Thông thông tin từ Cục An toàn thực phẩm (ATTP) cho biết, mới đây Chi cục An toàn thực phẩm Quảng Nam đã có công văn yêu cầu các TT Y tế, Phòng Y tế các huyện, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam nhằm tăng cường kiểm tra việc quảng cáo các sản phẩm được chiết xuất từ nấm lim xanh.
Theo Chi cục ATTP Quảng Nam, những năm gần đây, nấm lim xanh được hiểu sai là chữa bách bệnh, tuy nhiên chưa có chứng khoa học rõ ràng về tác dụng chữa bệnh của sản phẩm này.
Đồng thời, Chi cục ATTP Quảng Nam cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có Công ty TNHH Nấm Nguyễn Hoa thực hiện công bố hợp quy đối với sản phẩm nấm lim xanh là nguyên liệu thực phẩm tại Cục ATTP, Bộ Y tế và Công ty TNHH MTV Tiên Phước có đăng kí kinh doanh và công bố nấm lim xanh là nguyên liệu thực phẩm.
|
Nấm lim xanh. Ảnh minh họa/nguồn:Internet |
Tuy nhiên, các cơ sở chỉ công bố nấm lim xanh là nguyên liệu thực phẩm chứ không công bố về tác dụng hỗ trợ chức năng của cơ thể đối với sản phẩm này. Vì vậy, nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã ghi thông tin trên bảng hiệu quảng cáo là “Nâm lim xanh có tác dụng chữa nhiều bệnh, kể cả bệnh ung thư” là vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm tại Thông tư 08/2013/TT-BYT ngày 13/3/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn về việc quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động này, Chi Cục ATTP đã phối hợp với phòng Y tế, TT Y tế, phòng Văn hóa- Thông tin huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Quảng Nam thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành thanh- kiểm tra các cơ sở kinh doanh sản phẩm nấm lim xanh trên địa bàn và yêu cầu các cơ sở kinh doanh phải quảng cáo sản phẩm theo đúng như nội dung công bố.
Trên thực tế, không chỉ có riêng ở Quảng Nam mà rất nhiều địa phương khác, thậm chí là cả trên những trang mạng xã hội, trên những Website đang quảng cáo rất rầm rộ về những tác dụng “thần kỳ” của loại nấm này.
Trên website namli…tunhien.vn quảng cáo rằng, nấm lim xanh có nhiều tác dụng và chia thành hai nhóm chính, trong đó có tác dụng: “Hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị ung thư (các dạng ung thư và u, bướu); xơ gan, gan nhiễm mỡ; phì đại tiền liệt tuyến; phục hồi tai biến mạch máu não sau đột quỵ; chữa bệnh gout (bệnh gút) hay còn gọi là bệnh thống phong; viêm khớp, đau nhức khớp; tiểu đường (đái tháo đường); đau dạ dày, đại tràng…v…v…”.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của nhiều nhà khoa học Viện Dược liệu đều khẳng định: loại nấm này có tác dụng bồi bổ cường tráng, giúp khí huyết lưu thông, làm tăng sức cho tế bào hấp thụ ôxy tốt hơn... Nó có công dụng trị suy nhược thần kinh, chóng mặt, mất ngủ; các bệnh viêm gan, viêm khí quản mạn tính, huyết áp cao; đau dạ dày, chán ăn, thấp khớp, thống phong...
Còn PGS-TS Nguyễn Thị Chính, công tác tại Trường đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) được mệnh danh là "Bà chúa nấm linh chi" cho hay, trong số loài nấm mọc trên cây lim xanh, có nấm linh chi, giá trị dược liệu cao. Song, nấm lim mọc trong tự nhiên có hoạt tính dược liệu nhiều hay ít còn tùy thuộc vào khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng.
Như vậy có thể thấy rằng trong các tài liệu nghiên cứu về loại nấm này, các nhà khoa học đều không hề đề cập đến việc hỗ trợ và điều trị bất kỳ bệnh ung thư nào như những lời quảng cáo trên mạng internet cũng như của các cơ sở bán loại nấm này.