Tiết kiệm chi phí
Mặc dù chỉ mới 17 tuổi nhưng Phạm Huỳnh Thảo Nguyên (sống tại TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) đã bén duyên với thời trang secondhand từ rất sớm, Thảo Nguyên cho biết bản thân bị cuốn hút với “đồ si” vì nó thường có những mẫu mang xu hướng Vintage, đôi khi có những phong cách thiết kế của các thập niên trước đây mà hiện tại cô thấy rất khó tìm ở cửa hàng thời trang khác.
Đối với Thảo Nguyên, đồ secondhand không phải là những món hàng lỗi thời, vô giá trị như một số người vẫn nghĩ: “Một món đồ secondhand thường có giá trị thời gian sử dụng khá cao và chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn đồng là có thể sở hữu một chiếc áo. Đôi khi may mắn có thể mua một món đồ của thương hiệu thời trang nổi tiếng với giá thành rẻ hơn gấp đôi, gấp ba là điều hoàn toàn có thể. Nhờ vào những điều đó mà từ ngày biết đến thời trang seconddhand mình đã tiết kiệm được kha khá tiền trong việc mua quần áo”.
Thông qua lời giới thiệu từ một người bạn, cô đã mua cho mình món “đồ si” đầu tiên là một đôi giày với giá rất rẻ nhưng lại có chất lượng vượt cả mong đợi. Nhận thấy mặt tích cực ấy nên Thảo Nguyên quyết định tìm hiểu và “dấn thân” sâu hơn vào con đường “đồ si” bằng cách kinh doanh online đồ secondhand, công việc này đã mang lại cho cô gái 17 tuổi một khoản thu nhập đáng kể.
Góp phần bảo vệ môi trường
Cũng là một tín đồ của thời trang secondhand, Hồng Mai 20 tuổi hiện là quản lý của một trại mèo tại TP. Thủ Đức cho biết bản thân gắn bó với “đồ si” đã hơn 5 năm. Với Hồng Mai cô yêu thích đồ secondhand không chỉ bởi sự đa dạng về phong cách mà còn hy vọng bản thân có thể góp một phần nhỏ vào việc bảo vệ môi trường. Hồng Mai bày tỏ: “Ngành công nghiệp thời trang từ lâu gắn liền với những vấn đề về môi trường như ô nhiễm và chất thải do sản xuất quần áo. Mình cảm thấy khi sử dụng đồ si mình đã góp một phần nào đó cho việc giảm lượng lớn rác thải từ quần áo cũ hay giảm lượng CO2 thải vào khí quyển qua việc tiêu huỷ quần áo đã qua sử dụng”.
Là một Gen Z năng động, cá tính nên khi gắn bó với thời trang secondhand Hồng Mai không xác định bản thân sẽ theo một phong cách nào nhất định mà luôn biết biến tấu để tránh nhàm chán. Khi mua đồ si về, cô sẽ không giữ nguyên mặc ngay mà có đôi chút thiết kế lại, cụ thể là với áo cô sẽ cắt ngắn lên hoặc chỉ lấy phần vải để may thành một cái áo mới. Thậm chí chỉ từ một cái áo Hồng Mai có thể “hô biến” thành một bộ đồ mới với áo croptop và chân váy ngắn.
Hồng Mai hy vọng trong tương lai mọi người sẽ biết đến thời trang secondhand nhiều hơn chứ không chỉ riêng với giới trẻ vì cô nhận thấy những lợi ích mà “đồ si” mang lại thật sự rất nhiều.