Giảm mua sắm, tiếp khách... để tăng lương

Google News

"Việc tăng lương theo đúng lộ trình là cần thiết để đảm bảo đời sống người dân"- PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Ủy ban Kinh tế Quốc hội.

- "Việc tăng lương theo đúng lộ trình là cần thiết để đảm bảo đời sống người dân". PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Ủy ban Kinh tế Quốc hội bày tỏ quan điểm như vậy khi trò chuyện với phóng viên.

Ngày 22/11, các đại biểu Quốc hội sẽ tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đến thời điểm này, vẫn chưa chốt thời điểm áp dụng. Theo phân tích của Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội thì nếu có hiệu lực 1/1/2014 thì sẽ giảm thu khoảng 13.000 tỷ đồng còn từ 1/7/2013 có hiệu lực thì chỉ giảm ít hơn. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc cân đối ngân sách để chi cho an sinh xã hội, nguồn tăng lương thì hợp lý hơn vẫn là nên có hiệu lực từ 1/7/2013.
Việc lùi thời điểm tăng lương lần này khiến nhiều người dân khá hẫng hụt, quan điểm của ông như thế nào?

Hiện nay, quan điểm cá nhân của tôi thì tôi ủng hộ việc điều chỉnh tiền lương theo kế hoạch mà chúng ta đã lên trước đây. Nghĩa là vào tháng 5/2013 phải tiến hành tăng lương. Quá trình cải cách tiền lương đã có lộ trình thì không nên trì hoãn. Nên tiết kiệm các khoản chi khác để tăng lương.

Vì sao lại phải đặt ra vấn đề tăng lương thời điểm này thưa ông?

Vì thu nhập của người lao động hiện nay, đặc biệt là những người công nhân, công chức viên chức, người hưởng lương hưu, giáo viên, y tá... đang rất thấp. Việc điều chỉnh là cần thiết để đảm bảo đời sống người dân.

Ông vừa nói có thể tiết kiệm các khoản chi khác để tăng lương. Là một người làm trong hệ thống cơ quan nhà nước, ông thấy những khoản nào chúng ta đang chi lãng phí?

Có thể tiết kiệm những khoản chi như mua sắm công, chi tiếp khách, lễ hội, họp hành... Hoặc có thể hạn chế việc đi công tác ở nước ngoài để tiết kiệm chi phí. Tất cả những cái đó đều có thể làm được.

Theo ông, nếu thực hiện triệt để, ta có tính toán là sẽ tiết kiệm được bao nhiêu không?

Cái này thì rất khó nói, nhưng với việc siết chặt chi tiêu công, thực hiện tiết kiệm triệt để, thì ta hoàn toàn có điều kiện để tăng lương cho người lao động.

Có tích lũy mới phải nộp thuế

Ông thấy điều chỉnh mức chịu thuế thu nhập cá nhân 9 triệu đồng/tháng đã phù hợp?

Theo tôi thì mức điều chỉnh lần này phù hợp với bối cảnh hiện nay. Nhất là mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thế được nâng lên từ 4 - 9 triệu đồng/tháng. Kể cả giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc từ 1,6 - 3,6 triệu đồng/tháng. Như vậy, người có thu nhập cao sẽ tiêu dùng nhiều hơn. Thời điểm này là lúc tiêu dùng nhiều sẽ kích thích hỗ trợ cho nền kinh tế. Nó hỗ trợ được bài toán hàng tồn kho cho nền kinh tế. Đó là ý nghĩa lớn nhất. Hơn nữa, lần này có bổ sung thêm trong trường hợp chỉ số giá cả tăng 20% từ thời điểm điều chỉnh thì sẽ lại tiếp tục điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.

Mức phải đóng thuế thu nhập cá nhân có thể được hiểu là những người có thu nhập cao trong xã hội phải đóng thuế không ạ?

Những người có thu nhập phải chịu thuế nghĩa là thu nhập đó phải có tích lũy. Theo tính toán thì thời điểm này, thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng là sẽ có tích lũy.

Theo ông, tính toán đó liệu có cơ sở thực tế không, trong khi giá cả các mặt hàng ngày một tăng, để duy trì đời sống ở mức tối thiểu, đa số người dân phải thực hiện chiến dịch tiết kiệm triệt để?

Có thể có tích lũy với mức thu nhập 9 triệu đồng/tháng. Vấn đề là trong cơ cấu chi tiêu của người đó như thế nào, vấn đề là nơi cư ngụ của người đó ở đâu. Việc chi tiêu ở các địa phương là rất khác nhau.

Giả sử là một người dân sống ở Hà Nội hay TPHCM, là những nơi có mặt bằng giá cả đắt đỏ, thì mức thu nhập đó đã đủ tích lũy? Liệu có là công bằng nếu tính mức thuế thu nhập chung cho người dân ở tất cả các vùng miền?

Thực ra thì nước nào cũng như vậy. Anh ở những thành phố lớn thì thu nhập của anh cao hơn ở những vùng khác, khả năng tìm việc làm dễ hơn. Năng suất lao động của người nông dân thấp hơn năng suất lao động của người làm công nghiệp, trí thức. Do đó mà mức thu nhập phải chịu thuế là hợp lý, không có gì bất cập.

PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Nên tiết kiệm các khoản chi để tăng lương.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Nên tiết kiệm các khoản chi để tăng lương.

Muộn, nhưng phải đúng quy trình

Mức thu nhập phải chịu thuế đang áp dụng khiến dư luận bức xúc. Vì thu nhập chưa đủ sống mà phải đóng thuế thu nhập thì là bất hợp lý. Đến giờ chúng ta mới điều chỉnh thì có phải là muộn?

So với yêu cầu của người dân, với những biến động thực tế của thị trường giá cả thì là muộn. Nhưng nói muộn sửa luật, chậm thay đổi thì cũng chưa đúng lắm. Làm gì cũng phải có quy trình. Việc điều chỉnh luật phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt. Ở thời điểm này, người dân phải chia sẻ với khó khăn chung của ngân sách Nhà nước.

Ông cho rằng mức điều chỉnh mới này sẽ giữ ổn định trong khoảng bao nhiêu lâu?

Với mục tiêu kiềm chế lạm phát trong tình hình hiện nay thì tôi nghĩ nó sẽ duy trì được 3 năm. Nếu sau này có sửa đổi thì cũng sẽ dựa trên các điều quy định trong luật.

Ông có phải đóng thuế thu nhập cá nhân không ạ?

Dĩ nhiên là phải đóng rồi!

Chắc là nhiều?

(Cười) Nhiều chứ!

Ông bao giờ thấy bức xúc vì việc phải đóng thuế thu nhập nhiều không?

Không, vì đó là quy định của pháp luật rồi mà.

Có rất nhiều người, gồm cả công chức nhà nước, kêu than về việc phải đóng thuế thu nhập trong khi lương của họ thì rất thấp, nếu không muốn nói là chưa đủ sống?

Mức thu nhập chịu thuế là gồm tổng thu nhập trong tháng đó chứ không phải thu nhập từ lương. Nếu một người phải đóng thuế thu nhập thì nghĩa là họ đã có thu nhập cao hơn trung bình và có để tích lũy rồi. Còn phân bổ chi tiêu và tích lũy như thế nào là việc của mỗi người. Chứ còn cứ nói về nhu cầu thì vô tận lắm, không biết thế là đủ, thế nào là cao hay thấp cả.

Xin cảm ơn ông!
Thời điểm cách đây 3 năm ta áp dụng luật thuế thu nhập cá nhân. Tôi cho là thời điểm đó hơi sớm khi ta quyết định triển khai trên diện rộng. Việc chuyển từ Pháp lệnh Thuế thu nhập cao sang Luật Thuế thu nhập cá nhân đáng lẽ phải được thực hiện bằng lộ trình kỹ càng hơn. Đến thời điểm này, khi sửa đổi luật, chúng tôi cũng cân nhắc ở mức thu nhập 7 triệu đồng hay 9 triệu đồng thì hợp lý. Sau khi tính toán cân đối thu chi, các dự báo và nghiên cứu phản hồi từ dư luận xã hội, chúng tôi quyết định thống nhất mức khởi điểm chịu thuế là 9 triệu đồng. So với thu nhập bình quân của người dân thì đây cũng là mức cao hơn rất nhiều. Đây được coi là một bước nhấn, tạo động lực khuyến khích kinh tế phát triển. Hy vọng, sức lan tỏa của chính sách cũng sẽ lớn.
Ông Đinh Văn Nhã (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội)
Tô Hội (Thực hiện)
[links()]

Bình luận(0)