Hồi còn đi học, Yến sống cùng 2 người chị nhưng nhanh chóng dọn đi vì không thể hòa hợp về tính cách, dẫn đến “bằng mặt không bằng lòng”.
“Mâu thuẫn xảy ra khi người ta mời bạn về nhà chơi, mình vui vẻ, niềm nở đón tiếp còn tới lượt mình làm như vậy thì chị đó khó chịu ra mặt, nhắn tin nhắc nhở. Lần thứ 2 thì mình ở ghép với 4 đứa bạn. Cả nhóm cãi nhau nên mình tự tách ra ở riêng luôn”, Yến kể.
Sau nhiều lần dọn đi như vậy, Yến đúc kết sống một mình là thoải mái, tự do nhất, đỡ làm mất lòng ai.
Không chỉ Yến, nhiều người trẻ ngày nay cũng thích làm mọi thứ một mình, không sống dựa vào gia đình và cũng không cần quá nhiều bạn bè, mối quan hệ.
Chứng minh khả năng tài chính khi ra riêng
Yến cho biết trước đây cô vẫn chần chừ khi ra riêng vì tài chính chưa ổn định. Sau khi tốt nghiệp, cô gái tìm được một công việc có mức lương khởi điểm khá cao, có thể trang trải tiền nhà, phí sinh hoạt hàng tháng.
“Mình thấy ở một mình không có nhiều bất tiện, bạn bè tới chơi hoặc ba mẹ dưới quê lên thăm cũng thoải mái. Không phải gò bó nếu có người ở cùng”, Yến nói thêm.
Từ lúc sống riêng, Yến có thêm sở thích mới là tự nấu ăn và trang trí phòng ngủ. “Vì ở một mình nên mọi thứ đều phải cẩn thận. Bạn bè hay nhắc nhở mình là luôn để chuông điện thoại và sạc pin đầy. Lỡ không liên lạc được thì mọi người rất lo”.
Ngô Võ Minh Tú (21 tuổi), nhà sản xuất âm nhạc, mất khoảng 3 tháng để chứng minh khả năng tự lập với bố mẹ khi sống một mình. Trước năm 2020, Tú sống chung với gia đình tại TP.HCM.
Với tính chất công việc cần nhiều không gian sáng tạo, chàng trai quyết định xin phép bố mẹ cho tách ra ở riêng để thuận tiện phát triển sự nghiệp và thoải mái đi lại.
“Trước khi ra riêng, mình đã có một công việc với thu nhập vừa đủ để chi tiêu cho bản thân. Ở nhà thì mình tự nấu ăn, chăm tập thể dục nên gia đình cũng yên tâm hơn. Sau này, khi muốn tự mở studio, mình đưa ra các bằng chứng về tài chính vững vàng nên đã nhận được sự ủng hộ của bố mẹ”, Tú chia sẻ.
Theo Tú, ưu điểm của "lối sống solo" là sự trưởng thành của bản thân thông qua việc tự chủ cuộc sống. Để có thể sống tốt như khi còn ở chung với gia đình, mọi việc trong nhà từ nhỏ nhất như hư điện, nước đến cân đối chi tiêu, anh đều phải hoàn thành tốt.
Việc sống một mình còn giúp Tú học thêm cách lập kế hoạch cá nhân, lịch sinh hoạt và biết tập trung vào những thứ muốn ưu tiên phát triển.
|
Tú mất 3 tháng để ổn định khi ra ở riêng. |
“Vấn đề lớn nhất với mình là sự sẵn sàng, Trước đây, mình luôn tự hỏi liệu bản thân đã sẵn sàng để tự lập hay chưa. Tài chính có đủ ổn định không hay có thể tự chăm sóc bản thân không. Mình cũng nghĩ đến cảm giác nản chí, cô đơn. Nhưng lúc đó mình có niềm tin là mình làm được nên cứ thử thôi”, Tú nói với Zing.
Chi phí sinh hoạt hàng tháng của Tú rơi vào khoảng 8 triệu đồng. Thời gian đầu, anh mất tầm 3 tháng để ổn định, cân bằng giữa công việc và cuộc sống. “Nhờ có kinh nghiệm từng ở nước ngoài một năm nên mình cũng nhanh chóng làm quen với việc sống một mình”.
Chi thêm tiền để mua sự thoải mái
Lúc mới đến TP.HCM theo học đại học, Lê Châu (25 tuổi) ở phòng ký túc xá 8 người. Vài năm sau, cô chuyển lên khu vực trung tâm hơn thuê trọ cùng 2 người bạn khác.
Châu là người dễ thích nghi nên cô nhanh chóng hòa nhập, làm quen với nơi ở mới. Tuy nhiên, việc chia sẻ không gian sống làm nảy sinh một số bất tiện trong sinh hoạt của cô và cả 2 người bạn cùng phòng.
|
Năm 2018, Châu dọn ra riêng, mướn một căn phòng nhỏ ở quận Phú Nhuận gần nơi làm việc và bắt đầu cuộc sống một mình. |
"Mỗi người có tính cách, lối sống riêng. Càng trưởng thành thì việc bộc lộ cá tính càng rõ nét hơn. Có người sống như 'cú đêm', người lại ưa kiểu 'chim sớm', người chăm dọn dẹp, người thích bày bừa... Ai ở trọ chung với người khác cũng sẽ gặp những vấn đề như vậy cả", Châu nói.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp đại học, Châu và bạn bè bắt đầu đi làm ở những nơi xa nhau nên không thể tiếp tục ở chung. Năm 2018, cô dọn ra riêng, mướn một căn phòng nhỏ ở quận Phú Nhuận gần nơi làm việc và bắt đầu cuộc sống một mình.
Phòng trọ của Châu chỉ rộng khoảng 15-20 m2, chưa bằng một nửa so với nơi ở trước. Nhưng vì ở một mình nên tiền nhà mỗi tháng cô phải trả gấp đôi trước đây, 2 triệu đồng/tháng.
"Vì phòng nhỏ nên mình không thể giữ nhiều đồ, phải cân nhắc rất kỹ khi muốn mua một thứ gì mới. Đồ dùng hầu hết đều có thể tháo lắp được để tận dụng tối đa không gian".
|
Góc làm việc của Châu trong căn phòng ở quận Phú Nhuận. |
Mới đây, Châu còn sắm một chiếc tủ lạnh. Nhiều người bạn thậm chí trêu phòng nhỏ vậy lấy đâu ra chỗ để. Nhưng nhờ sắp xếp cẩn thận mọi thứ, cô vẫn có thể kê tủ, bàn làm việc, bếp và thừa chỗ để trải thảm tập yoga.
"Mình thấy việc ở riêng rất thoải mái, dễ chịu, chỉ trừ khi bệnh tật. Nhưng cũng may là mình ít khi bệnh lặt vặt. Nên đến hiện tại mình chưa thấy gì khó khăn ngoài việc tốn tiền nhà hơn một chút. Nhưng với giá đó để mua được sự thoải mái, mình vẫn thấy quá hời", Châu nói thêm.
Tự nhận mình là người hướng nội, Châu nói "lối sống solo" thực sự thích hợp với cô.
|
Những bữa ăn Châu tự nấu cho chính mình trong đợt giãn cách. |
"Mình hiếm khi thấy buồn chỉ vì ở một mình. Thời gian rảnh mình có thể dành cho những sở thích riêng như tập yoga, đọc sách, lướt mạng xã hội, xem phim, nghe nhạc. Có rất nhiều thứ có thể tận hưởng một mình mà không thấy nhàm chán".
Ngoài ra, theo Châu, sau một ngày căng thẳng, mệt mỏi, cô cũng chỉ muốn yên tĩnh nghỉ ngơi. "Việc ở một mình trong căn phòng riêng cho mình thời gian, không gian để nạp lại năng lượng cho ngày hôm sau".
Thi (28 tuổi) chuyển ra sống một mình tại TP Thủ Đức sau khi đi làm được 5 năm. Cô thuê căn hộ có một phòng ngủ, tổng diện tích 55 m2. Giá thuê một tháng chưa tính điện nước, wifi, tiền rác là 5 triệu đồng.
“Tiền thuê nhà chiếm khoảng 30% thu nhập của mình. Ngoài tiền thuê cao, còn một khó khăn nữa, đó là quãng đường đi làm khá xa. Mình mất khoảng 45 phút để di chuyển từ nhà đến công ty”, Thi bộc bạch.
Trước dịch, Thi từng ở chung với 3 người bạn khác trong một căn nhà nguyên căn có 2 phòng ngủ.
Bên cạnh những bất đồng về tính cách, lối sống, đại dịch còn làm nảy sinh khá nhiều vấn đề trong ngôi nhà chung.
“Hầu hết mọi người đều làm việc tại nhà và lúc đó câu hỏi đặt ra là ai sẽ nấu ăn? ai sẽ rửa bát? người nào dọn dẹp? người nào đổ rác? Nói phân công nghe có vẻ dễ nhưng thực tế không như vậy. Người này đùn đẩy người kia rất mệt mỏi”.
Thi nói thêm cô cũng khá lo lắng khi một người bạn chung phòng bị nhiễm COVID-19 hồi cuối tháng 9. “Mình trở thành F1 dù cả tháng trước đó không bước chân ra khỏi nhà. Khi công ty thông báo làm lại đầu tháng 10, mình vẫn phải work from home”.