Trẻ cũng cần được dạy cả mặt trái

Google News

Đã có hay không ý thích chủ quan là mọi chuyện phải được kết thúc có hậu, chẳng hạn, theo kiểu "ta nhất định thắng, địch tất thua"?


Tôi nhớ Liên Xô một thời “mở cửa”. Chị tôi nấu cơm ‘ta’, hai cậu cháu xem TV. Mỗi lần trên màn hình xuất hiện cảnh tươi mát, chị tôi bỏ đũa bếp xuống, bịt mắt cháu tôi lại...

Tháp ngà

May mà cháu tôi “ngoan”, nếu phải con tôi, hôm nay, nó không chịu. Ngược lại, nhờ thời mở cửa Liên Xô ấy, (dù khá bát nháo), nhưng cháu tôi cư xử khá ổn tại thị trường - nó khá “sành”, mà vẫn có văn hóa. Còn tôi, vì không được trang bị kỹ năng tài chính gì trong thời “bao cấp”, tới hơn hai chục tuổi vẫn là “con gà”, cứ ra đến “chợ búa” là bị lừa.

Vì sao không dạy mặt trái xã hội cho con? Vì sợ “gở mồm”, sợ con mình không còn “trong sáng”? Muốn “bao bọc”, che chắn cho con cái khỏi những tác động tiêu cực của xã hội? Muốn “bao cấp”, làm thay con suốt đời?
d
Có nên can thiệp trực tiếp mỗi sự vụ, hay có nên vứt con “chưa biết bơi xuống nước”? (Ảnh minh họa)

Về sau tôi đọc “Người trong bao” của Tsekhov (không được dạy trong trường), qua tiếng Nga. Nhân vật chính điển hình đến mức tôi bắt đầu nhận thấy nhân vật này giống toàn phần hoặc bộ phận, với một số người lớn quanh mình. Tôi lấy làm tiếc là mình đã không được đọc, không được học, về các sách như thế sớm hơn. Cho dù tôi đã không màng đến “ô dù” trong đời mình, cũng không sống “hộp” quá (không thu mình lại), theo cách nói thời bao cấp.

Tước vũ khí

Gần đây U60 tôi nghe một bạn cùng trang lứa phàn nàn là cha mẹ, và trường lớp nữa, đã không dạy chúng tôi về những mặt xấu trong xã hội. Chuyện gì “không ổn” đã xảy ra ở nhà và ở trường thời “bao cấp”?

Theo tôi, ít nhất, đã có xu hướng nhào nặn “lịch sử” (trình bày phiến diện, các bối cảnh lịch sử của một sự kiện, phản  ảnh một chiều nhân cách của các nhân vật lịch sử, nhấn mạnh thắng lợi; các bài học lịch sử “thuốc đắng dã tật” lu mờ), và “kiểm duyệt” các bài sẽ đưa vào dạy ở môn Văn. Thơ chẳng hạn, chỉ dạy các tác giả “vừa hồng vừa chuyên”, thậm chí chỉ “hồng”. Ví dụ, chúng tôi đã không được dạy các bài Màu tím hoa sim, thậm chí “Tây Tiến”... Đây hẳn là một số nguyên nhân làm học sinh trở nên vô cảm với hai môn vô cùng quan trọng.

Phải chăng vì đã mặc định là mọi sự trong xã hội định hướng XHCN tất yếu sẽ tốt lên, các mặt tiêu cực chỉ là hiện tượng, không mang tính bản chất, chỉ là tạm thời?

Đến khi Liên Xô sụp, nhiều điều được vỡ ra, ít nhất là bài học “có thực mới vực được đạo” được nhớ lại.

Riêng với trường hợp Liên Xô, bên cạnh thành tựu rõ nét của giáo dục và văn hóa xô viết, có cả trường phái hôm nay cho rằng, vì trước đó chỉ chăm chăm dạy những điều tốt, nhiều trẻ em, và cả một số đông các cựu công dân xô viết đã bị “tước vũ khí” khi hòa nhập vào một xã hội thị trường, lại mang đậm nét ‘vô chính phủ’.

Trở lại với giáo dục “bao cấp” Việt Nam, đã có hay không, ý thích chủ quan là mọi chuyện phải được kết thúc có hậu, chẳng hạn, theo kiểu “ta nhất định thắng, địch tất thua”; đã luôn áp đặt trong đánh giá đến mức truy chụp? Nhưng trong đời sống trường lớp, cái nhìn thực tiễn vẫn là chủ đạo: trực diện với các vấn đề tuổi học trò, Nhà và Trường quan hệ chặt, Đoàn - Đội “chưa chạy theo thành tích ảo”, nếp sống tuân thủ pháp luật khá nghiêm và tình người còn đậm, làm cho những vụ “tự tử vì làm mất tiền quỹ lớp” khó xảy ra..

Chuyện nhạy cảm

Tôi từng muốn đăng một bài dịch tổng hợp từ sách của một nhà sử học Mỹ nổi tiếng về sự kiện Mỹ phong tỏa cầu cảng miền Bắc năm 1972, nhưng không mấy ai quan tâm. Hẳn vì bài chứa đựng những chi tiết, lấy từ lưu trữ quốc gia Mỹ về cách xử sự của hai đồng minh to thuộc phe XHCN? Cho dù bài cũng cho thấy Việt Nam thời ấy “vững tay chèo”, vẫn “nhằm thẳng hướng mà đi”.

Có cần phải e ngại, không muốn cho thế hệ sau biết rằng, “Vì độc lập, vì tự do”, cha anh đã từng phải men theo lối đi chênh vênh bên vực thẳm, không chỉ của thù địch, mà cả của bội bạc, thất tín để rút ngắn, từng ngày, tình trạng đất nước bị chia cắt?

Đơn giản hơn, cô giáo dạy văn của tôi, nếu hôm nay lại đứng trên bục giảng, chắc cô khó cất giọng như đọc thơ của mình để bình giảng Truyện Kiều: “Xã hội phong kiến rất nhiều Kiều”. Đi về nhà mình mỗi sẩm tối qua một bảo tàng đẹp nhất, thấy trên hè đường là một “hàng rào danh dự” nghịch nghĩa, gồm những cô gái trẻ, ăn mặc cũn cỡn, co mình trước gió. Con hỏi “sao các cô đứng đây?”. Tôi chẳng biết nói sao.

Dạy xử lý ‘mặt trái’ thế nào?

Có nên can thiệp trực tiếp mỗi sự vụ, hay có nên vứt con “chưa biết bơi xuống nước”?  Con tôi có một số bạn ở trên Facebook của nó, và chúng thường xuyên trao đổi. Có lần một cô bé Mỹ phàn nàn bị một bạn trai dính kẹo cao su vào tóc. Con tôi (học một trường quốc tế Đông Âu ở Hà Nội) khuyên nên mách thày Hiệu trưởng. Nhưng các bạn Mỹ nói nên tự mình xử lý lấy. Còn ở trường con tôi, có lần thày giáo Tây còn tới một cửa hàng gần trường, nơi dường như đã lừa tiền của một nữ học sinh Việt của thày, để làm rõ chuyện.

Với Việt Nam, nên chăng, vẫn áp dụng cách “giải quyết mặt trái “ đời học trò của thời bao cấp. Đó là: cá nhân học sinh gặp vấn đề hết sức tự lực cánh sinh để xử lý, trong sự tương trợ, hướng dẫn đúng mực của thày, bạn, cha mẹ, đoàn thể?

Dạy “mặt trái” cho trẻ, chắc vẫn phải “gạn đục, khơi trong”.
 
Theo Vietnamnet

Bình luận(0)