“Cấm kết hôn đồng tính là phủ nhận quyền con người“

Google News

(Kiến Thức) – “Luật nên cho phép người đồng tính kết hôn để đảm bảo quyền con người và quyền công dân của họ, không thể làm khác”, PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp nhận định.

Qua số liệu do TS Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) cung cấp cho thấy, số người đồng tính và song tính tạm tính ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-59 vào khoảng 1,65 triệu người (3% dân số). Trong số đó, nhiều người đồng tính đã bày tỏ mong muốn được pháp luật thừa nhận cho họ kết hôn.

Cụ thể, trong một cuộc điều tra năm 2012 do ICS (Trung tâm bảo vệ quyền người đồng tính, song tính và chuyển giới) thực hiện với hơn 2.000 đồng tính nam và đồng tính nữ tham gia thì 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn đồng giới, 25% muốn được sống chung có đăng kí và chỉ 4% muốn được sống chung không có đăng kí.

Trước thực tế cuộc sống của những người đồng tính, Bộ Tư pháp đã đề xuất bỏ quy định phạt người kết hôn đồng giới vì không khả thi.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho rằng, cần nghiêm cấm các hành vi phân biệt đối xử, kỳ thị đối với nhóm yếu thế này. Quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính cần được bãi bỏ.

 Một lễ cưới đồng tính từng làm xôn xao dư luận. Ảnh: VietnamNet.

Tuy nhiên, vấn đề có nên cho người đồng tính kết hôn hiện nay vẫn gây nhiều tranh cãi. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 diễn ra ngày 16/4 vừa qua, nhiều Ban, Bộ, Ngành đã cùng ngồi lại, nhìn nhận việc có nên cho phép người đồng tính kết hôn và vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều, thậm chí tranh cãi khá gay gắt.

Trong khi các đại biểu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, UBND TP Hà Nội, Hòa Bình, Thanh Hóa, Tây Ninh, Đồng Tháp, Hải Phòng, Hải Dương, An Giang… cho rằng: Việc thừa nhận hôn nhân đồng tính ở thời điểm này là chưa phù hợp do tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam chưa kịp thích ứng với những thay đổi này. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến người đồng tính và đến xã hội, Luật cần bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái (nếu có) từ việc chung sống giữa những người này. Quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân, đây cũng là một trong những vấn đề xã hội nhạy cảm liên quan đến quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.

Trong khi đó, nhiều đại diện khác của Bộ Y tế, Viện Nghiên cứu thanh niên, UBND tỉnh Hà Nam, Quảng Bình, Yên Bái, Gia Lai, Bình Thuận lại cho rằng: Cần chấp nhận hôn nhân đồng tính vì đồng tính luyến ái đối với những người bẩm sinh là một nhu cầu thực tế, cũng như bảo đảm quyền con người cơ bản của họ. Việc cấm kết hôn có thể tiếp tục dẫn tới sự kỳ thị, người đồng tính dễ tìm tới những quyết định tiêu cực cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho rằng: “Đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn… có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội”.

Trao đổi với PV Kiến Thức, PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp, người nhiều năm nghiên cứu về vấn đề đồng giới đã ủng hộ ý kiến trên của Thứ trưởng Bộ Y Tế, ông cho rằng, xã hội đã cởi mở hơn nên việc chấp nhận cho người đồng giới kết hôn là chính đáng, bởi họ là con người nên phải có quyền như một con người, kết hôn là một trong những quyền ấy.

“Việc cho phép kết hôn giữa những người đồng tính không chỉ gây tranh luận ở Việt Nam mà nhiều nước cũng có tình trạng tương tự kể cả những nước phát triển. Rõ ràng, về mặt pháp lý thì người đồng tính là những con người và là công dân, họ đương nhiên được hưởng các quyền vốn có của con người và công dân một nước như những người bình thường khác. Vì vậy, họ được quyền kết hôn là việc bình thường”, ông Tiệp nhận định.

Tuy nhiên, ông Tiệp cũng phân tích những băn khoăn của mọi người về việc này: “Sự khác thường là ở chỗ, về mặt thể chất, sinh lý và tâm lý họ có khác biệt những người bình thường, họ hình thành nên những nhóm xã hội đặc thù mà nhiều người thiếu kiến thức về giới và văn hóa coi họ không giống ai và bất bình thường. Và đã là bất bình thường thì không thể giải quyết mọi vấn đề liên quan đến họ như những người bình thường khác. Hệ lụy của nó dẫn đến cách giải quyết khác nhau đối với người đồng tính về việc kết hôn cũng như những quan hệ xã hội khác như tiếp nhận việc làm, giao tiếp trong xã hội... Nhóm đồng tính trong xã hội truyền thống vẫn có nhưng bị ẩn chứa do áp lực của quan niệm truyền thống”. 

 PGS. TS Nguyễn Văn Tiệp: Cho người đồng tính kết hôn là cho họ quyền con người.

“Hiện nay, xã hội cởi mở hơn thì người đồng tính có điều kiện bộc lộ mình, thể hiện những nhu cầu, khát vọng bình thường của một con người trong cuộc sống, được yêu và kết hôn, sống theo nhu cầu, sở thích... Những điều này là chính đáng”. 

“Khổ nỗi ở Việt Nam hiện nay, kiến  thức về giới, sự khác biệt giới, giới đồng tính không được giảng dạy trong trường phổ thông và thậm chí, cả đại học. Nói không ngoa, phần đông người Việt Nam mù về giới. Trong bối cảnh đó, sự thiên kiến kỳ thị giới mặc nhiên tồn tại theo quán tính của văn hóa truyền thống. Một khi thiên kiến đó vẫn còn thì cơ quan lập pháp gặp trở ngại khi ban hành luật cho phép họ kết hôn. Thực tế vừa qua, một số nơi cho phép người đồng tính kết hôn rồi sau lại thu hồi không cho phép. Trong tình hình hiện nay, theo tôi luật nên cho phép người đồng tính kết hôn để đảm bảo quyền con người và quyền công dân của họ, không thể làm khác. Không ai có quyền tước đoạt ở họ những gì họ có”.

“Tuy nhiên, trong bối cảnh mù giới hiện nay thì việc truyền thông và giáo dục về giới phải đặt ra như một chương trình quốc gia để mọi người có sự hiểu biết về người đồng tính, để có sự chia sẻ, khoan dung, chấp nhận sự khác biệt của họ. Cần có những tổ chức xã hội chính phủ và phi chính phủ tham gia quản lý, hỗ trợ và tiếp thị xã hội về giới để làm thay đổi nhận thức về giới không chỉ cho cán bộ các cấp mà cả người dân.

Đến lúc đó sự kỳ thị giới mất đi, người đồng tính có cơ hội bộc lộ mình hơn và đông hơn thì cũng là điều bình thường. Đừng lo ngại chuyện đó, việc quan trọng là quản lý tốt nhóm xã hội đặc biệt này tránh tình trạng lợi dụng đồng tính làm đồng tính giả gây nên hiện  tượng phản văn hóa không đáng có".

TIN LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU

Hải Ninh

Bình luận(1)

Minh Hiền

đào đình tuấn

đồng tính cũng la con người kia ma`