Chuyên mục Cafe đầu tuần của Kiến Thức khởi động tuần mới với cuộc đối thoại với Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã - nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam về thực tế tranh cãi liên quan bộ phim “Sống cùng lịch sử” của đạo diễn Thanh Vân, do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, được nhà nước đầu tư với số tiền lên đến 21 tỷ đồng, nhưng khi ra chiếu rạp vài ngày, “bom tấn” này đã phải ngừng chiếu do không có khán giả...
|
Cảnh trong phim "Sống cùng lịch sử". |
Đã là phim tư liệu lịch sử… còn bán vé
- Tiến sĩ nhìn nhận thế nào về bộ phim lịch sử “Sống cùng lịch sử” của đạo diễn Thanh Vân, do hãng phim truyện Việt Nam sản xuất, được nhà nước đầu tư tới 21 tỷ đồng?
Nhìn nhận khách quan, "Sống cùng lịch sử" là một bộ phim được đầu tư lớn, có tư liệu lịch sử hay, chất lượng tốt; nêu bật cuộc chiến đấu kiên cường của dân tộc cũng như các gương mặt anh hùng. Bộ phim mang nhiều giá trị lịch sử, có ý nghĩa trong việc giáo dục nhận thức của học sinh, sinh viên về lịch sử dân tộc.
- Lý do bộ phim đã không thu hút được sự quan tâm của khán giả? Có hay không do người Việt Nam hiện nay ít quan tâm lịch sử?
Theo tôi nhìn nhận, người dân không quan tâm đến lịch sử và những phim lịch sử có phần đúng nhưng không phải tất cả nguyên nhân. Thái độ của người dân thờ ơ với phim lịch sử không có gì là lạ. Bởi vì những phim mang tư liệu lịch sử khi sản xuất ra và trình chiếu, người ta thường tổ chức trong các trường học, tổ chức cơ quan cần tư liệu lịch sử để nghiên cứu. Những bộ phim như thế ít khi người ta bán vé. Đằng này bộ phim “Sống cùng lịch sử” lại bán vé chiếu rạp. Thực tế, phim lịch sử hàm chứa những tư liệu lịch sử mà người dân Việt Nam ít nhiều cũng biết cả rồi. Nhất là những tư liệu đề cập đến những cuộc chiến tranh gần đây. Dù bộ phim có hấp dẫn đến mấy thì khán giả cũng tự đặt câu hỏi: “Có gì hấp dẫn đến mức phải mua vé khi biết đó là phim tư liệu lịch sử”. Bên cạnh đó, có nhiều phim giải trí lấn lướt, thu hút khán giả nên không mấy ai chọn phim lịch sử để đi xem. Thực tế cần nhìn nhận, phim lịch sử mang tính chính trị nên thường thiếu sự hấp dẫn đối với khán giả.
Yếu khâu quảng bá + chưa nghiên cứu kỹ thị hiếu khán giả
- Nếu phải mua vé để xem một bộ phim lịch sử tại rạp, Tiến sĩ có mua hay không?
Tôi nghiên cứu, tìm hiểu quá nhiều về tư liệu lịch sử, nên việc mua vé xem phim lịch sử hay không tôi cũng cần cân nhắc. Nếu bộ phim đó, được báo chí giới thiệu là hay, hấp dẫn có giá trị lịch sử, tôi sẽ mua vé đến xem. Tuy nhiên, “Sống cùng lịch sử” yếu khâu quảng bá. Nhiều khán giả họ cũng nói rằng, họ chưa hề thấy hình ảnh quảng bá bộ phim này trên báo chí hay truyền hình trước khi chiếu rạp nên nhiều người không biết phim có hấp dẫn hay không để mua vé.
|
Nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam, Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã. |
- Yếu khâu quảng bá và thiếu sự hấp dẫn đối với khán giả, nên có tình trạng là nhiều rạp chiếu phim ngại trình chiếu các bộ phim lịch sử?
Rạp chiếu phim luôn muốn bộ phim trình chiếu có đông khán giả. Họ nắm thị hiếu, nhu cầu khán giả nên thường những bộ phim mang tính chất giải trí, hút khách thì các rạp chiếu phim đều mở cửa nhưng họ lại e dè với phim lịch sử vì thiếu hấp dẫn.
- Trên thế giới, nhiều quốc gia rất thành công ở mảng phim lịch sử. Tại sao ở Việt Nam, phim lịch sử lại luôn vắng khán giả? 21 tỷ đồng đầu tư cho "Sống cùng lịch sử" mà công chiếu... phải "đắp chiếu", thì có nên xem xét lại việc đầu tư sản xuất phim lịch sử - nên chăng để số tiền ấy làm việc khác sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn?
Cùng đề tài làm phim liên quan đến lịch sử nhưng nếu bộ phim mang tính tiểu thuyết đề cập đến lịch sử ở một thời gian xa thì nó lại là một chuyện khác. Tôi khẳng định, đề tài lịch sử tiểu thuyết bao giờ cũng hấp dẫn khán giả; đầu tư vào phim lịch sử là rất cần thiết để phổ biến, tuyên truyền những giá trị lịch sử đến với người dân Việt Nam nên thời gian tới vẫn cần đầu tư để sản xuất. Tuy nhiên, sự thờ ơ của khán giả do những người làm phim phổ biến không đúng đối tượng; khi làm làm phim, cần nghiên cứu kỹ nhu cầu, thị hiếu của khán giả; cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về hình ảnh bộ phim trước khi trình chiếu để hấp dẫn được khán giả.
Thu hồi 21 tỷ đầu tư bằng cách nào?
- Để phim “Sống cùng lịch sử” đến được rộng rãi với công chúng thì những nhà làm phim nên làm gì trong thời gian tới?
Tôi nghĩ không nên quá chú trọng vào việc trình chiếu bộ phim này ở các rạp chiếu phim mà nên trình chiếu miễn phí tại các trường đại học, THPT hoặc các cơ quan, tổ chức nghiên cứu về lịch sử và không nên bán vé. Bởi giá trị của phim lịch sử là phổ biến rộng rãi đến đối tượng mà bộ phim muốn hướng đến để tuyên truyền lịch sử chứ không phải là việc kinh doanh thu lại chi phí sản xuất.
- Công chiếu miễn phí trong khi số tiền đầu tư lên đến 21 tỷ đồng, như vậy có làm khó cho các nhà sản xuất phim trong việc thu hồi chi phí sản xuất?
Việc trình chiếu không bán vé không có nghĩa là không thu hồi lại được kinh phí. Hãng phim nên vận động các tổ chức cơ quan, trường học mua phim để chiếu miễn phí cho các đối tượng cần tiếp nhận tư liệu lịch sử của bộ phim ấy, nhằm giáo dục, tuyên truyền lịch sử đến các đối tượng ấy. Có nhiều cách để phổ biến bộ phim ngoài việc chiếu rạp như chiếu phim ủng hộ quỹ gì đó như quỹ ủng hộ ngư dân bám biển chẳng hạn hay quỹ về biển Đông. Tôi nghĩ nhà làm phim họ có nhiều cách để bộ phim vừa đạt hiệu quả, mục đích, vừa có doanh thu.
- Được Nhà nước đầu tư đến 21 tỷ đồng, bộ phim “Sống cùng lịch sử” công chiếu vắng khán giả, khiến một bộ phận dư luận cho rằng, nên xem xét lại việc đầu tư sản xuất phim lịch sử - nên chăng để số tiền ấy làm việc khác sẽ có ý nghĩa thiết thực hơn, Tiến sĩ đánh giá sao về quan điểm này?
Theo tôi đầu tư vào phim lịch sử là rất cần thiết để phổ biến, tuyên truyền những giá trị lịch sử đến với người dân Việt Nam nên thời gian tới vẫn cần đầu tư để sản xuất. Tuy nhiên, nhà sản xuất phim lịch sử phải làm thế nào để hướng đến từng đối tượng tiếp cận bộ phim đó. Cũng như đẩy mạnh tuyên truyền về hình ảnh bộ phim trước khi trình chiếu để hấp dẫn được khán giả.
- Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Nhã về cuộc trao đổi này!
Nhiều bộ phim lịch sử thất bại về mặt doanh thu:
Ngoài bộ phim "Sống cùng lịch sử", nhiều bộ phim lịch sử khác như: Mộ gió và Đam mê, Rừng đen, Chơi vơi, Vũ điệu đam mê cũng phải chịu cảnh sau khi ra rạp đều bị loại khỏi danh sách chiếu sau hai tuần vì quá ế. Một số tác phẩm từng đoạt giải cao hoặc gây tiếng vang trên quốc tế như: Mùi cỏ cháy hay Tâm hồn mẹ ra mắt năm 2011 lại không có cơ hội để ra rạp trong nước bởi gặp vấn đề về kinh phí phát hành.