|
Bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành tại phiên tòa sơ thẩm do TAND tỉnh Phú Yên xét xử trong tháng 4/2015 |
Ông Nguyễn Văn Thân, cha bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành (nguyên thiếu úy Công an Tuy Hòa), gửi đơn lên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kêu oan cho con.
Bị cáo Thành là người bị TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt mức án cao nhất trong số năm bị cáo công an phạm tội
“dùng nhục hình” làm chết nghi phạm Ngô Thanh Kiều ngày 13/5/2012 tại Công an TP Tuy Hòa.
Thành bị phạt 8 năm tù (Viện KSND tỉnh Phú Yên đề nghị 7-8 năm tù) vì tòa nhận định chính bị cáo đã dùng gậy cao su đánh vào đầu ông Kiều 2-3 cái làm ông này chấn thương sọ não, là nguyên nhân chính làm ông Kiều tử vong.
Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, Thành đều kêu oan và nói không đánh ông Kiều. Thành bị bắt tạm giam từ đầu năm 2013 và là bị cáo duy nhất trong số sáu bị cáo của vụ án này bị bắt tạm giam.
Trong đơn, ông Thân cảm ơn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan tố tụng trung ương xem xét, xử lý vụ án khách quan, đúng quy định pháp luật sau khi phiên tòa sơ thẩm do TAND TP Tuy Hòa ra bản án bị dư luận và các chuyên gia pháp luật cho là còn bỏ lọt người, lọt tội, chưa đúng với bản chất sự việc.
“Nhưng sự thật lại không được như mong muốn, mà các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm (của TAND tỉnh Phú Yên) đã liên tục vi phạm pháp luật, cố tình buộc tội oan cho con tôi”, ông Thân viết trong đơn.
|
Ông Nguyễn Văn Thân, cha bị cáo Thành, dự phiên tòa xét xử con mình. |
Theo ông Thân, có ba cơ sở để ông kêu oan cho con ông
. Một là các cơ quan tiến hành tố tụng cấp sơ thẩm đã sử dụng, sửa chữa và mớm lời khai bịa đặt của nhân chứng Hà Văn Đại (cán bộ Công an tỉnh Phú Yên) khi nhân chứng này liên tục thay đổi lời khai, nhiều lời khai trước mâu thuẫn với lời khai sau; trong các bút lục lời khai của Đại có hiện tượng viết chèn, viết đè, viết thêm…
Thứ hai, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm cố tình không giám định cơ chế hình thành thương tích trên đầu nạn nhân, trong đó có cơ chế tụ máu bán cầu đại não của nạn nhân, cho dù luật sư, bị cáo Thành và gia đình nạn nhân nhiều lần yêu cầu.
Thứ ba, ông Thân cho rằng có hiện tượng tráo đổi mẫu giám định vi thể của nạn nhân Ngô Thanh Kiều, bởi lẽ đại diện Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên tại tòa nói rằng đã làm đúng quy trình thu, bảo quản mẫu nhưng vẫn có hai mẫu bị hoại tử. Cơ quan chức năng đã không điều tra nguyên nhân các mẫu này bị hoại tử. Hơn nữa, toàn bộ những mẫu bị hoại tử lại hết sức nhạy cảm thì không có bản ảnh vi thể trong hồ sơ; có đến ba loại biên bản thu mẫu, thậm chí có cái được photo, nhân bản, để trong hồ sơ.
Sau khi TAND tỉnh Phú Yên tuyên án, đại diện cha mẹ và bản thân vợ ông Ngô Thanh Kiều đã làm đơn kháng án sơ thẩm; bị cáo Nguyễn Thân Thảo Thành cũng kháng cáo toàn bộ bản án này.
Theo hồ sơ vụ án, nghi ông Kiều trộm cắp, ngày 13/5/2012, các sĩ quan công an gồm: Nguyễn Thân Thảo Thành, Nguyễn Minh Quyền, Phạm Ngọc Mẫn, Nguyễn Tấn Quang, Đỗ Như Huy đã dùng dùi cui cao su đánh hàng chục cái lên người ông này tại trụ sở Công an TP Tuy Hòa. Hậu quả, ông Kiều chết vào chiều tối cùng ngày; giám định pháp y kết luận nạn nhân có 63 vết thương trên người, trong đó có ba vết ở vùng đầu gây chấn thương sọ não, là nguyên nhân chính dẫn đến tử vong. Các bị cáo trên bị Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao truy tố tội “dùng nhục hình”.
Bị cáo Lê Đức Hoàn là phó trưởng Công an TP Tuy Hòa, phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Công an TP Tuy Hòa, trưởng ban chuyên án 312T, có mặt tại cơ quan trong khi các bị cáo dùng nhục hình đối với ông Kiều nhưng không phát hiện vụ việc, bị truy tố tội “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Vụ án được TAND TP Tuy Hòa xử sơ thẩm hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4/2014, nhưng sau đó bị TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm tuyên hủy toàn bộ án sơ thẩm vì cho rằng cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, có dấu hiệu bỏ lọt người, lọt tội.
Phiên sơ thẩm lần hai do chính TAND tỉnh Phú Yên xét xử từ ngày 7 đến ngày 15/4, tuyên phạt Thành 8 năm tù, Quyền: 2 năm 6 tháng tù, Mẫn: 2 năm 3 tháng tù, Quang: 2 năm tù.
Riêng bị cáo Huy được chuyển khung hình phạt từ khoản 3 xuống khoản 1 của điều luật về tội “dùng nhục hình” vì tòa cho rằng Huy không tiếp thu ý chí phạm tội như bốn bị cáo đã nêu, mà phạm tội độc lập nên chỉ bị tuyên 1 năm tù cho hưởng án treo.
Bị cáo Lê Đức Hoàn bị phạt 9 tháng tù nhưng cho hưởng án treo vì có nhiều thành tích, cống hiến trong quá trình công tác.