|
Nhiều ngày qua, một số lái xe đã sử dụng tiền lẻ để mua vé qua trạm. |
Pháp luật không cấm
Vừa qua, nhà đầu tư trạm thu phí BOT đường tránh thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) đã trích xuất camera, lập danh sách biển số của 19 xe sử dụng tiền mệnh giá nhỏ mua vé qua trạm, gửi đến cơ quan công an để điều tra, xử lý. Danh sách này chú thích rõ số lần xe qua trạm và số lần sử dụng tiền lẻ để mua vé.
Liên quan tới hành vi dùng tiền lẻ mua vé của các tài xế, các luật sư cho rằng việc sử dụng tiền lẻ hay tiền có mệnh giá nhỏ trong lưu thông, trao đổi hàng hóa là không vi phạm pháp luật.
“Tôi cho rằng việc người dân dùng tiền lẻ để trả phí là việc làm bình thường, đúng quy định của pháp luật. Bởi lẽ, tiền lẻ cũng là tiền do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành căn cứ theo khoản 1, 2 điều 17 Luật Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất phát hành tiền giấy, tiền kim loại của nước Việt Nam. Tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ nước Việt Nam”, luật sư Nguyễn Thạch Thảo (Trưởng Văn phòng luật sư Thạch Thảo, Đoàn luật sư TP.HCM) nêu quan điểm.
Do vậy, theo luật sư Thảo, nếu ai cho rằng hành vi đó là sai thì nhận định đó trái pháp luật. Cụ thể là vi phạm điều cấm ở khoản 3 điều 23 Luật Ngân hàng Nhà nước: “Nghiêm cấm việc từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành”.
Nói về trường hợp đang xảy ra ở trạm thu phí BOT đường tránh thị xã Cai Lậy, luật sư Thảo cho rằng, các tài xế dùng tiền lẻ để trả phí qua trạm là một cách phản đối việc lập trạm thu phí nói trên. Việc phản đối như vậy hoàn toàn đúng quy định của pháp luật. Vấn đề đặt ra trong vụ việc này là phải có giải pháp hợp lý từ phía cơ quan quản lý nhà nước.
“Các xe qua trạm đều đồng loạt thanh toán phí bằng tiền lẻ như thế sẽ dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại khu vực này. Điều đó sẽ kéo theo những thiệt hại về kinh tế, không riêng gì về kinh tế mà còn kéo theo sự ảnh hưởng tới hoạt động của xe cứu thương, cứu hỏa... Việc ghi lại biển số xe, số lần các xe qua trạm và trả bằng tiền lẻ cũng không có giá trị gì”, luật sư Thảo nhận định.
Đồng quan điểm, luật sư Lê Quang Vũ (Phó trưởng Văn phòng luật sư Người Nghèo, Đoàn luật TP.HCM) cho rằng: “Việc thanh toán bằng tiền lẻ trong các giao dịch dù vô tình hay cố ý đều không vi phạm pháp luật. Việc đếm tiền lẻ mất thời gian hơn rất nhiều so với việc đưa tiền lẻ. Do đó, nguyên nhân chính dẫn đến ách tắc giao thông là nhân viên thu phí đếm tiền lẻ lâu, còn nguyên nhân sau xa là do giới tài xế phản ứng việc đặt trạm thu phí không hợp lý”.
Có thể khởi kiện chủ đầu tư BOT
Để giải quyết tình trạng đang xảy ra ở trạm thu phí Cai Lậy, các luật sư cho rằng, trạm thu phí có thể chọn giải nhận tiền lẻ không cần đếm liền để xe qua nhanh hoặc phải xả trạm để giải tỏa ùn tắt giao thông, tuy nhiên đây chỉ những giải pháp ngắn hạn.
|
Tính tới chiều 15/8, các phương tiện được lưu thông tự do, không mất phí khi qua trạm thu phí Cai Lậy. |
Theo luật sư Vũ, BOT là một hình thức kinh doanh mà việc thu phí là để nhà đầu tư thu hồi vốn và lợi nhuận. Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang là tổ chức kinh doanh dịch vụ; còn người tiêu dùng, tài xế là người bỏ tiền để được sử dụng dịch vụ. Ở đây đang có tranh chấp về dân sự thương mại mà chưa thể giải quyết ngay được, thì chính quyền cần can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, chẳng hạn yêu cầu công ty BOT tạm thời xả trạm trong thời gian giải quyết tranh chấp.
“Trường hợp kết quả giải quyết tranh chấp xác định công ty BOT đúng thì thời gian xả trạm sẽ được cộng thêm vào thời hạn thu phí. Nếu làm đúng thì trước sau gì công ty BOT cũng thu được phí chứ không mất đi đâu cả”, luật sư Vũ nói.
Cũng theo luật sư này, khoản 7 điều 8 và điểm b khoản 1 điều 28 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định: Người tiêu dùng khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình; tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng có quyền đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng.
Do đó, nếu không đồng ý với việc thu phí tại trạm thu phí BOT đường tránh Cai Lậy, các tài xế cần liên hệ với Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng tỉnh Tiền Giang để tự mình hoặc yêu cầu hiệp hội khởi kiện Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang ra tòa án, đồng thời yêu cầu tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời buộc Công ty TNHH BOT Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang tạm ngừng thu phí tại trạm Cai Lậy cho đến khi có bản án quyết định của tòa án.