng. Chùa Lôi Âm chỉ từ cổng chùa trở lên, còn đất ở ngoài cổng là của dân”.
Xác định công trình chùa Trình là ngoài sự quản lý của chùa nên thầy Thích Bản Tường từ chối trả lời thêm các vấn đề không liên quan đến chùa Lôi Âm.
|
Trong bảng giới thiệu di tích chùa Lôi Âm không có sự tồn tại của "Chùa Trình". |
Được biết, trong Báo cáo công tác quản lý nhà nước đối với cụm di tích thắng cảnh hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm của UBND phường Đại Yên vào tháng 2/2024, lãnh đạo địa phương này cho biết: Từ năm 2017 đến nay, qua kiểm tra, rà soát các hạng mục trong cụm di tích hồ Yên Lập – chùa Lôi Âm (so với khi di tích được xếp hạng) vẫn giữ nguyên hiện trạng. Trong đó có hạng mục Chùa Trình xây dựng mới trên nền đất cũ. UBND phường phối hợp với phòng TN&MT, phòng QLĐT, Đội kiểm tra trật tự xây dựng và môi trường thành phố tiến hành làm việc với trụ trì chùa Lôi Âm và báo cáo UBND thành phố tại Văn bản số 195/UBND ngày 7/4/2023 về việc báo cáo công trình xây dựng tại khu vực chùa Lôi Âm.
Trường hợp chùa Trình xây dựng không phép, vi phạm về quản lý trật tự xây dựng thì sẽ xử lý thế nào? Tổ chức, cơ quan hay cá nhân nào sẽ phải chịu trách nhiệm?
Chuyên trang du lịch Cổng thông tin điện tử Quảng Ninh từng giới thiệu: Tọa lạc trên núi Linh Thứ, phường Đại Yên (TP Hạ Long), chùa Lôi Âm được xây dựng với thế lưng tựa núi và nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển. Với tuổi đời hơn 700 năm, chùa Lôi Âm cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Quảng Ninh và Việt Nam.
Cụm di tích và danh thắng chùa Lôi Âm mang đậm dấu ấn các thời đại với nhiều giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật. Năm 1997, di tích này đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia.
Qua công tác rà soát, đánh giá của TP Hạ Long, di tích chùa Lôi Âm chưa phát huy được hết giá trị vốn có do cơ sở hạ tầng và công tác quản lý tại di tích còn nhiều bất cập. Cụ thể: Chưa thành lập được BQL di tích với sự tham gia của chính quyền địa phương, việc quản lý các dịch vụ do nhiều đơn vị thực hiện. Tại khu vực lối vào bến đò (từ giáp Quốc lộ 18 rẽ vào) và qua hồ Yên Lập do Công ty CP đầu tư Nguyên Tâm quản lý dịch vụ trông giữ phương tiện, xe điện và dịch vụ đò; khu vực đi bộ từ bến đò lên cổng chùa do UBND phường Đại Yên quản lý; trong khu vực chùa (từ cổng chùa trở vào) do Sư trụ trì Thích Bản Tường quản lý trực tiếp. Công tác vệ sinh môi trường tại lối dẫn vào chùa chưa đảm bảo, rác thải tập kết gây ô nhiễm và mỹ quan. Sản phẩm du lịch vẫn đơn thuần là tham quan, vãn cảnh chùa và chiêm bái chứ chưa có các sản phẩm bổ trợ...
>>> Mời độc giả xem thêm video Sai phạm Công ty gạch không nung Lạng Sơn: