Ngay từ đợt nghỉ lễ 2/9, tại các điểm vui chơi, trung tâm thương mại của Hà Nội đã xuất hiện những người đau mắt đỏ. Các ca mắc cũng tiếp tục tăng lên trong dịp khai giảng, trung thu... khi đường phố và nơi công cộng tập trung đông người. Tại các trường học, công sở, rải rác có những người phải nghỉ học, nghỉ làm vì đau mắt và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn, ngày càng tăng.
Theo bác sĩ Hoàng Cương, Trường khoa Khám bệnh, Bệnh viện Mắt Trung ương, số bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ tăng mạnh những ngày gần đây. Tháng 9 cũng là thời điểm bệnh này thường phát triển mạnh. Trong mùa đau mắt đỏ năm ngoái, dịch kéo dài từ tháng 7 đến tận tháng 11.
|
Bác sĩ Hoàng Cương đang khám bệnh đau mắt đỏ cho bệnh nhân. |
Đau mắt đỏ do
vi rút thuộc nhóm Adenos gây bệnh đã được biết đến từ lâu. Vius còn được chia thành mấy chục loại dựa thep type huyết thanh. Phổ biến ở Nhật Bản là chủng huyết thanh HAdV 8 và 54. Các nước châu Á khác tuy đều có bệnh đau mắt đỏ nhưng không có nghiên cứu và công bố nào. Bệnh lây qua 3 đường chính: hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt, quan hệ vợ chồng.
Tuy đây là căn bệnh lành tính, nhưng mắc bệnh đau mắt đỏ gây thiệt hại cả về tài chính, thời gian và sức khỏe của người bệnh. Gây lo lắng, phiền hà và có thể là bệnh tật nữa cho người thân, gia đình và cộng đồng.
“Chúng ta thử nhẩm tính một đợt đau mắt dịch trong một gia đình qui mô trung bình- 4 người sẽ chi phí khoảng 1 triệu tiền thuốc, nghỉ học nghỉ làm khoảng 4 tuần. Như vậy, thiệt hại là không hề nhỏ”. BS Cương cho biết.
Còn theo TS.BS Phạm Ngọc Đông, Trường khoa Kết giác mạc - Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện nay không ít người chủ quan với bệnh đau mắt đỏ. Khi mắc bệnh thường tự đi mua thuốc về điều trị, như vậy là rất nguy hiểm.
“Nếu tự ý mua thuốc, không có chỉ định của bác sĩ thì rất nguy hiểm, nó có thể để lại những hậu quả trước mắt và lâu dài như có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa. Bên cạnh đó là viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và gây vô số phiền toái cho bệnh nhân”, bác sĩ TS Đông cho biết.
|
Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội Trịnh Bích Ngọc. |
Cũng theo bác sĩ Đông, nhiều người cho rằng, người không bị đau mắt đỏ nhìn vào mắt người bị đau mắt đỏ sẽ bị lây bênh là không đúng. Theo đó, bệnh lây chủ yếu qua đường tiếp xúc, trong đó việc không tuân thủ vệ sinh cá nhân hoặc dùng chung đồ dùng cá nhân là chủ yếu.
“Nếu chỉ nhìn vào bệnh nhân đau mắt đỏ mà bị lây thì các bác sĩ chuyên khoa mắt, khám cho người bị đau mắt đỏ ai cũng mắc bệnh hết”, TS. BS Phạm Ngọc Đông cho biết.
Để phòng chống bệnh đau mắt đỏ, TS.BS Trịnh Bích Ngọc, Phó giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội cho biết, vệ sinh cá nhân, tuân thủ chỉ dẫn của bác sĩ là điều quan trọng nhất.
Còn trong điều trị, việc dùng thuốc cũng hết sức phải lưu ý, nhất là thuốc
kháng sinh. “Loại bệnh này hiện chưa có thuốc hoặc vắc xin điều trị nên việc người dân ra quầy thuốc tự ý mua là hết sức nguy hiểm, mỗi nơi bán một kiểu khác nhau. Điều này sẽ gây tổn hại rất lớn đến mắt”, TS Ngọc cho biết.
Chính vì thế, việc đến bác sĩ chuyên khoa khám để kê đơn tùy vào cơ địa và bệnh lý về mắt của mỗi người là hết sức quan trọng.