Bộ Y tế đồng tình cho người đồng tính kết hôn

Google News

(Kiến Thức) - Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc..." nên ông ủng hộ việc cho phép kết hôn đồng tính.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết thi hành Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, diễn ra ngày 16/4, do Bộ Tư pháp chủ trì đã có nhiều ý kiến trái chiều về việc có cho phép người đồng tính kết hôn hay không?

Theo đó, các đại biểu của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, UBND tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Tây Ninh, Đồng Tháp, Hải Dương… cho rằng: việc thừa nhận hôn nhân đồng tính ở thời điểm này là chưa phù hợp do tập quán, văn hóa gia đình Việt Nam chưa kịp thích ứng với những thay đổi này. Để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến người đồng tính và đến xã hội, Luật cần bổ sung quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết hậu quả về nhân thân, tài sản và con cái (nếu có) từ việc chung sống giữa những người này.

 Bộ Y tế ủng hộ việc cho người đồng tính kết hôn.(Ảnh minh họa)

Đáng chú ý, đại diện của Bộ Y tế, Viện Nghiên cứu thanh niên, UNBD tỉnh Hà Nam, Quảng Bình, Yên Bái, Gia Lai, Bình Thuận lại cho rằng: Cần chấp nhận hôn nhân đồng tính vì đồng tính luyến ái đối với những người bẩm sinh là một nhu cầu thực tế, cũng như bảo đảm quyền con người cơ bản của họ. Việc cấm kết hôn có thể tiếp tục dẫn tới sự kỳ thị, người đồng tính dễ tìm tới những quyết định tiêu cực cho chính bản thân họ, gia đình và xã hội.

Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Đứng ở góc độ quyền con người thì người đồng tính cũng có quyền sống, quyền ăn, ở, mặc, quyền được yêu thương và mưu cầu hạnh phúc. Đứng ở góc độ quyền công dân, họ được lao động, học tập, khám bệnh, chữa bệnh, khai sinh, khai tử, kết hôn…. có quyền và thực hiện các nghĩa vụ với Nhà nước và xã hội”, vì thế nên ông ủng hộ việc cho phép kết hôn đồng tính.

Theo ý kiến của UBND tỉnh An Giang, UBND thành phố Hà Nội, Hải Phòng, quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính là không phù hợp với chức năng xã hội của hôn nhân, đây cũng là một trong những vấn đề xã hội nhạy cảm, liên quan đến quan niệm truyền thống về hôn nhân và gia đình. Do đó, cần tiếp tục duy trì quy định về cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính như quy định hiện hành.

Nhiều ý kiến cho rằng cần phải có thời gian nghiên cứu, đánh giá toàn diện về loại quan hệ này, đánh giá về mặt tác động xã hội, sau đó cân nhắc, xin ý kiến các cơ quan chức năng có liên quan về việc nên hay không nên đưa vấn đề này điều chỉnh trong Luật HN-GĐ .


Những người đồng tính muốn gì?

Trong một cuộc điều tra năm 2012 do ICS (Trung tâm bảo vệ quyền người đồng tính, song tính và chuyển giới) thực hiện với hơn 2.000 đồng tính nam và đồng tính nữ tham gia thì 71% mong muốn được pháp luật cho phép kết hôn đồng giới, 25% muốn được sống chung có đăng kí và chỉ 4% muốn được sống chung không có đăng kí.

Theo Tiến sĩ Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE), số người đồng tính và song tính tạm tính ở Việt Nam trong độ tuổi từ 15-59 vào khoảng 1,65 triệu người (3% dân số). Định kiến cho rằng chỉ có văn hóa nghệ thuật và giải trí mới có nhiều người đồng tính là sai lầm. Thực tế người đồng tính làm việc trong tất cả các cơ quan, ngành nghề công việc như một xã hội thu nhỏ.

“Định kiến và kỳ thị xã hội do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là hiểu biết về xu hướng tình dục đồng tình ở Việt Nam còn hạn chế và sai lệch. Cần phải có nhiều hoạt động truyền thông, giáo dục để giảm định kiến và kỳ thị tiến tới bảo vệ quyền bình đẳng cho người đồng tính”, TS Bình nói.


Anh Đào

Bình luận(0)