|
Ảnh minh họa.
|
Gần đây, khi xây dựng Đề án Đổi mới chương trình và sách giáo khoa những năm sau 2015, vấn đề một chương trình, nhiều sách giáo khoa (SGK) đã chính thức được Chính phủ đưa vào Tờ trình như một chủ trương để xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp thứ 8 tháng 10/2014.
Nhìn một cách tổng quát, về lý thuyết nhiều bộ SGK là một chủ trương đúng. Trước hết vì nó phù hợp với bản chất và quy luật phát triển đa dạng của hiện thực đời sống; đó là xu thế của các nền giáo dục hiện đại, tiên tiến trong bối cảnh một thế giới bùng nổ thông tin, sự kết hợp đa phương tiện và thái độ tôn trọng sự đa dạng, khác biệt; sau đó mới là các lí do khác nữa trong điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Chẳng hạn tránh được hiện tượng độc quyền trên nhiều bình diện như kinh doanh, phát hành, in ấn, biên soạn...; tạo ra nhiều nguồn thông tin đa dạng và phong phú, nhiều cách tiếp cận, nhiều phương pháp suy nghĩ, nhiều con đường đi đến chân lí...; tạo ra nhiều sự lựa chọn cho giáo viên và học sinh, giống như ta vào ăn tự chọn ở một khách sạn lớn, tha hồ tìm món gì hợp với khẩu vị và sở thích của mình.
Trong Đề án và Tờ trình cũng đã đề xuất phương hướng thực hiện chủ trương này bằng phương án cụ thể, trong đó “Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn một bộ SGK; đồng thời các tổ chức, cá nhân biên soạn”.
Đánh giá về ưu điểm nếu Bộ GD&ĐT biên soạn SGK là chủ động được về thời gian và công việc trong quá trình triển khai đổi mới chương trình một cách đồng bộ, kịp thời mà vẫn phát huy được lợi ích của chủ trương nhiều SGK nêu trên. Nếu giao toàn bộ việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa mà không có một đơn vị xuất bản nào chịu trách nhiệm chính, bảo đảm việc biên soạn SGK đúng tiến độ để phục vụ đổi mới chương trình thì sẽ hết sức bị động trong việc triển khai, thực hiện; nhất là trong bối cảnh có thể triển khai đồng loạt tất cả các lớp ở Tiểu học và các lớp đầu cấp THCS và THPT.
Hơn nữa, việc có một bộ SGK do Bộ GD&ĐT tổ chức biên soạn không ảnh hưởng đến việc có các bộ SGK khác cùng lưu hành vì tất cả các bộ SGK đều được Hội đồng quốc gia thẩm định độc lập; có đủ thời gian để làm tốt việc xây dựng CT và viết SGK (3,5 năm). Viết tài liệu và tập huấn thật tốt cho cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên các bộ môn trước khi triển khai chương trình mới...
Có thể nói chủ trương một chương trình, nhiều SGK là chủ trương đúng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, nếu thực hiện chủ trương này thì cần phải tính đến tất cả những hệ lụy, khó khăn, thậm chí là những thách thức lớn nếu muốn triển khai cho đúng hướng, có tính khả thi và bảo đảm chất lượng.
Thực tiễn nước ta cho thấy, một chủ trương dù rất đúng đắn nhưng nếu chưa đủ những điều kiện cơ bản, cần thiết, nếu tổ chức thực hiện nóng vội sẽ dẫn đến nhưng hậu quả khó khắc phục và không lường hết được. Tuy nhiên, nếu chờ cho thật đầy đủ các điều kiện mới tiến hành thì không biết đến bao giờ mới thực hiện được những ý tưởng tốt đẹp, cập nhật được với xu thế tiến bộ của thế giới, thậm chí không bao giờ làm được.