Còn khoảng một tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, Quỳnh Lan (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã dành khoảng 8 triệu đồng để mua sắm quần áo, phụ kiện.
Đây đều là trang phục cô chuẩn bị cho những ngày năm mới xúng xính bên gia đình và bạn bè. Lan dự định sẽ còn mua thêm nếu như tìm được món đồ vừa ý.
“Từ nhiều năm nay, mình đều chi tiêu khoảng 20-30 triệu đồng cho mỗi dịp Tết, phần lớn dành cho thời trang, mỹ phẩm. Mình ở cùng gia đình tại Hà Nội nên không phải tốn kém cho việc di chuyển về quê như nhiều bạn khác”, Lan chia sẻ cùng Zing.
9 ngày Tết tiêu hết 2 tháng lương
Đối với Lan, Tết Nguyên đán mang nhiều ý nghĩa đặc biệt bởi đây là dịp quây quần bên gia đình và gặp gỡ bạn bè. Khoảng gần 2 tháng trước Tết, cô đã rộn ràng tìm mua váy áo, ghi chép một số khoản chi tiêu cố định để lên kế hoạch chuẩn bị tài chính.
|
Quỳnh Lan dự định chi tiêu khoảng 20-30 triệu đồng cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
|
Trong đó, cô dành khoảng 10 triệu đồng biếu bố mẹ, mừng tuổi ông bà và các em.
Cô chi khoảng 5 triệu đồng mua sắm một số vật dụng cho gia đình như bánh mứt, trái cây, sau đó cũng không quên để riêng 3 triệu đồng nữa cho những buổi tụ tập cùng bạn bè.
“Năm nay, mình dự tính chi tiêu tương tự năm trước, thậm chí còn nhiều hơn bởi muốn biếu bố mẹ thêm tiền. Tính theo thu nhập hiện tại, khoản tiền tiêu Tết này bằng gần 2 tháng lương của mình”, Lan nói.
Cũng theo Lan, một số bạn bè cho rằng cô có phần chi tiêu, mua sắm quá tay cho dịp Tết. Tuy vậy, Lan cho biết không hề tiếc nuối bởi cả năm dài đã tiết kiệm được tiền nhờ việc sống cùng gia đình.
“Mình ở cùng bố mẹ nên không tốn chi phí thuê nhà, đi lại xa xôi như nhiều bạn bè khác. Thông thường, vào dịp Tết mình mới biếu tiền hoặc tặng quà bố mẹ, do vậy mong muốn mua sắm tốt nhất trong khả năng của mình”, cô tâm sự.
Tương tự Quỳnh Lan, Nguyễn Thục Anh (26 tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng dự định chi tiêu đến 30 triệu đồng cho dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Cách đây ít ngày, cô đã dành ra gần 5 triệu đồng mua vé máy bay (khứ hồi) để về sân bay Cát Bi (Hải Phòng) vào ngày 13/1/2022 sắp tới, sau đó di chuyển về nhà ở tỉnh Thái Bình.
Cô cho biết không lựa chọn vé giá rẻ bởi lo ngại hoãn/hủy chuyến, phải ở sân bay chờ đợi lâu tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
“Hiện tại, mình vẫn đang chờ đợi quy định mới nhất của địa phương về việc tiếp nhận người dân về quê ăn Tết. Nếu phải cách ly tập trung, mình sẽ tốn kém thêm một khoản khá lớn để cách ly tại khách sạn", Thục Anh cho hay.
|
Thục Anh lo lắng việc phải cách ly tại địa phương sẽ tiêu tốn khoản tiền đáng kể.
|
Theo Thục Anh, cô không có nhu cầu sắm sửa nhiều cho bản thân vào dịp Tết. Cô dành số tiền lớn nhất, khoảng 15 triệu đồng, để biếu bố mẹ hoặc thay mới một số đồ dùng trong nhà như tivi, tủ lạnh…
Ngoài ra, số tiền chi tiêu vặt, tụ tập bạn bè hoặc lì xì trẻ em cũng sẽ chiếm một phần không nhỏ trong ngân sách của cô.
“Sau nhiều năm đi làm, có thu nhập riêng, mình vẫn chưa thể cân đối được khoản tiền tiêu Tết. Tổng số tiền mình chi ra luôn lớn hơn so với dự định ban đầu, những khoản mua sắm vặt hàng ngày khi cộng lại mới thấy rất tốn kém”, cô tâm sự.
Tuy vậy, đối với Thục Anh, Tết vẫn là dịp lễ rất quan trọng mà cô không muốn tiết kiệm cho cả bản thân và gia đình. Sau một năm dài đi làm, không thể về thăm nhà do dịch bệnh, cô chỉ mong mỏi có được mùa Tết đoàn viên bên bố mẹ, không quan tâm quá nhiều đến chuyện tiền bạc.
“Giờ đây mình chỉ mong được về nhà sớm và an toàn nhất có thể. Dù có phải cách ly tốn kém và bất tiện, mình sẵn sàng chấp nhận để được về nhà”.
Lo thiếu tiền vì dịch bệnh
Quỳnh Lan và Thục Anh đều duy trì thu nhập khá ổn định trong bối cảnh dịch bệnh. Không may mắn như vậy, Đỗ Hoàng Anh (26 tuổi, quận 12, TP.HCM) lại chịu cảnh nhiều tháng bị giảm lương, do vậy rất lo lắng khi nghĩ về khoản tiền tiêu Tết.
“Mình làm việc trong ngành nhà hàng, năm vừa qua phải nghỉ việc suốt gần 5 tháng. Là con trai, mình không có nhu cầu mua sắm nhiều, nhưng Tết nhất cũng cần khoảng 20 triệu đồng để biếu bố mẹ. Nếu có về quê thăm ông bà ở ngoài Bắc, có lẽ mình cần thêm 10 triệu đồng nữa”, Hoàng Anh kể.
Theo Hoàng Anh, gia đình anh không đặt nặng vấn đề quà cáp vào dịp Tết. Sau một năm gặp khó khăn vì dịch, tất cả thành viên chỉ mong mỏi được đoàn tụ, nhìn thấy nhau khỏe mạnh và bình an.
Tuy vậy, anh vẫn muốn có thể sắm sửa cho bố mẹ một số vật dụng mới trong nhà, hy vọng mang đến gia đình không khí vui vẻ, ấm cúng.
|
Ngọc Ánh dự kiến giảm một nửa chi tiêu ngày Tết so với năm trước.
|
“Mình đã ra ở riêng vài năm qua, Tết luôn phải sắm đồ gấp đôi cho cả nhà mình và nhà bố mẹ. Năm nay, thu nhập giảm sút, có lẽ mình phải dùng đến tiền tiết kiệm để tiêu Tết”, Hoàng Anh thở dài.
Bùi Ngọc Ánh (24 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng chung nỗi lo. Từ khi đợt dịch mới bùng phát, cửa hàng online của cô gặp khó khi nhập hàng, lượng khách mua giảm đáng kể so với trước đây.
Năm ngoái, Ánh về quê ở Nghệ An và chi tiêu khoảng 15 triệu đồng cho dịp Tết Nguyên đán. Năm nay, tài chính hạn chế hơn, Ánh dự định chỉ tiêu khoảng 7 triệu đồng.
“Dịp Tết sắp tới, mình sẽ chỉ biếu tiền bố mẹ, ông bà và mừng tuổi các em, các cháu. Mình sẽ tiết kiệm những khoản mua sắm quần áo như mọi khi. Hiện tại, dịch bệnh đang căng thẳng, có lẽ nhóm bạn của mình ở quê cũng sẽ không tụ tập ăn uống nhiều, mình có thể bớt thêm một khoản”, Ánh chia sẻ.