Biến gạo thường thành gạo thơm chất lượng cao để đẩy giá bán là chiêu trò của một số tiểu thương bị người tiêu dùng phát hiện. Làm thế nào để nhận biết gạo đã bị ướp hóa chất tạo hương chứ không phải mùi thơm tự nhiên của gạo?
Gạo chỉ thơm khi chưa nấu
Thông tin về một loại hóa chất làm thơm gạo khiến không ít bà nội trợ hoang mang. Thực hư loại hóa chât làm thơm gạo là gì, có thể mua ở đâu? Theo bà Nguyễn Thị Quyết, tiểu thương chợ Quan Hoa (Hà Nội), hiện các loại dung dịch để ướp gạo bán nhiều trên thị trường. Đây là loại hương lá nếp, có thể tẩm ướp bất cứ thực phẩm nào như đồ giải khát, cà phê, cốm... Bản thân các loại hóa chất này cũng có nhiều loại với nhiều giá cả khác nhau, từ vài chục nghìn một chai đến vài trăm nghìn đồng một lít. Nếu tẩm hóa chất rẻ tiền thì gạo nhanh hỏng. Với loại hóa chất chỉ cần sử dụng một lượng nhỏ vẫn tạo mùi thơm, giá thành cao hơn và được các tiểu thương tin dùng hơn.
Bà Phùng Thu Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây mấy ngày bà có mua 5kg gạo. Người bán hàng quảng cáo đây là loại gạo mới thơm ngon nên bà mua về ăn thử. Quả thực là gạo có mùi thơm rất đậm, nhưng khi nấu lên thì mùi thơm biến mất, thậm chí chỉ cần vo gạo xong là đã không thấy còn mùi thơm nữa rồi. Nấu xong, hạt cơm không dẻo, mịn, từng hạt gạo lả tả rời rạc khiến bát cơm nóng mà trông như cơm nguội. Khi đem thắc mắc ra hỏi chủ cửa hàng gạo thì bà chỉ nhận được câu trả lời là "thông cảm", lần sau mua hứa chắc chắn sẽ có gạo ngon.
Theo TS Nguyễn Đức Hiệp, nguyên cán bộ Viện Nghiên cứu lúa Đồng bằng Sông Cửu Long cho biết, loại gạo bị ướp hương liệu chỉ thơm lúc chưa nấu hoặc trong mấy ngày đầu mới mua về, khi đã để lâu thì mùi hương gần như bay hết. Loại gạo này khi cho vào nấu chín cũng không còn mùi thơm như gạo thơm thật nữa mà mùi như các loại gạo thường. Người mua nên tìm hiểu các đặc điểm của từng loại gạo để chọn được đúng loại gạo cần mua.
|
Ảnh minh họa. |
Phân biệt "gạo lạ"
Theo ThS Nguyễn Quỳnh Như, trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận biết được gạo có được tẩm ướp hóa chất hay không nhờ vào việc ngửi và nhai thử. Bốc một ít gạo lên bàn tay và ngửi, gạo ngon sẽ có mùi thơm nhẹ dễ chịu. Gạo được ướp hóa chất thường có mùi rất nặng, kèm theo hăng hắc chứ không có mùi cám thơm tự nhiên.
Hoặc có thể nhai thử, gạo ngon sẽ ngọt nhẹ, không có mùi vị lạ. Hoặc có thể mua số lượng nhỏ nấu thử, nếu thấy gạo có dấu hiệu của việc ướp hương thì sẽ "tẩy chay" cửa hàng đó. Nhiều người chọn cách nhờ người quen mua gạo chính gốc ở quê, vừa rẻ lại đảm bảo an toàn nhưng không phải là cách phổ biến để chọn đúng gạo an toàn.
ThS Nguyễn Quỳnh Như cho biết, một chiêu thức mà các tiểu thương hay sử dụng là trộn lẫn gạo kém chất lượng vào loại gạo giá cao để bán cho người tiêu dùng. Gạo sau khi trộn, tùy thuộc vào tỷ lệ sẽ bán với giá của gạo loại một hoặc loại hai, ba. Sự nhập nhèm trong chất lượng và giá cả này khiến người tiêu dùng phải gánh chịu bởi phải rất tinh mắt và có kiến thức về các loại gạo nói chung mới phân biệt được gạo bị trộn.
Theo TS Nguyễn Đức Hiệp, các loại gạo thơm nổi tiếng như tám Thái, thơm Thái, nàng thơm chợ Đào, thơm lài là những loại dễ bị ướp hóa chất để bán nhất. Các loại gạo này được trồng với số lượng không nhiều, giá thành cao nên một số tiểu thương mới tìm cách gian lận. Nếu đúng là gạo nàng thơm chợ Đào thật, sau khi nấu xong, nồi cơm sẽ bốc lên mùi thơm thoang thoảng rất hấp dẫn, hạt cơm ngọt và mềm, lâu bị ôi thiu.
Cách nhận biết gạo bị ướp hương đó là gạo chỉ thơm lúc chưa nấu, khi nấu chín thì không còn thơm hoặc chỉ thơm trong mấy ngày đầu mua về, để một vài hôm thì không còn mùi thơm nữa. Nếu phát hiện một cửa hàng bán gạo ướp hóa chất thì hãy thông báo cho các cơ quan chức năng để xử lý.
Theo TS Nguyễn Đức Hiệp, thông tin các loại hóa chất tẩm ướp hương thơm cho gạo cần phải được làm rõ và xử lý triệt để. Gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền nông nghiệp, nếu các thương nhân làm ăn gian dối thì nền kinh tế chung sẽ bị ảnh hưởng.