TS Nguyễn Thành Sơn: Cần sớm đóng cửa mỏ than Phấn Mễ

Google News

"Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng nên xem xét khả năng sớm đóng cửa mỏ than lộ thiên Phấn Mễ", TS Nguyễn Thành Sơn viết.

- Việc tụt lở bãi thải mỏ than Phấn Mễ đã xẩy ra trong điều kiện rất bình thường (không có mưa lớn, không có lũ quét, không có động đất, không có nổ mìn, không có hiện tượng người dân tự ý đào khoét chân bãi thải để “mót” than v.v.).

LTS: Sau vụ sạt lở tang thương ở Phấn Mễ, TS Nguyễn Thành Sơn đã trực tiếp đến hiện trường để khảo sát và đánh giá. Báo điện tử Kiến Thức xin giới thiệu bài viết của TS Sơn xung quanh vụ tai nạn thảm khốc này.

Ngoài ra, qui mô bãi thải không lớn (so với các mỏ than vùng Quảng Ninh) vì mỏ Phấn Mễ có khối lượng khai đào (sản lượng than khai thác và khối lượng đất bốc hàng năm) thuộc loại nhỏ. Vì vậy, nguyên nhân tụt lở bãi thải là do chủ quan, buông lỏng quản lý kỹ thuật, coi thường tính mạng và tài sản của người dân sống dưới chân bãi thải.

Khai trường còn sợ hơn bãi thải mỏ Phấn Mễ
Khai trường còn sợ hơn bãi thải mỏ Phấn Mễ - ảnh TS Nguyễn Thành Sơn

Quan sát tại hiện trường và nghe phản ánh tại chỗ của người dân, chúng ta có thể thấy rất rõ sự buông lỏng về quản lý kỹ thuật đổ thải của mỏ than Phấn Mễ. 

[links(right)]Trước hết, khu vực đổ thải có người dân sinh sống và sản xuất ngay dưới chân bãi thải nhưng không được di dời trước khi đổ thải. Hậu quả có tới chục ngôi nhà của dân đang sinh sống bị vùi lấp khi bãi thải tụt lở.

Bãi thải hình như không có thiết kế được duyệt, mà chỉ có các phương án đổ thải rất sơ sài mang tính đối phó được lập từ 2005 và 2008. Các giải pháp đổ thải trên thực tế rất ấu trĩ: chiều cao đổ thải rất lớn, góc dốc sườn bãi thải lớn (bằng góc tự chảy của đất đá).

Bãi thải của mỏ Phấn Mễ đã trở nên nguy hại khi không có các biện pháp gia cố bãi thải, đặc biệt không có các công trình chống trôi lấp. Theo qui định, dưới chân bãi thải phải xây tường kè bao quanh có kích thước tối thiểu cao 3m rộng 5m để ngăn tụt lở.

Quan sát trên hiện trường, chúng tôi không thấy dấu vết của tường kè dưới chân bãi thải chỉ thấy rõ các tầng đổ thải lộn xộn. Dưới chân bãi thải là khu dân cư có ruộng lúa, ao, vườn với nền đất rất yếu không thể chịu được tải trọng của bãi thải nhưng các mặt trượt tự nhiên không được xử lý v.v.

Bãi thải mỏ Phấn Mễ - ảnh TS Nguyễn Thành Sơn
Bãi thải mỏ Phấn Mễ - ảnh TS Nguyễn Thành Sơn

Tôi đã từng được theo dõi mỏ than Phấn Mễ từ những năm 70-80 của thế kỷ trước. Lần này, trước khi ra bãi thải, chúng tôi vừa có dịp đi ngang qua khai trường của mỏ than Phấn Mễ. Điều đầu tiên “đập” vào mắt là một khai trường mỏ rất vi phạm các điều kiện kỹ thuật an toàn, hình như không được quản lý và kiểm tra giám sát: góc dốc bờ mỏ rất lớn, các tầng đất bị “chập” hoàn toàn, chỉ còn lại những “vệt” đường rất dốc và rất hẹp để ô tô tải lên xuống, moong than đang được “đào khoét” còn sợ hơn các điểm khai thác theo kiểu than “thổ phỉ” ở vùng Quảng Ninh.

Nếu xét tổng thể, từ khai trường ra bãi thải, chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng nên xem xét khả năng sớm đóng cửa mỏ than lộ thiên Phấn Mễ. Ngoài vấn đề đổ thải, khai trường của mỏ Phấn Mễ cũng cần được xem xét thận trọng. Về mặt kỹ thuật, khai trường mỏ Phấn mễ còn nguy hiểm hơn rất nhiều.

Đất đá sụt lở tràn cả vào nhà dân
Đất đá sụt lở tràn cả vào nhà dân - ảnh TS Nguyễn Thành Sơn

Hiện nay, giá trị và giá trị sử dụng của than mỡ Phấn Mễ rất lớn (dùng luyện koke cho gang thép), giá bán than mỡ trên thị trường rất cao cho phép mỏ than Phấn Mễ có thể khai thác xuống sâu hơn với hệ số bốc đất cao hơn mà vẫn đảm bảo được các điều kiện kỹ thuật an toàn. Với bờ mỏ dốc đứng, cung độ vận tải đất, và với giá than mỡ như hiện nay, lợi nhuận trước thế của mỏ than mỡ Phấn Mễ không thể nhỏ hơn 50%. Trong điều kiện như vậy, việc để cho tình trạng khai trường mỏ xấu như hiện nay và việc để tụt lở cả bãi thải lớn như vừa qua là điều không thể chấp nhận được về mọi mặt.

Nếu các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục buông lỏng quản lý và nếu doanh nghiệp khai thác than chỉ biết chạy theo lợi nhuận thì tính mạng con người  và tài sản của xã hội còn tiếp tục bị đe dọa.

Bãi thải trong ngành khai khoáng là một công trình kiến trúc quan trọng không thể tách rời của một mỏ đang khai thác (bãi thải đất đá) hoặc của một nhà máy tuyển đang vận hành (bãi thải quặng đuôi). Vì vậy, bãi thải đòi hỏi phải được thiết kế theo các qui định và vận hành theo các qui trình rất chặt trẽ tùy theo từng loại chất thải (đất đá, hay quặng đuôi).

Cũng giống như các công trình khai thác mỏ (giếng mỏ, đường lò, lò chợ, tầng than, tầng đất v.v.), bãi thải do con người tạo nên trong quá trình khai thác khoáng sản, và thường (gần như 100%) làm mất cân bằng tự nhiên vốn đã tồn tại hàng triệu năm trước đó.

Vì vậy, bãi thải có thể mang lại cho con người những mối nguy hiểm không kém các công trình khai thác mỏ còn lại. Đối với các mỏ có công nghệ khai thác lộ thiên và đối với các nhà máy tuyển quặng, bãi thải đất đá và bãi thải quặng đuôi là nơi tiềm ẩn nhiều nhất các nguy cơ xẩy ra các sự cố có thể dẫn đến các tại nạn chết người (đổ xe máy đang thi công, tụt lở đất đá, trôi lấp hạ lưu, vỡ hồ bùn có chứa các đuôi quặng làm chất thải độc hại tràn ra môi trường xung quanh v.v.).

Vụ tụt lở bãi thải của mỏ than Phấn Mễ vừa qua như một lời cảnh báo bổ sung về việc các đơn vị khai khoáng của Việt Nam hiện nay đang rất coi thường công tác quản lý đổ thải (kể cả các mỏ than lớn vùng Quảng Ninh).

TS. Nguyễn Thành Sơn (ảnh chụp ngày 16/4/2012)

>> xem thêm

Bình luận(2)

Minh Hiền

phương linh

Trời ơi, TS Nguyễn Thành Sơn không hề chú thích là ai, ông đến từ cơ quan nào thì thông tin làm sao có tính thuyết phục được. Đọc mà bực cả mình. Làm báo thế này thì...

Minh Hiền

Thanh Long

TS Sơn là một chuyên gia trong lĩnh vực khai thác than, từng giữ cương vị cao trong ngành Than Việt nam, bạn Phương linh à.