34 ngư dân trên tàu bấu víu thuyền thúng và thân tàu, chiến đấu giành giật mạng sống với tử thần đến 7 giờ sáng 4/5, khi được tàu bạn vớt.
16 giờ 30 chiều 5/5, người thân, chính quyền các cấp như vỡ òa trong sung sướng đón 34 ngư dân từ cõi chết trở về.
Mệnh lệnh: Phải sống để tố cáo tội ác!
34 ngư dân, dẫn đầu là thuyền trưởng Phạm Phú Thành mệt mỏi bước lên bờ. Nhưng giọt nước mắt của người thân đã cạn trong mấy ngày chờ đợi, giờ lại tuôn rơi.
|
Ngư dân trên tàu cá bị đâm chìm về tới đất liền chiều 5/5. Ảnh: ĐT
|
Thuyền trưởng Thành có lẽ sẽ không bao giờ quên được thời khắc kinh hoàng nhất cuộc đời mình: “Lúc đó khoảng 23 giờ đêm, trên tàu chỉ còn lại 3 người gồm tui, con trai Phạm Phú Nhân và cháu Võ Thanh Phương. Các ngư dân khác đã đi theo thúng thả câu đằng xa. Đây là may mắn của chúng tôi. Nó mà đâm sớm hơn độ tiếng đồng hồ, cầm chắc nhiều người chết”. Thước phim trong đêm tối được tua lại bằng chất giọng khàn đục của người đàn ông vâm vấp xứ biển Bình Minh: “Tui đang cầm bộ đàm liên lạc với anh em, thì nghe một cái rầm. Tàu xoay ngang, hất tui ngã nhào xuống ghế lái. Nước tràn vào ào ạt. Tui biết ngay là tàu bị đâm nên hít thở, tỉnh táo trở lại kêu gào 2 đứa Nhân và Phương. Xong đâu đấy cầm bộ đàm, hét lên thông báo với tất cả anh em thuyền viên đang thả câu: Tàu bị đâm rồi, về ngay cấp cứu”.
Phạm Phú Nhân, mặt vẫn còn vương máu, sợ hãi kể: "Cú đâm làm em bất tỉnh. Mãi sau mới gượng dậy được để tìm cha. Lúc đó hoảng thật sự”.
Bản lĩnh thuyền trưởng của anh Thành, người đàn ông hơn 35 năm chinh chiến Hoàng Sa được thể hiện. 2 thuyền viên Nhân và Phương nghe lời anh, bấu víu vào phần nổi con tàu đang dần bị chìm, chờ thúng tới cứu.
Ngư dân già Hồ Hữu kể: Thúng tui lúc đó đi xa nhất, chừng 10 hải lý, đang thả câu thì nghe Thành nói tàu bị đâm. Lập tức quay về tàu. Ông Hữu cho biết, gần 1 giờ sáng, phải mất nhiều thời gian anh em mới quay lại tàu, lúc này tàu chỉ còn nổi một phần, mũi tàu cũng đang chìm. Anh Thành cho biết, trong thời khắc chờ thúng về, tàu chìm rất nhanh. 3 người bám phần mũi, nhắc nhở nhau rằng, cần phải sống. “Tui nói với 2 đứa: phải sống. Sống để còn trở về tố cáo tội ác của chúng”.
Anh Thành cho biết đó là cú cố tình đâm của tàu lạ bởi tàu anh khi neo đậu, bật đèn sáng trưng. Hơn nữa các thiết bị định vị, báo hiệu khi trên biển đều cho biết, không lý do gì để xem đây là vụ tai nạn. “Phải nói rằng họ cố tình giết người” – anh Thành khẳng định.
Sau hơn 1 giờ bám trụ thân tàu, nhiều thúng đã quây lại. Từ đây, họ bắt đầu hành trình đói lạnh quay quắt giữa đêm đen Hoàng Sa, ngóng chờ hy vọng. Khoảng 7 giờ sáng hôm sau (4/5), tàu QNa 94998 tới vớt mọi người lên. Những cơ thể rã rời thoát chết!
Thuyền trưởng tàu cứu nạn SAR 412 Phan Xuân Sơn cho rằng, đây chính xác là tội ác giết người. “Đâm chìm xong rồi bỏ chạy, thủ đoạn vừa bất nhân vừa hèn hạ” – anh Sơn khẳng định!
Trắng tay ngày về
34 ngư dân trên tàu, đa phần là những ngư dân dạn dày Hoàng Sa với hơn 15 năm đi biển. Đây là lần thứ 2, họ thoát chết ngoạn mục. Cách đây 10 năm, họ cũng vương nạn cơn bão Chan Chu (2006) và trắng tay trở về. Lần này, họ cũng trắng tay, nhưng vì tội ác của một con tàu lạ.
Chị Trần Thị Định, vợ ngư dân Bùi Văn Khá (thuyền viên tàu ĐNa 95959) khóc tức tưởi: “Chúng nó ác quá, dân làm ăn chứ làm chi ai mà đâm cho chìm tàu rứa. Ra tết mới sắm được bộ đồ nghề cho ổng đi câu mực hết hơn 30 triệu giờ đổ biển mất rồi…”.
Chị Bùi Thị Luận (trú xã Bình Minh, huyện Thăng Bình), vợ chủ tàu QNa 95959 cho hay, con tàu của gia đình chị được đóng với chi phí 6 tỷ đồng. Tổng cả thiệt hại của ngư dân và hải sản trên tàu ước tính khoảng 10 tỷ đồng. Để có được con tàu này, gia đình đã vay mượn ngân hàng và bà con hơn 2,5 tỷ đồng. Hiện vẫn còn nợ ngân hàng gần 1 tỷ đồng.
“Vào tối 3/5, anh Thành có điện về cho tôi nói rằng, trên tàu đã đánh bắt được khoảng 28 tấn mực (tương đương 1,5 tỷ đồng). Nghe nói vậy, tôi an tâm và mừng cho anh em bạn, vì đây là chuyến biển đầu tiên của năm. Ai ngờ, tin vui bị dập tắt vào sáng 4/5, khi anh Phạm Phú Trung (cùng trú xã Bình Mình) chủ tàu cá QNa-94998TS điện về cho tôi nói rằng, tàu anh Thành bị tàu lạ đâm chìm trên biển, tôi như chết điếng...”-chị Luận nói.
Ông Nguyễn Hồng Quang – Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Sau khi nhận thông tin về tàu cá của tỉnh bị đâm chìm, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu Bộ đội Biên phòng tỉnh thông tin cho các ngư dân khu vực lân cận và các lực lượng chức năng tìm mọi cách cứu hộ ngư dân. Tỉnh đang kiểm tra lại thông tin chính thức để có báo cáo và nêu chính thức quan điểm. Việc tàu lạ đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Nam là một hành động vô nhân đạo, không những gây thêm tình hình căng thẳng ở Biển Đông mà còn gây thiệt hại nặng cho ngư dân Việt đánh bắt thủy hải sản trên chính vùng biển của Việt Nam”.