Tạo hình nàng Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du ra sao đang là vấn đề gây tranh cãi trong giới họa sĩ và các nhà nghiên cứu.
Tạo hình nàng Kiều trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du ra sao đang là vấn đề gây tranh cãi trong giới họa sĩ và các nhà nghiên cứu.
Trước ý kiến cho rằng nàng Kiều phải được vẽ trong trang phục của đời Minh – Trung Quốc, đã có họa sĩ cho rằng vẽ như vậy là minh họa cho sử Tàu và xúc phạm nghệ sĩ, bôi nhọ văn hóa Việt.
Không chỉ dừng lại ở vấn đề trang phục và vẻ đẹp của Kiều, họa sĩ Trần Khánh Chương khẳng định, đây là vấn đề tự tôn dân tộc.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu "đấu khẩu"
Sáng 21/6, Trung tâm dịch thuật, dịch vụ văn hóa và khoa học công nghệ (CTCS) đã mở hội nghị Phác thảo vẽ tranh nàng Kiều dựa theo tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du, để xin ý kiến lấy làm căn cứ làm lịch nghệ thuật và sách. Tham gia Hội nghị có các nhà nghiên cứu, họa sĩ các thế hệ, đặc biệt là các họa sĩ lão thành như Lê Lam, Mai Long, Khánh Chương, Phạm Công Thành, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ... Riêng bộ lịch nghệ thuật 24 bức có kích thước lớn là 1,2mx0,45m được quan tâm hơn cả.
Ông Hoàng Điệp, Giám đốc Trung tâm, đặt vấn đề: Từ khoảng gần giữa thế kỷ 20, nhiều họa sĩ trường Mỹ thuật Đông Dương đã sáng tác nhiều hình tượng về nàng Kiều, trong đó có cả Kiều ăn vận áo mớ ba mớ bảy của cô gái Bắc Ninh hoặc các cô gái tân thời.
 |
Hình ảnh Thúy Kiều do Mộng Tuyền thủ vai. |
Bởi vậy, dựa trên câu thơ ở đầu Truyện Kiều “Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh”, ông Hoàng Điệp đề xuất vẽ nàng Kiều ở bối cảnh Trung Nguyên – Trung Quốc thời xưa. Ông cũng cho rằng không thể tránh được yếu tố Trung Quốc, vì bối cảnh liên quan nhiều đến địa danh Trung Quốc, chẳng hạn sông Tiền Đường. Đề xuất này đã khiến hội nghị “nóng” lên với những phản biện, bàn luận.
Cho là “dở hơi” nếu minh họa sử Tàu, họa sĩ Phạm Công Thành khẳng định: “Đọc truyện Kiều, chúng ta chỉ thấy nàng Kiều là một cô gái Việt Nam. Nếu vẽ nàng Kiều mặc trang phục Trung Quốc ở triều Minh là tức là minh họa cho Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhân, vậy thì làm để làm gì?”.
 |
Hội nghị Phác thảo vẽ tranh nàng Kiều dựa theo tác phẩm Truyện Kiều. |
Đã nhiều năm nghiên cứu về Kiều nên họa sĩ Phạm Công Thành không thừa nhận yếu tố Tàu trong Truyện Kiều. Ông cũng nhấn mạnh: không có câu thơ nào miêu tả vẻ đẹp Kiều giống người Trung Quốc ở triều Minh. Ông bảo vệ ý kiến vẽ Kiều thuần Việt và: “nếu bảo tôi vẽ Kiều giống người Trung Quốc thì xúc phạm tôi quá, không bao giờ tôi làm vì như vậy là bôi nhọ cụ Nguyễn Du và ngôn ngữ văn chương Việt”.
Họa sĩ Thành lấy dẫn chứng: Chuyện Hamlet xảy ra ở Đan Mạch, Romeo và Juliet thì ở Italia, nhưng Shakespears vẫn xây dựng các nhân vật và bối cảnh mang đậm hình ảnh của nước Anh. Ông cũng kể thêm, một bức họa nổi tiếng thời kỳ Phục Hưng vẽ chúa Jesus theo đúng vẻ đẹp của Ý và mặc trang phục của Ý, mà chúa có phải người Ý đâu, vậy mà bức tranh ấy có giá trị suốt 500 năm nay.
 |
Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa. |
Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN, họa sĩ Khánh Chương cũng sốc trước đề xuất vẽ nàng Kiều giống người Tàu. Ông cho rằng mục tiêu hàng đầu là phải thể hiện được hình ảnh nàng Kiều cổ xưa trong lòng người Việt Nam và họa sĩ Việt Nam. Ông cũng lưu ý, lịch và sách nhắm đến đối tượng khách nước ngoài và Việt Kiều, mà những người này lại thích những yếu tố mang đặc trưng của riêng Việt Nam.
Về một mặt nào đó, có thể Truyện Kiều là “con lai”, nhưng họa sĩ Trương Thảo cho rằng tác phẩm của Nguyễn Du đã được công nhận là tầm cỡ thế giới, mang hồn cốt nước Việt. Do vậy, theo ông, yếu tố văn hóa Việt Nam cần phải được làm rõ khi vẽ Kiều.
Vẽ nàng Kiều theo trường phái trừu tượng?
Là người từng nhiều lần vẽ Kiều, nên lão họa sĩ Mai Long rất ưu tư trước dự án lớn này. Ông chung quan điểm với họa sĩ Phạm Công Thành khi đặt vấn đề dân tộc và giá trị Nguyễn Du lên hàng đầu.
Lão họa sĩ Lê Lam, người từng đi sâu nghiên cứu và vẽ nhiều bức minh họa cho cuốn truyện Kiều xuất bản năm 1972, nhấn mạnh: sáng kiến in lịch tranh nghệ thuật Kiều là một việc lớn của đất nước. “Vẽ kiểu gì ra Kiều cũng được, miễn là đẹp. Quần áo triều nào, theo tôi chỉ là vụn vặt, mà làm thế nào vẽ Kiều cho Việt Nam, tiêu biểu cho giòng giống chúng ta. Nguyễn Du là ông tổ tâm hồn của người Việt, vì vậy chúng ta phải sáng tác nhiều tranh, tượng về Nguyễn Du và truyện Kiều”, ông nói.
 |
Thúy Kiều |
Tuy vậy, vẫn có ý kiến ủng hộ ông Hoàng Điệp, họa sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng muốn sáng tạo kiểu gì cũng phải có ít nhiều liên quan đến bối cảnh năm Gia Tĩnh triều Minh, tức là thời điểm thế kỉ khoảng 13-15. Nhà nghiên cứu trang phục Trịnh Quang Vũ cùng quan điểm: “Muốn gì cũng phải mang hơi hướng cổ và triều Minh Trung Quốc!”.
Trước băn khoăn về tính niên đại lịch sử và bối cảnh xã hội để quy chiếu ra trang phục nàng Kiều, họa sĩ Mai Long phải lên tiếng: Chúng ta làm nghệ thuật chứ không phải là các nhà sử học, khảo cổ học, dân tộc học. Bởi vậy, họa sĩ Lê Lam và Mai Long thống nhất nên đa dạng các trường phái, khuynh hướng thể hiện, kể cả vẽ theo kiểu mô-đéc, miễn là người xem cảm nhận được.
Từng tham khảo ý kiến của các kiều bào Mỹ, ông Hoàng Điệp cũng thừa nhận, bà con xa Tổ quốc luôn có nhu cầu muốn mua tác phẩm có hồn dân tộc bởi tác phẩm Tây thì họ quá quen, đi triển lãm và bảo tàng như đi chợ. Bởi vậy, ông ghi nhận tất cả những ý kiến đóng góp.
Tác giả của ý tưởng làm lịch nghệ thuật Kiều, bà Đoàn Thị Lam Luyến phân tích: Lịch Kiều nếu thành công sẽ đi vào đời sống văn hóa Việt, không phải lo chuyện phát hành. BTC sẽ nghiên cứu lại, làm đề cương kĩ hơn, tổng hợp ý kiến để gửi đến các họa sĩ và các nhà nghiên cứu. “Chúng ta phải coi đây là một công trình văn hóa, dù là tự phát, tự chi trả, không có ai tài trợ. Hiện giờ, chúng tôi mới chỉ bàn về chủ trương mà chưa đi vào chi tiết. Chúng tôi xác định dục tốc bất đạt, không vội vàng và sẽ làm một trang web để trưng cầu ý kiến”, bà Lam Luyến nói.
(Theo Đất Việt)