Phạt không sang tên: “Chỉ nên áp dụng với xe ô tô”

Google News

Chế tài xử phạt được áp dụng thì hàng vạn chiếc xe máy phải bán sắt vụn vì không tìm được chủ sở hữu ban đầu.

- Ông Nguyễn Văn Luân - chủ cửa hàng bán xe ở chợ xe máy cũ Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội): Nếu áp dụng chế tài xử phạt khi không đăng ký sang tên phương tiện giao thông khi mua bán thì chỉ nên áp dụng đối với xe ô tô vì giá trị tài sản lớn và số lượng ít hơn xe máy.

Ông Luân cho biết: “Trong số hàng ngàn chiếc xe máy bày bán ở chợ xe máy cũ Dịch Vọng thì có đến 70 – 80% đã trải qua rất nhiều chủ sở hữu. Có chiếc từ năm 2002 đến nay đã trải qua tới 7 – 8 “đời” chủ, mua đi bán lại nhưng cũng chỉ có giấy viết tay là cùng, không ai đăng ký thủ tục sang tên cả. Bây giờ mà đi tìm chủ của những chiếc xe trên thì cũng khó như đi tìm… trẻ lạc”.

Ông Nguyễn Văn Luân (chủ cửa hàng xe máy cũ): "Chế tài xử phạt được áp dụng thì hàng vạn chiếc xe máy phải bán sắt vụn vì không tìm được chủ sở hữu ban đầu. Đây là một sự lãng phí rất lớn".

Theo ông Luân, thực tế hiện nay số lượng xe máy cũ đang lưu thông trên địa bàn thủ đô Hà Nội rất nhiều, có thể lên đến cả triệu chiếc. Nhiều chiếc xe trong số này trải qua rất nhiều lần thay đổi chủ sở hữu, có chiếc không thể làm thủ tục đăng ký sang tên được nữa vì không tìm được chủ sở hữu ban đầu, hoặc người chủ đó đã qua đời chẳng hạn… Bởi thế, các cơ quan chức năng sẽ xử lý ra sao với số lượng xe máy khổng lồ này?

“Theo tôi, việc phạt xe máy không đăng ký sang tên chủ sở hữu khi mua bán là điều rất khó thực hiện. Có hàng triệu chiếc xe máy cũ chưa làm thủ tục đăng ký, thậm chí không thể làm thủ tục đăng ký sang tên đang lưu thông hiện nay thì làm sao mà phạt cho xuể được. Đáng lẽ ra ngay khi có quy định về việc phải đăng ký sang tên chủ sở hữu khi mua bán xe máy thì nên kèm theo việc áp dụng chế tài xử phạt đối với những trường hợp vi phạm ngay khi ấy. Bây giờ mới áp dụng chế tài xử phạt tôi e là quá chậm nên nảy sinh những bất cập”, ông Luân cho biết.

Nhiều người vẫn chọn hình thức mua lại xe máy cũ để sử dụng vì giá rẻ, tiết kiệm và hợp với túi tiền.

Cũng theo ông Luân, phương tiện xe máy bây giờ cũng đang dần phổ biến như xe đạp trước kia nên người mua và người bán hầu như không quan tâm lắm đến vấn đề đăng ký làm thủ tục sang tên khi mua bán. Nếu áp dụng chế tài xử phạt khi không đăng ký sang tên phương tiện giao thông khi mua bán thì chỉ nên áp dụng đối với xe ô tô vì giá trị tài sản lớn và số lượng ít hơn xe máy.

Ông Luân cũng cho rằng việc áp dụng chế tài xử phạt nói trên cũng sẽ làm nảy sinh những bất cập mới: “Trong một số trường hợp, xe máy mà người điều khiển đi trên đường có thể không phải của mình mà là mượn hoặc thuê lại xe máy của người khác, trong đó có đầy đủ tất cả giấy tờ xe. Vậy với những trường hợp này sẽ xử lý thế nào? Chẳng lẽ lại phạt lỗi cả người mượn hoặc thuê xe máy? Đó là điều rất vô lý. Đó là chưa nói đến nhiều người dù có vi phạm thật sự thì họ có thể vẫn “lách” bằng cách bảo là xe máy đi mượn của người khác”.

Ngoài ra, ông Luân cho rằng cho thời điểm hiện tại, việc áp dụng chế tài xử phạt phương tiện giao thông không làm thủ tục sang tên chủ sở hữu, trong đó có xe máy không “ảnh hưởng gì nhiều” đến công việc kinh doanh của các chủ cửa hàng xe máy cũ ở chợ Dịch Vọng.

“Công việc kinh doanh vẫn diễn ra bình thường như mọi khi. Nhiều người vẫn chọn hình thức mua lại xe máy cũ để sử dụng vì giá rẻ, tiết kiệm và hợp với túi tiền. Hầu như khách hàng nhiều người không quan tâm lắm đến chế tài xử phạt nói trên vì cho rằng rất khó thực hiện. Còn nếu chế tài xử phạt được áp dụng thì chắc chắn sẽ có hàng vạn chiếc xe máy phải bán cho các cửa hàng thu mua sắt vụn vì không thể tìm được chủ sở hữu ban đầu để làm thủ tục đăng ký sang tên. Đây là một sự lãng phí rất lớn”, ông Luân khẳng định.

Tuấn Linh

Bình luận(0)