Việc mở lối tham quan tại cụm thác Bản Giốc là vận hành thí điểm có sự thỏa thuận giữa Văn phòng Thường trực Ủy ban điều phối thực hiện Hiệp định hợp tác bảo vệ và khai thác tài nguyên du lịch Thác Bản Giốc và Sở Văn hóa và Du lịch Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây (Trung Quốc). Hai bên thống nhất cùng tổ chức lễ vận hành tại Trạm kiểm soát khu vực mốc 834/1 vào ngày 15/9/2023. Thời gian vận hành thí điểm 1 năm.
Bản Giốc là thác nước nằm giữa đường biên giới 2 quốc gia. Phía Việt Nam gọi tên là thác Bản Giốc còn Trung Quốc gọi là thác Đức Thiên. Đây cũng là cảnh quan được ca ngợi của nước bạn, thường được mệnh danh là đệ nhất hùng quan. Hình ảnh thác nước 3 tầng đặc biệt này có mặt hầu hết trên các bản đồ du lịch của họ. Ở phía Việt Nam, thác Bản Giốc cách thị trấn Trùng Khánh khoảng 20km, trên sông Quây Sơn, thuộc địa phận xã Đàm Thuỷ của huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Theo đó, từ 15/9, khách du lịch 2 nước có thể thực hiện đăng ký tham quan theo đoàn (không quá 20 người) đi các lối đi đã bố trí sẵn. Thời gian dừng chân của du khách nước ngoài không quá 5 giờ và không được lưu trú trái phép. Du khách sử dụng hộ chiếu, giấy thông hành xuất nhập cảnh để đi vào khu vực tham quan hai bên.
Trong thời gian vận hành thí điểm, miễn thu vé vào cổng đối với du khách từ phía Việt Nam đi vào phía Trung Quốc, đơn vị tổ chức đoàn phía Việt Nam phải mua bảo hiểm cho du khách trước khi vào khu cảnh quan phía Trung Quốc, các dịch vụ khác phải tự chi trả theo chi phí thực tế.
Du khách từ phía Trung Quốc vào phía Việt Nam phải mua vé 70.000 đồng/người/lần (đã bao gồm bảo hiểm, không bao gồm các phí dịch vụ khác). Đối với việc thực hiện thủ tục mở lối mở, hai bên tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền của mỗi bên theo quy định.
Thế giới ghi nhận Thác Bản Giốc là một trong những thác nước lớn và đẹp trong nhóm thác nằm trên đường biên giới quốc gia. Hiện nay cả hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc đều khai thác du lịch ở thác Bản Giốc.
Việc vận hành thí điểm Khu cảnh quan thác Bản Giốc thể hiện quyết tâm của hai nước cùng xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Hơn thế nữa, thác Bản Giốc còn là hình ảnh tiêu biểu của hợp tác hữu nghị khu vực biên giới nhằm phát triển du lịch, tăng cường ngoại giao nhân dân, đặc biệt là xây dựng mô hình kiểu mẫu du lịch qua biên giới và du lịch xanh.
Sở dĩ thác Bản Giốc được xem là cảnh quan hùng vĩ vì nằm giữa địa hình núi cao, vực sâu, thiên nhiên hoang sơ tươi đẹp. Ảnh: TTH
Bên phía Việt Nam, địa hình có phần bằng phẳng có thể canh tác lúa nước khiến cảnh quan càng thêm ngoạn mục. Màu sắc nơi này có thể thay đổi theo mùa, với màu xanh lúa non, màu vàng lúa chín. Ảnh: TTH
Phần thác 3 tầng đẹp nhất nằm trên đường biên giới của thác Bản Giốc. Ảnh: TTH
Cùng một cụm thác, phía Việt Nam gọi là thác Bản Giốc, Trung Quốc gọi là thác Đức Thiên. Ảnh: TTH
Thác Bản Giốc đang vào mùa đẹp nhất trong năm. Ảnh: TTH
Phần thác phụ của cụm thác Bản Giốc nằm hoàn toàn trên đất Việt Nam. Ảnh: TTH
Con đường tới gần thác Bản Giốc ngoạn mục với quanh co đường đèo dốc và cả thung lũng đá hùng vĩ. Ảnh: TTH
Sông Quây Sơn đổ nước xuống thác Bản Giốc có cảnh sắc đặc biệt, không lẫn với bất cứ dòng sông nào. Ảnh: TTH
Một miền biên cương xanh thẳm bọc lấy thác Bản Giốc. Ảnh: TTH
Vào mùa mưa lũ, thác Bản Giốc ồ ạt nước, tiếng nước réo vang xa khắp núi rừng. Ảnh: TTH
Một vùng sơn thủy hùng vĩ tạo nên cảm xúc mạnh mẽ, hoang dã và rất khó quên đối với du khách tham quan. Ảnh: TTH